Mang trong mình trái tim thiện nguyện, thời gian qua, anh Nguyễn Thanh Tùng cùng những người bạn đã vận động các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm chung tay, góp sức mang nước sạch đến với người dân vùng cao. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với anh NGUYỄN THANH TÙNG về hành trình khó khăn nhưng không đơn độc này.
- Được biết, thời gian qua, anh cùng những người bạn của mình đã và đang triển khai chương trình đưa nước sạch đến với người dân vùng cao. Điều gì thôi thúc các anh, chị triển khai hoạt động này?
- Ngoài công việc dự án, tôi cùng các đồng nghiệp tại Văn phòng MCNV, nhất là chị Nguyễn Thị Lan Phương, cán bộ quản lý tài chính còn tích cực tham gia hoạt động tình nguyện để hỗ trợ các nhóm cộng đồng thiệt thòi nằm ngoài phạm vi can thiệp của MCNV. Chúng tôi kết nối với các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm, tình nguyện viên từ nhiều nơi để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn ở Quảng Trị, đặc biệt là bà con sinh sống trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.
Tháng 10 và tháng 11/2020, những trận mưa lũ khủng khiếp, liên tiếp xảy ra đã gây nên thiệt hại hết sức nặng nề ở khu vực miền Trung nói chung và ở Quảng Trị nói riêng. Ngoài những mất mát về người, thiệt hại về của cải, tài sản, mùa vụ là khó có thể đo đếm và sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Riêng ở địa bàn miền núi của tỉnh Quảng Trị, một diện tích lớn ruộng lúa nước của bà con đã bị chôn vùi sâu dưới các lớp đất đá; những rẫy sắn bị thối gốc; nhiều vườn cà phê bị trôi sạt; các công trình giao thông và thủy lợi bị hư hỏng nặng… Đáng lo ngại là nhiều hệ thống nước tự chảy bị hư hỏng, vùi lấp do sạt lở. Trong khi đó, những con sông, con suối lại bị vẫn đục, ô nhiễm bởi rác thải, xác động, thực vật. Không có nước sạch từ hệ thống nước tự chảy, bà con ở miền núi cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn từ sông, suối, khe. Một số nơi có giếng nước nhưng nguồn nước này cũng không còn đảm bảo vệ sinh sau thiên tai. Nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng liên quan đến việc sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn là rất rõ ràng. Chính điều này thôi thúc chúng tôi phải làm điều gì đó.
- Xuất phát từ lý do này mà anh và các bạn của mình đã đưa nước sạch lên vùng cao. Vậy anh có thể cho biết chương trình được triển khai như thế nào?
- Rất may mắn là chúng tôi không đơn độc. Chúng tôi nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của một nhóm thiện nguyện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm này đã tìm kiếm được một số nguồn hỗ trợ, đặc biệt là từ bác sĩ Katie và các đồng nghiệp ở Mỹ. Với sự hỗ trợ của nhóm thiện nguyện, chúng tôi đã mang 11 máy lọc nước bơm tay sử dụng công nghệ lõi lọc dạng sợi MicrodyneNadir tiêu chuẩn Đức (giá trị gần 20 triệu đồng/ máy, có công suất bơm và lọc hơn 200 lít nước/giờ) lên vùng cao. Ngoài nhóm thiện nguyện ở Thành phố Hồ Chí Minh, một người bạn của chúng tôi ở Hà Nội đã tặng 150 dụng cụ lọc nước thương hiệu Sawyer tiêu chuẩn Mỹ (có giá trị hơn 2 triệu đồng/ máy, công suất lọc 0,7 lít nước/1 phút). Chúng tôi còn nhận được sự tiếp sức của những người dân Hà Lan và gia đình, bạn bè ông Rudy van Bork, Giám đốc doanh nghiệp Hoi An Roastery tại Quảng Nam. Về phần mình, MCNV cũng đã hỗ trợ khoan 6 giếng nước ở 2 xã thuộc khu vực Bắc Hướng Hóa.
Sau hơn 4 tháng hỗ trợ, đến nay, chúng tôi đã cung cấp các thiết bị lọc nước cho hơn 100 điểm dân cư, nhóm gia đình, trường học, trạm bảo vệ rừng… Với mỗi điểm hỗ trợ như vậy, chúng tôi cẩn thận hướng dẫn cách lắp đặt và cách bảo trì, vệ sinh thiết bị cho bà con để đảm bảo hiệu quả sử dụng, bảo quản tài sản. Mỗi máy lọc Microdyne-Nadir có thể đáp ứng nhu cầu lọc nước sạch cho cụm hộ gia đình từ 20 - 40 hộ. Mỗi dụng cụ lọc Sawyer có thể sử dụng cho nhóm nhỏ khoảng 5 - 10 hộ. Cộng với các giếng khoan, ước tính hơn 1.200 hộ dân với gần 7.000 nhân khẩu, đa số là ở Đakrông và Hướng Hóa đã được tiếp cận nguồn nước sạch hơn, vệ sinh hơn, an toàn hơn trước.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1978, là điều phối viên dự án của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV), Văn phòng dự án tại Quảng Trị. MCNV là tổ chức phi chính phủ của Hà Lan, được thành lập năm 1968 với sứ mệnh ban đầu là cứu trợ y tế cho người dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. MCNV bắt đầu hoạt động ở Quảng Trị từ năm 1974, đánh dấu bằng việc hỗ trợ tỉnh xây dựng Bệnh viện Đông Hà (còn gọi là Bệnh viện Hà Lan). Hiện nay, MCNV hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như phát triển sức khỏe, hòa nhập xã hội, phát triển sinh kế, quản lý rừng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu…
- Hành trình mang nước sạch đến đồng bào vùng cao hẳn đã để lại trong anh nhiều kỷ niệm khó quên. Anh có thể chia sẻ về những kỷ niệm đó?
- Chúng tôi vẫn nhớ như in lần đầu hướng dẫn bà con ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa sử dụng dụng cụ lọc Sawyer. Ở đây, hệ thống ống nước sạch của bà con bị cuốn trôi hoàn toàn do lũ quét và sạt lở. Sau lũ, dân bản phải tạm dùng nước từ suối Chênh Vênh. Đến tận nơi, chúng tôi rất xót xa khi nhìn dòng nước đục ngầu, đầy cặn và rác rưởi mà bà con nơi đây phải sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày. Khi chúng tôi lấy nước suối rồi xử lý bằng dụng cụ lọc Sawyer, người dân thôn Chênh Vênh tròn mắt ngạc nhiên khi thấy nước trở nên sạch trong. Có người thốt lên: “Ồ! Chẳng khác gì ảo thuật!”. Một ngày khác, trong chuyến công tác, khi đi qua khu vực đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa, chúng tôi tình cờ gặp những người công nhân thông đường sau sạt lở. Họ nói: Anh em chúng tôi đã làm việc ở đây nhiều tuần rồi. Chẳng ai đưa nước sạch đến cho chúng tôi vì khoảng cách từ đây đến trung tâm quá xa. Anh em phải lấy nước từ khe suối để tắm rửa, nấu ăn và nấu nước uống. Nước đầy cặn và bùn nhưng biết làm sao được. Phải chấp nhận thôi. Chỉ ít phút sau, những công nhân này đã được thưởng thức những ngụm nước tinh khiết. Ai cũng bất ngờ bởi nước suối đầy cặn có thể được lọc sạch.
- Thời gian tới, các anh chị có những hoạt động gì để tiếp tục đưa nước sạch đến với bà con, thưa anh?
- Một số người sẽ bất ngờ khi biết hơn 1.200 hộ dân đã được chúng tôi hỗ trợ để có nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, thực ra, con số này còn khá ít ỏi nếu biết rằng có gần 10.000 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Đakrông và khoảng 16.000 hộ gia đình ở Hướng Hóa (ngoài các khu vực thị trấn) vẫn đang thiếu nước sạch. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục mang nước lên vùng cao. Những người bạn của chúng tôi tham gia nhóm thiện nguyện ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiếp tục huy động đóng góp để cấp thêm nhiều máy lọc Microdyne-Nadir khác cho các nhóm dân cư ở miền núi Quảng Trị. Là những tình nguyện viên và cũng là nhân viên của một tổ chức chuyên về phát triển sức khỏe cộng đồng, chúng tôi sẵn sàng kết nối và tiếp nhận các nguồn ủng hộ dù nhiều hay ít để góp phần giúp các cộng đồng dân cư ở miền núi có cơ hội được sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh và an toàn. Chúng tôi luôn tin rằng hành trình của mình tuy khó khăn nhưng không hề đơn độc. Và thực tế đúng là vậy, chúng tôi có những người bạn đồng hành, hỗ trợ và có sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Chừng nào điều kiện còn cho phép, chắc chắn chúng tôi sẽ chưa dừng lại. Đơn giản, chúng tôi hành động bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm, nhiệt huyết và trái tim đồng cảm của người làm thiện nguyện.
-Xin cảm ơn anh!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)