Trước đây, một số nhà nghiên cứu nhận định phải mất hàng trăm năm, Quảng Trị mới an toàn, không còn tác động của bom mìn, vật nổ. Số liệu dễ khiến người ta nản lòng ấy không làm ảnh hưởng đến quyết tâm, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành, đơn vị liên quan và các tổ chức, dự án trên địa bàn. Cùng với nhau, họ đã đồng lòng giúp Quảng Trị từng bước an toàn trước những “mầm họa” mà chiến tranh để lại.
Lời giải cho bài toán khó
Ông Đinh Ngọc Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh cho biết, đầu năm 2022, trên địa bàn xảy ra 2 vụ tai nạn bom mìn làm 1 người đàn ông tử vong và 1 học sinh lớp 9 bị thương. Sự việc đau lòng trên cũng chính là lời nhắc nhở mọi người rằng, chưa thể vơi đi nỗi lo về bom mìn, vật nổ.
Trước đó, hơn 4 năm qua, Quảng Trị không xảy ra vụ tai nạn bom mìn, vật nổ nào. Đây là con số “kỷ lục” đối với một mảnh đất mang nặng vết thương chiến tranh. Cũng từ đây, nhiều người dân cho rằng, Quảng Trị đã yên bình trước bom mìn, vật nổ. Tuy nhiên, suy nghĩ đó không đúng.
“Bom mìn, vật nổ vẫn đang đe dọa, có thể lấy đi cuộc sống yên bình của người dân bất cứ lúc nào. Vì thế, chúng ta cần nhân đôi quyết tâm, nỗ lực giải quyết”, ông Vũ nhắn nhủ.
Cũng như nhiều cán bộ, nhân viên Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh và các tổ chức, dự án liên quan, ông Đinh Ngọc Vũ luôn trăn trở trước những con số biết nói liên quan đến bom mìn, vật nổ ở Quảng Trị.
Theo báo cáo của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia vào năm 2017, Quảng Trị có hơn 384.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, chiếm gần 82% tổng diện tích đất tự nhiên. Đây cũng là tỉnh có mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước. Từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, bom mìn, vật nổ khiến 8.542 người dân Quảng Trị thương vong, trong đó có 3.432 trường hợp tử vong.
Theo ghi nhận, có 31% nạn nhân bom mìn dưới 16 tuổi. Giai đoạn 1975 - 1995, trung bình mỗi năm, Quảng Trị có khoảng 100 người dân bị tai nạn bom mìn, vật nổ.
Để ngăn chặn nỗi đau do bom mìn, vật nổ gây ra, ngay sau khi quê hương im tiếng súng, các cấp, ngành, đơn vị liên quan và người dân Quảng Trị đã bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, công cụ tháo gỡ thô sơ nên các đơn vị chủ yếu chỉ mới thu gom được bom mìn, vật nổ vương vãi ở những vùng ưu tiên.
Bước chuyển đáng mừng trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh ở Quảng Trị đánh dấu bằng sự kiện bình thường hóa quan ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Năm 1996, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của cả nước được Chính phủ cho phép triển khai chương trình hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Đây có thể nói là sự mở lối, giúp tỉnh giải bài toán khó sau nhiều năm trăn trở.
Nỗ lực vượt bậc
Được sự tiếp sức của các tổ chức phi chính phủ, chính quyền và người dân Quảng Trị sớm vào cuộc, có hướng đi phù hợp. Ban chỉ đạo Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh của tỉnh được thành lập. Các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn chặt chẽ phối hợp với tổ chức, dự án liên quan xây dựng, triển khai chiến lược hành động bom mìn với chương trình, mục tiêu cụ thể.
Nhiều sáng kiến ra đời, đi vào thực tế, được Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành trung ương và tổ chức, dự án trong nước, quốc tế đánh giá cao. Quảng Trị đã thành lập được đơn vị cơ sở dữ liệu hoạt động bom mìn cấp tỉnh.
Đặc biệt, lần đầu tiên và duy nhất trên cả nước, một trung tâm điều phối hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn cấp tỉnh đã ra đời ở Quảng Trị với tên gọi Trung tâm Hành động bom mìn.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, các cấp chính quyền, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh cùng các tổ chức, dự án phi chính phủ đã triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động. Thông qua khảo sát kỹ thuật, phi kỹ thuật, một bản đồ số giúp xác định các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ cao trên địa bàn được hình thành.
Tính đến tháng 6/2022, bản đồ khẳng định ô nhiễm bom chùm của tỉnh đã hiển thị 1.094 khu vực với tổng diện tích 53.082 ha. Gần thời điểm này, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chung cho hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của tỉnh cũng ra đời. Từ đây, những vùng ưu tiên cần rà phá bom mìn, vật nổ được đánh giá, lựa chọn, kịp thời giao cho các tổ chức, dự án.
Tiếp ứng nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên các tổ chức, dự án nhanh chóng vào cuộc. Gần 1.000 nhân viên kỹ thuật được đào tạo bài bản theo các tiêu chuẩn quốc tế không quản ngại nắng mưa, gian khó, tích cực gánh vác nhiệm vụ rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ.
Với nỗ lực vượt bậc, các cấp chính quyền, ngành, đơn vị liên quan và tổ chức, dự án, công tác khắc phục hậu quả chiến tranh của tỉnh sớm gặt hái những kết quả đáng mừng.
Tính đến nay, cán bộ, nhân viên các chương trình, dự án trên địa bàn đã rà phá trên 26.660 ha đất ô nhiễm bom mìn nặng; phát hiện, xử lý an toàn trên 779.1179 bom mìn, vật nổ các loại. Số vụ tai nạn bom mìn xảy ra trên địa bàn ngày càng giảm.
Trong giai đoạn 1975 - 1995, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 100 người là nạn nhân bom mìn, vật nổ. Đến giai đoạn 2005 - 2015, con số ấy giảm xuống còn trung bình 10 nạn nhân/ năm. Trước khi 2 vụ tai nạn bom mìn xảy ra vào đầu năm 2022, Quảng Trị có hơn 4 năm liền không xảy ra tai nạn bom mìn.
Thông qua sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, hàng nghìn nạn nhân bom mìn, vật nổ đã được hỗ trợ. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên đưa giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vào trường học ngay từ bậc tiểu học.
Theo ông Đinh Ngọc Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh, từ một tỉnh có mức độ ô nhiễm bom mìn, vật nổ cao nhất cả nước, đến nay, có thể nói Quảng Trị đã kiểm soát được vấn đề ô nhiễm bom mìn. Các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn được lồng ghép vào kế hoạch phát triển KT - XH của địa phương.
Giữa các cấp chính quyền, ngành, đơn vị liên quan, tổ chức, dự án, người dân địa phương và Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam có sự phối hợp chặt chẽ, cùng nhau hướng đến mục tiêu: “Vì một Quảng Trị an toàn”.
Cán bộ, nhân viên các tổ chức, dự án trên địa bàn tỉnh đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ xây dựng năng lực cho nhiều địa phương có mức độ ô nhiễm bom mìn cao ở trong nước và một số quốc gia khác như: Lào, Campuchia…
“Hiện tại, chúng tôi đang hướng đến mục tiêu giúp Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước an toàn, không chịu tác động của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Chúng tôi rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, đặc biệt là các bạn bè và tổ chức quốc tế”, ông Đinh Ngọc Vũ bày tỏ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)