Tuy lần đầu tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” nhưng em NGUYỄN TRẦN KHÁNH CHI, Lớp 7A, Trường THCS Khe Sanh, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), đã để lại nhiều dấu ấn trong vòng thi cấp huyện, tỉnh và toàn quốc.
Đằng sau kết quả ấy là câu chuyện đẹp về một cô học trò nhỏ yêu sách và mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến mọi người. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Khánh Chi về niềm đam mê của mình.
Mong muốn lan tỏa văn hóa đọc
- Đầu tiên, xin chúc mừng Khánh Chi đã đoạt giải Nhất cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cấp huyện, cấp tỉnh và được đánh giá cao tại vòng thi toàn quốc. Cảm xúc của em như thế nào khi nhận được tin vui này?
- Đây là lần đầu tiên em tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc”. Em cảm thấy rất hồi hộp và lo lắng. Theo em được biết, cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh với nhiều tác phẩm chất lượng, sáng tạo. Vì vậy, khi liên tiếp nhận được tin vui, em rất bất ngờ và hạnh phúc.
- Khánh Chi đã nỗ lực thế nào để đến với cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” và đạt thành tích cao?
- Em là người khá thích tham gia các cuộc thi để có cơ hội phát triển, hoàn thiện kỹ năng. Khi nhà trường phát động cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, em đã đăng ký tham gia ngay. Tuy vậy, khi bắt tay vào viết bài, em gặp phải một số khó khăn trong việc lựa chọn sách, triển khai ý tưởng và xây dựng giải pháp... Có lúc em muốn bỏ cuộc. Nhờ sự động viên của cô giáo hướng dẫn, gia đình và mong muốn được lan tỏa văn hóa đọc tới các bạn học sinh trên khắp mọi miền đất nước, em mới có thể hoàn thành bài dự thi một cách tốt nhất. Việc đoạt giải Nhất cấp huyện và giải Nhất cấp tỉnh, được ban tổ chức, ban giám khảo cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” toàn quốc đánh giá cao là món quà em dành tặng những người đã luôn yêu thương, cổ vũ, động viên mình.
- Ngoài giới thiệu cuốn sách yêu thích, trong bài dự thi của mình, Khánh Chi đã chia sẻ rất rõ về những ý tưởng, kế hoạch để góp phần lan tỏa văn hóa đọc. Em có thể giới thiệu một số thông tin chính với độc giả Báo Quảng Trị?
- Để góp phần lan tỏa văn hóa đọc, trong bài dự thi của mình, em đã có những ý tưởng, kế hoạch cụ thể. Trước tiên, em xác định cần thành lập các câu lạc bộ đọc sách nhằm gắn kết những người yêu sách lại với nhau. Thành viên câu lạc bộ sẽ cùng lên kế hoạch cùng nhau quyên góp sách tặng thư viện, sách tặng cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, giúp các bạn được tiếp cận với sách, xây dựng thói quen đọc sách... Mỗi bạn đọc yêu sách sẽ làm một thư viện tại nhà để chia sẻ những cuốn sách hay.
Thứ hai, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, em nghĩ cần thành lập những fanpage giới thiệu sách, lan tỏa văn hóa đọc. Cùng với các bạn, em cũng sẽ tích cực tham gia các cuộc thi về sách do trường, địa phương và các cơ quan, ban, ngành tổ chức. Đây là những sân chơi lý thú, bổ ích để lan tỏa niềm đam mê với việc đọc sách, từ đó thúc đẩy phong trào đọc trong nhà trường và cộng đồng.
- Điều thú vị là dù mới chỉ học lớp 7 nhưng trong số những ý tưởng, kế hoạch trên, có những điều Khánh Chi đã biến thành hiện thực. Em có thể chia sẻ về điều này?
- Trong bản kế hoạch lan tỏa văn hóa đọc, em thích nhất là ý tưởng lan tỏa tình yêu sách qua nền tảng mạng xã hội. Thực tế, trước khi tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, em đã thành lập trang: “Genz đọc sách gì?” trên facebook. Tại đây, em đã đăng lời giới thiệu, thông điệp sâu sắc về những cuốn sách mình yêu thích để mọi người có thể tìm kiếm được những cuốn sách phù hợp với bản thân. Trong tương lai, em mong muốn trang này sẽ lôi cuốn bạn đọc và tăng tương tác đến cộng đồng nhiều hơn nữa.
Ai cũng có thể trở thành đại sứ văn hóa đọc
- Nói một chút về bản thân, tình yêu đọc sách của Khánh Chi khởi nguồn từ đâu?
- Ngay từ thời thơ ấu, mẹ đã cho em làm quen với sách, bắt đầu với những cuốn truyện tranh đơn giản đến những tác phẩm truyện ngắn dành cho thiếu nhi rồi đến các tác phẩm văn học lớn, sách kỹ năng, sách lịch sử.... Cứ thế, tình yêu sách lớn dần lên trong trái tim em theo năm tháng. Em luôn biết ơn mẹ và những người thân thương vì đã dẫn dắt mình vào thế giới diệu kỳ của những trang sách.
- Tình yêu ấy đã mang lại điều gì ý nghĩa cho việc học tập và cuộc sống của em?
- Sách đã giúp em thay đổi góc nhìn về những gì xảy ra xung quanh. Cũng nhờ tình yêu với sách, em đã biết tiết chế cảm xúc; biết đồng cảm, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh; nhìn nhận mọi thứ một cách tích cực hơn... Ngoài ra, nhờ việc đọc sách mà vốn kiến thức của em được mở rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
- Trong suy nghĩ của em, đại sứ văn hóa đọc là người như thế nào?
- Trước đây, em vẫn nghĩ đại sứ văn hóa đọc phải là những người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm, giàu kiến thức, kỹ năng... Tuy nhiên, sau khi tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, suy nghĩ ấy đã thay đổi. Theo em, đại sứ văn hóa đọc là một người có thể lan tỏa tình yêu sách của mình đến mọi người xung quanh. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành một đại sứ văn hóa đọc nếu thực sự đam mê và nỗ lực lan tỏa tình yêu sách. Em nghĩ, lan tỏa văn hóa đọc là sứ mệnh chung của tất cả chúng ta.
- Theo em, các bạn nhỏ cần làm gì để có thể trở thành những đại sứ văn hóa đọc giữa đời thực, góp phần lan tỏa tình yêu sách?
- Theo em, để có thể trở thành đại sứ văn hóa đọc, trước tiên các bạn nhỏ phải xây dựng tình yêu sách, thói quen đọc sách, trân quý những giá trị mà sách mang lại. Không dừng lại ở đó, chúng ta cần lan tỏa, động viên, thuyết phục mọi người hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng của sách. Khi người người, nhà nhà yêu sách thì sẽ đến ngày chúng ta có một cộng đồng với đông đảo đại sứ văn hóa đọc. Em tin, lúc bấy giờ, cuộc sống sẽ bình yên, vui tươi và tốt đẹp hơn.
Thực ra, mọi sự thay đổi lớn đều khởi đầu từ những thứ rất nhỏ. Vì vậy, em mong rằng các bạn hãy tin vào chính mình, thay đổi chính mình để làm được nhiều điều ý nghĩa.
- Xin cảm ơn Khánh Chi! Chúc em giữ mãi đam mê của mình!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)