Góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Ngọc Trang |

Nếu như trước đây, Hồ Văn Hồi, người dân tộc Vân Kiều ở Khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) được biết đến là một trong số ít nghệ nhân tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở địa phương thì gần đây, những việc làm sáng tạo, thiết thực của anh tiếp tục tạo sự quan tâm đối với nhiều người.

Đó là, anh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật, sáng tác dân ca, chế tác nhạc cụ truyền thống… của người Vân Kiều theo cách riêng của mình. Đặc biệt, thông qua ứng dụng công nghệ, anh giới thiệu, quảng bá, góp phần lan tỏa những giá trị, tình yêu văn hóa truyền thống trong cộng đồng, nhất là đối với thế hệ trẻ.

“Bảo tàng sống” ở Khóm 6

Trưởng Khóm 6, thị trấn Khe Sanh Hồ Văn Hiếu cho biết: “Anh Hồi là người có đóng góp rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa người Vân Kiều tại cộng đồng. Không những có am hiểu về văn hóa truyền thống, chịu khó tìm tòi học hỏi, nghiên cứu về văn hóa Vân Kiều, anh còn rất nhiệt tình truyền dạy cho nhiều người, lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống cũng như vận động người dân trong khóm cùng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Nhiều năm nay, ngôi nhà sàn nhỏ của anh Hồi luôn là nơi thường xuyên tiếp đón những vị khách có chung mong muốn tìm hiểu về bản sắc văn hóa của người Vân Kiều. Trong số họ có khi là nhà nghiên cứu văn hóa, khi là những đoàn sinh viên, học sinh, thành viên các câu lạc bộ văn học nghệ thuật hay là những bạn trẻ ở trong, ngoài huyện. Ngay từ lúc còn nhỏ, anh Hồi rất yêu thích, tìm hiểu văn hóa của dân tộc mình.

Anh Hồi (đi sau cùng) tham gia biểu diễn văn nghệ truyền thống - Ảnh: K.S
Anh Hồi (đi sau cùng) tham gia biểu diễn văn nghệ truyền thống - Ảnh: K.S

Từ niềm yêu thích đặc biệt đó, anh nghiên cứu sâu hơn và tìm cách lưu giữ bản sắc văn hóa. Vì thế, anh sớm trở thành người am hiểu tường tận về văn hóa dân tộc mình, có khả năng truyền lại cho các thế hệ sau. Nổi bật nhất đó là vốn kiến thức về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội, nhạc cụ và các làn điệu dân ca, các bộ môn thể thao truyền thống, nghề dệt thổ cẩm.

Hiện nay, anh Hồi là một trong số ít người ở Hướng Hóa còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm. Qua bàn tay tài hoa của anh, những nét hoa văn truyền thống của trang phục người Vân Kiều được sống lại một cách chân thực nhất. Bởi thế, những mẫu trang phục khăn, váy, áo của người Vân Kiều do anh dệt may luôn tạo dấu ấn đặc biệt tại các cuộc thi, hội diễn hay lễ hội truyền thống trong và ngoài tỉnh. Với đam mê, yêu thích cồng chiêng và văn hóa văn nghệ truyền thống, anh tích cực tham gia vào đội cồng chiêng và đội văn nghệ ở Khóm 6 từ rất sớm. Anh Hồi có thể sử dụng thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau như: cồng, chiêng, thanh la, xập xõa, khèn bè, sáo, đàn môi, đàn nhị, đàn ta lư…

Anh cũng có thể hát được nhiều làn điệu dân ca, thực hiện thành thạo các điệu múa, nhảy truyền thống. Các môn thể thao truyền thống như đi cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy… anh Hồi đều có khả năng thực hiện một cách thuần thục; anh từng đoạt giải cao tại các hội thi liên hoan văn hóa các vùng miền trong nước.

Anh còn am hiểu rất tường tận về các phong tục tập quán đặc sắc của người Vân Kiều, đặc biệt là lễ hội cồng chiêng, tục cưới hỏi, ma chay. Đối với ngôn ngữ Vân Kiều, anh thông thạo cả về tiếng nói và chữ viết. “Tôi rất tự hào về văn hóa của người Vân Kiều. Tâm nguyện của tôi là phải cố gắng dành thật nhiều thời gian cho việc gìn giữ, phát huy, khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ”, anh Hồi chia sẻ.

Nỗ lực bảo tồn

Với sự phát triển mạnh mẽ của KT-XH hiện nay, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một dần. Đó chính là điều luôn khiến anh Hồi trăn trở. Mặc dù là trụ cột gia đình, hằng ngày phải làm rẫy đảm bảo cuộc sống nhưng anh Hồi vẫn luôn dành quỹ thời gian, không gian riêng để “sống” với bản sắc văn hóa truyền thống. Sau giờ lao động vất vả, anh Hồi lại làm bạn với các nhạc cụ. Hiện tại, anh sưu tầm được rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống như: thanh la, đàn môi, khèn, sáo, đàn nhị…

Vào dịp cuối tuần hoặc mùa lễ hội, anh Hồi thường đến thăm cộng đồng người Vân Kiều khắp nơi trong nước và cả nước bạn Lào để giao lưu, học hỏi, tìm hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Anh chủ động lập fanpage, facebook cá nhân để kết nối với bạn bè khắp mọi miền có cùng đam mê sưu tầm, nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó đăng tải những thông tin, kiến thức về văn hóa người Vân Kiều.

Đặc biệt, anh làm những video clip với nội dung giới thiệu về trang phục, nhạc cụ và các làn điệu dân ca của dân tộc Vân Kiều được nhiều người quan tâm theo dõi như: “Kết nối Bru Vân Kiều bốn phương” có trên 7.000 thành viên; “Bru-Vân Kiều vẻ đẹp tỏa sáng” có trên 3.000 thành viên; “Vân Kiều - Pa Kô, nét đẹp văn hóa hội tụ bốn phương” có gần 6.000 thành viên… Anh còn kết nối với một số người Vân Kiều thành lập nhóm chuyên nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện tại nhóm của anh đang tập trung nghiên cứu, vẽ và dệt những mẫu hoa văn truyền thống, lấy tư liệu này để in thành sách; đồng thời nghiên cứu cách chế tác nhạc cụ truyền thống.

“Thời gian tới, tôi sẽ học hỏi thêm về công nghệ, xây dựng nhiều video clip giới thiệu về bản sắc văn hóa dân tộc mình để giới thiệu, quảng bá lên các trang mạng xã hội. Tôi muốn lan tỏa đến mọi người tình yêu văn hóa truyền thống. Từ sự lan tỏa này, tôi mong muốn sẽ được kết nối rộng rãi hơn, đặc biệt là được truyền lại cho người có cùng tâm huyết về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, để cho văn hóa mình không bị mất đi mà luôn sống mãi với thời gian”, anh Hồi bộc bạch.

Với nhiều đóng góp tích cực trong bảo tồn văn hóa dân tộc, anh được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Trung ương tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Hiện anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

“Việc tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương là cách để tôi có cơ hội gần gũi, tuyên truyền, vận động trong cộng đồng người Vân Kiều nâng cao ý thức, chung tay bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm, triển khai thực hiện các giải pháp thiết thực để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số”, anh Hồi chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tạo các tiền đề, hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ để loại hình du lịch văn hóa tâm linh phát triển

Thanh Trúc |

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam tại hội thảo “Bí ẩn miền đất thiêng” do Hiệp hội Du lịch Quảng Trị tổ chức chiều 15/10. Hội thảo với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành lớn trên toàn quốc; đại diện lãnh đạo một số Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch; Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch các tỉnh: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên với mô hình 'kinh tế xanh'

PV |

Ngày 10/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị quốc tế “Vai trò của nền kinh tế xanh trong bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên” do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tổ chức. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập Tạp chí Ngày Nay – cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam.

Gìn giữ văn hóa cồng chiêng nơi thượng nguồn Bến Hải

Trần Tuyền |

Nép mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), bao đời nay gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, trong đó có văn hóa cồng chiêng. Trong những dịp lễ hội của bản làng hay các đám giỗ, việc cưới, việc tang... tiếng cồng chiêng ngân vang giữa bao la đại ngàn đã góp phần gắn kết cộng đồng, hướng dân bản đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo tồn, lan tỏa giá trị di sản văn hóa Huế

PV |

Với thương hiệu “Một điểm đến của 5 di sản”, Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) mang trong mình những lợi thế riêng có về di sản vật thể, phi vật thể, giá trị nổi bật toàn cầu. Sự hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn, trùng tu, quảng bá đã góp phần lan tỏa giá trị di sản văn hóa Huế, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.