Thời tiết mưa lớn mấy ngày qua cộng với lượng nước từ thượng nguồn sông Ô Lâu đổ về mạnh đã làm nhiều diện tích lúa mới gieo sạ ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) bị ngập úng cục bộ tại một số xã. Hiện người dân các địa phương đang khẩn trương hộ đê và bơm tiêu úng để cứu lúa.
Từ trưa ngày 15/2, mưa lớn và nước nguồn bắt đầu đổ về đã nhanh chóng làm cánh đồng lúa mới gieo sạ của xã Hải Quế bị ngập chìm trong nước.
Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có khoảng 140 ha lúa bị ngập sâu, trong đó thôn Kim Long là 40 ha, thôn Đơn Quế 60 ha và thôn Hội Yên là 40 ha. Mức ngập sâu nhất khoảng 80 cm, còn phổ biến từ 30 - 40 cm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Quế Nguyễn Hòa cho biết: “Ngay sau khi xảy ra ngập úng, các HTX trên địa bàn xã đã vận hành 4 trạm bơm điện để chống úng đồng thời huy động thêm nhiều máy bơm dầu thực hiện nhiệm vụ tiêu úng, hoạt động 24/24 giờ.
Cùng với đó, người dân đã huy động nhân lực xúc bao cát đắp đê để hạn chế nước đổ về ngập đồng, cắt cử người túc trực theo dõi tình hình ngập. Dòng nước gây ngập là nước trong nên có khả năng cứu được lúa, nếu là nước bạc thì chắc chắn sẽ gây hư hại cho lúa”, ông Hòa cho hay.
Công tác hộ đê, tiêu úng tại nhiều xã khác cũng được tiến hành rất khẩn trương, không kể ngày đêm.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Văn Ngọc Tiến Đức cho biết, báo cáo nhanh từ các xã tính đến 9 giờ sáng 16/2, toàn huyện đã ghi nhận trên 1.000 ha lúa vụ đông xuân 2022 - 2023 bị ngập úng ở mức nước từ lấp xấp cây đến ngập hoàn toàn. Các địa phương bị ngập úng với diện tích nhiều là các xã Hải Dương, Hải Quế, Hải Phong, Hải Định, Hải Sơn, thị trấn Diên Sanh…
Số diện tích lúa bị ngập úng nói trên đã được gieo sạ khoảng hơn 1 tháng và đã hoàn thành việc trỉa dặm. Ngay sau khi xảy ngập úng, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chỉ đạo các HTX huy động toàn bộ nhân lực vận hành các trạm bơm hết công suất, huy động thêm máy bơm dầu để bơm tiêu úng; đồng thời tăng cường đắp đê, gia cố bờ thửa, tăng cường trực gác để cứu lúa.
“Hiện việc tiêu úng khá khó khăn khi lượng nước bơm tiêu úng ra ngoài đồng chậm hơn so với nước từ thượng nguồn đổ về. Vì vậy, chúng tôi phải huy động toàn lực, tập trung hết sức hộ đê và tiêu úng để cứu lúa, không để ngập sâu kéo dài gây thiệt hại nặng”, ông Đức cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)