Hàng trăm hộ dân “khát” nước sạch

Đức Việt |

Hàng chục năm qua, hàng trăm hộ dân các thôn Tường Vân, An Xuân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng từ giếng đào, giếng khoan để phục vụ sinh hoạt. Dù biết sử dụng nguồn nước này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng các hộ dân vẫn phải chấp nhận vì chưa có nguồn nước sạch thay thế. Ngoài ra, mỗi tháng các hộ dân cũng phải mất tiền triệu để mua nước đóng bình phục vụ việc ăn uống…

Theo chân một cán bộ xã Triệu An, chúng tôi vượt qua con đập băng sông và một quãng đồng ngắn là đến thôn Tường Vân để tìm hiểu về thực trạng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng theo phản ánh của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Xuân Toàn (62 tuổi) vừa mở nắp chiếc bể lọc nước do gia đình tự xây dựng bơm thêm nước để lọc cho gia đình có nước sinh hoạt, vừa lo lắng nói: “Bơm nước lên bể tầm nửa tiếng sau là nước xuất hiện váng có màu sắt gỉ. Nước lọc qua nhiều lớp tuy có trong hơn nhưng mùi phèn vẫn rất nặng và còn vị mặn. Nước này chủ yếu phục vụ tắm rửa, giặt áo quần, tưới cây… nhưng do nhiễm phèn, mặn nặng nên áo quần giặt phơi xong là bị khô cứng; tắm thì bị dị ứng ngứa ngáy rất khó chịu. Ở thôn này gia đình nào cũng bị tình trạng tương tự”. Mặc dù sử dụng rất dè sẻn nhưng bình quân mỗi tháng, gia đình ông Toàn vẫn phải mua từ 70-75 bình nước loại 20 lít/bình để phục vụ nhu cầu thiết yếu. Tính ra mỗi tháng gia đình ông tốn khoảng 1,2 triệu đồng tiền mua nước bình.

Nguồn nước của gia đình ông Nguyễn Xuân Toàn bị nhiễm phèn, mặn nặng -Ảnh: Đ.V
Nguồn nước của gia đình ông Nguyễn Xuân Toàn bị nhiễm phèn, mặn nặng -Ảnh: Đ.V

Cạnh nhà ông Toàn, tình trạng nước nhiễm phèn, mặn của gia đình ông Nguyễn Tấn Pha dường như còn nặng hơn. Chiếc bể lọc xây bằng xi măng của gia đình ông Pha xỉn màu vàng, bám đầy váng đỏ quạch, nước dù lọc qua mấy lần nhưng vẫn đục. “Gia đình tôi dùng giếng đào, rồi sau này chuyển qua giếng khoan sâu hàng chục mét nhưng nguồn nước vẫn cứ bị phèn, mặn rất nặng. Để khắc phục tình trạng trên, gia đình tôi xây bể lọc cao 2 tầng, lọc nước qua 3 lớp than, đá, cát nhưng vẫn không ăn thua. Bể gia đình tôi cứ khoảng 4-5 ngày là phải thay cát một lần vì phèn nặng đóng váng dẫn đến vòi nước ở bể bị tắc”, ông Pha nói. Theo người dân địa phương, nhiều năm qua trong thôn đã có nhiều người bị bệnh ung thư dạ dày, ung thư đường ruột và các bệnh về da liễu…Tuy chưa ai kết luận rằng các bệnh nói trên có nguyên nhân từ việc sử dụng nguồn nước kém chất lượng nhưng người dân rất lo lắng. Phó trưởng thôn Tường Vân Trần Văn Sằn cho biết, toàn thôn hiện có gần 400 hộ dân. Do thôn ở gần như giữa bốn bề sông nước và cửa biển nên bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng. Do đó, không chỉ nước sinh hoạt hằng ngày cho tất cả các gia đình bị ảnh hưởng mà nguồn nước phục vụ sản xuất cho khoảng 120 ha đất trồng lúa một vụ của người dân thôn Tường Vân cũng rơi vào tình cảnh rất khó khăn.

Không chỉ thôn Tường Vân, mà thôn An Xuân ở cạnh bên với khoảng 100 hộ dân cũng chung tình trạng hàng chục năm nay “sống chung” với nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn. Bí thư Chi bộ thôn An Xuân Ngô Minh Thư bày tỏ sự lo lắng khi nhắc đến thực trạng nguồn nước ô nhiễm của thôn. Ông Thư cho biết: “Chúng tôi mong được Nhà nước sớm quan tâm đầu tư hệ thống nước máy về tận thôn, vì hàng chục năm nay bà con rất lo lắng cho sức khỏe, lại tốn tiền mua nước bình về dùng trong khi đời sống đa số người dân vẫn còn khó khăn”.

Ông Trần Văn Sằn cho biết thêm, vào năm 2004 tại thôn có một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã được xây dựng. Để lấy nước cho công trình cấp nước này vận hành, đơn vị thi công đã tiến hành khoan 3 điểm, nhưng chỉ chọn được 1 điểm có nguồn nước nhiễm phèn, mặn nhẹ để bơm lên. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 5 tháng hoạt động, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung này đành phải “đắp chiếu” cho đến nay. “Nguyên nhân là do toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước của công trình làm bằng sắt, không chịu được độ mặn, phèn nặng nên đã bị gỉ sét chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng. Do đường ống bị gỉ sét gây tắc, nguồn nước không thể cấp được cho hệ thống lọc cũng như bơm lên tháp cao nên công trình bị ngưng hoạt động suốt từ đó cho đến giờ”, ông Sằn lý giải thêm. Trong các cuộc họp thôn, xã và các cuộc tiếp xúc cử tri thôn, người dân các thôn Tường Vân, An Xuân đã kiến nghị các ban, ngành chức năng cần quan tâm đầu tư hệ thống nước máy về cho địa phương nhưng mong muốn chính đáng này đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chính quyền và người dân địa phương mong muốn Nhà nước sớm quan tâm, đầu tư hệ thống nước máy về các thôn Tường Vân, An Xuân nói riêng và xã Triệu An nói chung, trong đó có thể xem xét đến việc đấu nối nguồn nước máy từ phía thị trấn Cửa Việt về vì quãng đường là khá ngắn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tình nguyện mang nước sạch đến với người dân vùng cao

Quang Hiệp |

Mang trong mình trái tim thiện nguyện, thời gian qua, anh Nguyễn Thanh Tùng cùng những người bạn đã vận động các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm chung tay, góp sức mang nước sạch đến với người dân vùng cao. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với anh NGUYỄN THANH TÙNG về hành trình khó khăn nhưng không đơn độc này.

Nâng cao hiệu quả chương trình nước sạch nông thôn

Hải Đăng |

Vấn đề nước sạch nói chung, nước sạch ở khu vực nông thôn nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Những năm gần đây, người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã từng bước giảm được việc thiếu nước sinh hoạt, nước không đảm bảo vệ sinh, bởi nhiều dự án nước sạch tập trung được đầu tư, đi vào hoạt động. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra chỉ tiêu tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đến năm 2025 đạt 97,5% và đến 2030 là 98%. Để đạt được mục tiêu này, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chương trình nước sạch nông thôn.  

Hàng nghìn hộ ở miền núi Quảng Trị chưa được sử dụng nước sạch

Nguyên Lý |

Hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị đang có hàng nghìn hộ chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch do thiếu các công trình cấp nước.

Thiếu nước sạch trầm trọng sau mưa lũ ở Hướng Hóa

Kô Kăn Sương |

Sau các đợt mưa lũ lịch sử trong năm vừa qua, các công trình cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bị thiệt hại nghiêm trọng, nhất là đối với các xã vùng bản. Đa số đường ống, bể chứa đều bị san lấp, cuốn trôi và hư hỏng nặng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các địa phương chưa thể khắc phục sự cố nên vấn đề nước sạch cho người dân các xã vùng bản trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.