Hàng chục hộ dân mòn mỏi chờ bố trí địa điểm mới để kinh doanh cát, sỏi

Nhơn Bốn |

Vì chờ đợi được bố trí địa điểm mới để kinh doanh cát, sỏi phù hợp theo quy định quá lâu và không biết đến khi nào mới thực hiện xong nên ông Nguyễn Hòa, (58 tuổi), ở thôn Tân Đức, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong đã đại diện cho 36 hộ kinh doanh và người lao động phản ánh đến Báo Quảng Trị sự việc nêu trên đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đời sống một bộ phận người dân...

Khó khăn bủa vây

Thôn Tân Đức, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong hiện có khoảng 300 hộ dân. Hơn 80% hộ dân nơi đây đều sống bằng nghề sông nước và một số hộ kinh doanh cát, sỏi bởi tất cả người dân đều không có đất ruộng, đất màu hay ao hồ quy mô nên không thể phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Cách đây 47 năm, địa phương nơi đây cho phép thành lập một tập đoàn khai thác cát, sỏi bằng thủ công do ông Nguyễn Đức Chiến là tập đoàn trưởng. Đến năm 1990, địa phương có chủ trương cho các hộ chuyển đổi sang hình thức kinh doanh cát, sỏi và làm bến bãi tập kết. Bãi cát, sỏi này chạy dọc theo bờ sông Thạch Hãn kéo dài từ cầu Rì Rì đến cầu Thành Cổ, nay thuộc thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành.

Các hộ kinh doanh cát sỏi ở thôn Tân Đức xót xa khi nhiều thiết bị, máy móc tại bãi tập kết phải nằm giữa nắng mưa hơn 6 tháng qua và đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng - Ảnh: N.B
Các hộ kinh doanh cát sỏi ở thôn Tân Đức xót xa khi nhiều thiết bị, máy móc tại bãi tập kết phải nằm giữa nắng mưa hơn 6 tháng qua và đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng - Ảnh: N.B

Bến bãi này phát triển dần và đến đầu năm 2022 có khoảng 10 bãi tập kết, mỗi bãi có sức chứa hơn 50 m3 cát, sỏi. Để thuận lợi cho việc kinh doanh từ năm 2008 đến đầu năm 2022, nhiều hộ kinh doanh tại bến bãi này đã tiến hành xin giấy chứng nhận kinh doanh.

Rất nhiều hộ đã được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Triệu Phong cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và Chi cục Thuế huyện Triệu Phong cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế. Giấy chứng nhận kinh doanh nêu rõ ngành nghề kinh doanh của mỗi hộ, trong đó có hộ chỉ buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng (cát, sỏi); một số hộ đăng ký kinh doanh vừa mua bán, vừa vận chuyển cát, sỏi; có hộ đăng ký cả khai thác, mua bán và vận chuyển cát, sỏi.

Những tưởng rằng với các loại giấy tờ được cấp như trên là đã hợp pháp để hoạt động dài lâu nên nhiều hộ dân đã vay vốn ngân hàng, vay tiền từ người thân để mở rộng bến bãi, đầu tư máy móc, thiết bị, tạo thuận lợi cho kinh doanh. Sau nhiều năm hoạt động liên tục và chưa bị cơ quan chức năng yêu cầu chấm dứt hoạt động nên các hộ dân có bến bãi nơi đây vẫn nghĩ rằng họ hoạt động hợp pháp.

Đến chiều ngày 3/8/2022, Công an huyện Triệu Phong phối hợp với công an xã, chính quyền xã Triệu Thành yêu cầu các hộ dân kinh doanh cát, sỏi dọc sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành cam kết dừng hoạt động, chủ động giải tỏa, xử lý các vật liệu cát, sỏi trên các bến bãi không có giấy phép kinh doanh.

Từ khi dừng hoạt động đến nay, các hộ kinh doanh và hàng chục nhân công chuyên làm thuê ở các bãi tập kết cát, sỏi bị thất nghiệp. Trong khi đó các khoản vay nợ ngân hàng, nợ người thân, kể cả vay nóng có lãi suất cao ngày một lớn thêm.

“Vợ chồng tôi đang nợ ngân hàng 125 triệu đồng, vay nóng bên ngoài 85 triệu đồng với lãi suất cao để trang trải cuộc sống, trả nợ một số nơi. Từ khi bến bãi dừng hoạt động, vợ chồng tôi chẳng thể làm thêm được gì để mưu sinh vì tuổi đã cao. Hằng tháng luôn nơm nớp lo âu tiền trả nợ”, bà Võ Thị Doanh, (61 tuổi), ở thôn Tân Đức, xã Triệu Thành cho biết.

Không chỉ có gia đình bà Doanh đang chật vật với nợ nần mà nhiều người lao động tại các bãi cát, sỏi, hộ kinh doanh bến bãi bị dừng hoạt động cũng đều chung cảnh ngộ.

“Trong những năm làm bến bãi cát, sỏi, vợ chồng tôi có vay ngân hàng 350 triệu đồng để đầu tư kinh doanh, trang trải cuộc sống gia đình. Ngày trước kinh doanh thuận lợi nên mỗi quý, vợ chồng tôi xin ngân hàng trả gần 60 triệu đồng cả gốc và lãi.

Thế nhưng từ ngày bến bãi dừng hoạt động, vợ chồng tôi lâm vào cảnh khó khăn đủ bề, vừa tiền trả ngân hàng, tiền chi tiêu cho cả gia đình, tiền học cho con. Để giảm gánh nặng tiền vay ngân hàng, vợ chồng tôi phải chạy vạy mượn người thân để trả hết số nợ còn lại. Sau này, khi được phép hoạt động kinh doanh thì làm lụng tích cóp trả lại người thân”, anh Phạm Anh Vinh, ở thôn Tân Đức, xã Triệu Thành chia sẻ.

Theo bà D. một chủ hộ kinh doanh bãi cát, sỏi thông tin, từ khi bến bãi bị dừng hoạt động, không ít lao động tại các bến bãi, hộ kinh doanh rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu buộc phải vay nóng một số người với lãi suất cao.

Bến bãi vẫn đang dừng hoạt động, địa điểm kinh doanh mới chưa bố trí nên nhiều lao động, hộ kinh doanh tiếp tục thất nghiệp, không làm gì ra tiền nhưng vẫn phải trả các khoản vay từ ngân hàng, người thân và lo cho cuộc sống gia đình, việc học hành của con. Điều đáng quan tâm là những người phải vay nóng để trả nợ, đến lúc mất khả năng trả nợ thì ắt sẽ đối diện với nhiều mối hiểm nguy, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương.

Từ ngày bến bãi cát, sỏi dừng hoạt động, máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động kinh doanh để lâu ngày giữa nắng mưa đã có dấu hiệu han rỉ, xuống cấp cho dù đã được che chắn.

“Không biết đến khi nào mới được hoạt động kinh doanh trở lại nhưng máy móc, thiết bị cứ xuống cấp hằng ngày. Để đưa máy móc, thiết bị vào hoạt động trở lại cũng phải bảo dưỡng, sửa chữa mất không ít thời gian, tiền bạc”, ông Nguyễn Hòa than thở.

Chờ đợi bố trí địa điểm kinh doanh mới đến bao giờ?

Hơn 6 tháng bị tạm dừng kinh doanh với bao khó khăn chồng chất, các hộ kinh doanh và người lao động đã nhiều lần ký đơn tập thể kiến nghị đến các cấp chính quyền mong sớm được cho phép hoạt động trở lại tại bãi tập kết cũ hoặc có phương án di dời đến nơi kinh doanh mới.

Kiến nghị mong muốn cho phép hoạt động trở lại tại bãi tập kết cũ của người dân đã đi ngược lại quan điểm, chủ trương của tỉnh và huyện Triệu Phong. Bởi lẽ qua tìm hiểu của phóng viên, quan điểm, chủ trương của tỉnh, huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị là sẽ xử lý triệt để các bãi tập kết, khai thác cát, sỏi dọc bờ sông Thạch Hãn đoạn từ Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn đến cầu Ga.

Đoạn dọc bờ sông này là nơi gắn với nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân nên phải tránh tình trạng khai thác, tập kết cát. Vì thế, liên quan đến kiến nghị của những hộ dân nêu trên, UBND huyện Triệu Phong đã có nhiều văn bản trả lời người dân với các nội dung như: UBND huyện đang chỉ đạo UBND xã Triệu Thành và các cơ quan, ban, ngành liên quan rà soát, thống kê các hộ kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn xã, tổ chức họp quán triệt chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc chuyển đổi toàn bộ các bãi cát, sỏi ra khỏi khu vực ven sông Thạch Hãn (đoạn từ cầu Thành Cổ đến Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn).

Rà soát các hộ dân sinh sống bằng nghề khai thác cát, sỏi ven sông, xây dựng phương án chuyển đổi sinh kế. Khảo sát, tìm chọn vị trí có quy mô phù hợp để quy hoạch bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi, là cơ sở để triển khai di dời các hộ kinh doanh cát, sỏi.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Hòa, UBND xã Triệu Thành đã tổ chức họp với các hộ dân, người lao động có đơn kiến nghị nêu trên và thông tin rằng đã khảo sát và lựa chọn khu đất bên phải tuyến đường về cầu Rì Rì nhưng gặp phải sự phản đối của người dân thôn Cổ Thành.

Ngoài địa điểm đó ra trên địa bàn xã không có vị trí nào thích hợp để quy hoạch, di dời các bãi tập kết cát, sỏi. Sau đó, UBND xã Triệu Thành đã báo cáo, kiến nghị gửi UBND huyện Triệu Phong về nội dung trên.

Nhiều thiết bị, máy móc tại bãi tập kết đã có dấu hiệu hư hỏng - Ảnh: N.B
Nhiều thiết bị, máy móc tại bãi tập kết đã có dấu hiệu hư hỏng - Ảnh: N.B

Thế nhưng đã hơn 6 tháng trôi qua, những hộ kinh doanh cát, sỏi đã mòn mỏi chờ đợi và vẫn chưa được di dời đến địa điểm kinh doanh mới. Và họ cũng không biết đến lúc nào thì được tiếp tục kinh doanh cát, sỏi trên bến bãi mới? càng không biết bến bãi mới ở đâu? Họ có được tiếp tục tạo điều kiện để mưu sinh theo nghề kinh doanh cát, sỏi nữa hay không?

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền và các ban, ngành liên quan cần kịp thời xem xét, có phương án giải quyết thấu đáo nguyện vọng chính đáng của người dân. Từ đó, góp phần giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Phát hiện 2 thuyền khai thác cát trái phép lúc nửa đêm

Thành Nam |

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa phát hiện, lập biên bản 2 thuyền khai thác cát trái phép.

Khởi tố vụ án khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn

Trần Khôi |

Ngày 25/11, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra trên sông Thạch Hãn, thuộc địa phận xã Triệu Long (huyện Triệu Phong) được quy định tại Điều 227, Bộ Luật hình sự.

Đấu tranh có hiệu quả với hoạt động khai thác cát sỏi trái phép

Diệu Thúy |

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 17 vụ với 1 tổ chức, 16 cá nhân có hành vi khai thác cát, sỏi trái phép trên tuyến sông Thạch Hãn với hơn 72 m3 cát đã khai thác; tiến hành lập biên bản, phạt tiền hơn 220 triệu đồng. 

Khẩn trương kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn

Trần Thanh |

Ngày 31/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng ký văn bản yêu cầu UBND huyện Gio Linh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/11/2022.