Hậu phương vững chắc của các y, bác sĩ giúp tỉnh bạn chống dịch

Lê Trường |

Trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, đội ngũ y, bác sĩ là lực lượng thường trực nơi tuyến đầu chống dịch chịu nhiều áp lực, vất vả và phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.

Thế nhưng, với trách nhiệm cộng đồng và tinh thần nghề nghiệp, những y, bác sĩ Quảng Trị mỗi người một hoàn cảnh, nhưng chung một chí hướng là xung phong, tình nguyện vào miền Nam chống dịch để cùng tỉnh bạn đẩy lùi dịch bệnh. Phía sau họ, luôn thường trực sự hỗ trợ, động viên của gia đình, người thân, đó là hậu phương vững chắc để những “Chiến sĩ áo trắng” Quảng Trị yên tâm nơi tuyến đầu giúp tỉnh bạn chống dịch.

Tranh thủ thời gian nghỉ ca tối, qua điện thoại, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cơ hội trò chuyện cùng anh Nguyễn Đăng Như Ý, một trong 32 y, bác sĩ đợt 2 của tỉnh Quảng Trị vào Bình Dương hỗ trợ công tác phòng, chống COVID-19. Anh Ý là điều dưỡng viên tại Khoa khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Đakrông cơ sở 2 (xã Tà Rụ, huyện Đakrông).

“Khi có lời kêu gọi của Chính phủ, Bộ Y tế vào hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam trong công tác phòng, chống COVID-19, tôi không chút do dự đã đăng ký ngay từ đợt 1. Nhưng lúc đó, vợ mới sinh con đầu lòng nên tôi không thể tham gia. Khi có lời kêu gọi đợt 2 của tỉnh, tôi đăng ký ngay”, điều dưỡng viên Nguyễn Đăng Như Ý chia sẻ.

Anh Phan Thế Đạt chăm sóc con để vợ vào hỗ trợ phòng, chống dịch ở tỉnh Bình Dương - Ảnh: L.T
Anh Phan Thế Đạt chăm sóc con để vợ vào hỗ trợ phòng, chống dịch ở tỉnh Bình Dương - Ảnh: L.T

Vợ điều dưỡng Nguyễn Đăng Như Ý hiện là đồng nghiệp của anh tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông cơ sở 1 (thị trấn Krông Klang). Qua điện thoại, chị Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Trị: “Chúng tôi may mắn được công tác trong cùng ngành, nhưng ở 2 nơi cách xa nhau gần 70 km. Khi anh ấy quyết định tham gia tuyến đầu miền Nam chống dịch, mọi người trong gia đình đều động viên anh lên đường. Nếu con lớn hơn một tí, có lẽ tôi cũng sẽ tham gia cùng anh, bởi đó là việc đáng làm, nhất là đối với những người khoác trên mình áo blouse trắng như chúng tôi”.

Hiện anh Ý đang hỗ trợ y tế tại Trung tâm chăm sóc tích cực (ICU) Bệnh viện Dã chiến số 3 tỉnh Bình Dương chuyên điều trị, chăm sóc các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Theo điều dưỡng Nguyễn Đăng Như Ý, Trung tâm ICU chủ yếu điều trị bệnh nhân tiến triển nặng từ các khoa khác chuyển đến để chăm sóc tích cực. Do đó, lực lượng y tế ở đây phải chia ca trực 24/24 giờ. Bản thân anh Ý có hôm cao điểm trực 17 tiếng đồng hồ một ngày đêm. Lúc nghỉ ca thì anh phụ giúp các công việc hành chính khác.

“Vào đây tận mắt chứng kiến tình hình dịch bệnh mới thấy sự vất vả tột độ của các đồng nghiệp. Trường hợp cả gia đình bị nhiễm COVID-19 là không hiếm. Đơn cử có một gia đình 4 người đều là F0, người vợ 34 tuổi bị nhiễm vi rút SARSCoV-2 rất nặng phải can thiệp thở máy và điều trị tích cực tại trung tâm ICU, chồng và 2 con nhỏ (1 tuổi và 4 tuổi) bị nhiễm thể nhẹ điều trị tầng 2. Anh chồng một mình vừa chiến đấu COVID-19 ở trong cơ thể vừa phải chạy đi chạy lại chăm cho vợ và 2 con, rất tội nghiệp. Mới đây, tình trạng bệnh chuyển nặng, chị này được chuyển viện để điều trị”, anh Như Ý tâm sự.

Là điều dưỡng viên của Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ, chị Nguyễn Thị Thu Hiền cũng là một trong 32 tình nguyện viên của đoàn công tác đặc biệt tỉnh Quảng Trị đợt 2 chi viện cho ngành y tế Bình Dương. Chồng chị Hiền, anh Phan Thế Đạt cho biết: “Khi vợ tôi quyết định tham gia hỗ trợ y tế ở miền Nam, tôi có chút lo lắng, nhưng nghĩ lại thì đó là trách nhiệm của người thầy thuốc sẵn sàng lên đường hỗ trợ lúc khó khăn với tỉnh bạn sớm đẩy lùi đại dịch trong cộng đồng nên tôi đã động viên vợ tham gia. Vợ ở tuyến đầu cứ yên tâm công tác, mọi chuyện ở nhà đã có anh lo. Em phải giữ gìn sức khỏe và đồng hành với tỉnh Bình Dương sớm trở lại cuộc sống bình thường”.

“Chồng là giáo viên, lại vừa bắt đầu năm học mới nên khi tôi đi công tác, mọi công việc ở nhà một tay chồng tôi chăm lo cũng có chút vất vả, nhưng anh ấy và con trai 5 tuổi của chúng tôi cũng vui vẻ động viên tôi hoàn thành sứ mệnh, nên tôi cũng phần nào yên tâm”, chị Thu Hiền bộc bạch.

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thu Hiền hiện hỗ trợ y tế khu vực sàng lọc, sắp xếp bệnh nhân tùy theo tình trạng triệu chứng bệnh để đưa đến các khoa phòng phù hợp tại Bệnh viện Dã chiến số 3 tỉnh Bình Dương. “Ở đây chúng tôi gần như hoạt động tối đa trong một ngày trực. Bệnh nhân đã sàng lọc thì chúng tôi kiểm tra lại tình hình sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày rồi sắp xếp họ vào từng khu điều trị phù hợp. Đối với những bệnh nhân F0 cùng gia đình thì xếp ở cùng phòng để tiện chăm sóc nhau. Ngoài ra, hết ca trực thì tôi cùng các đồng nghiệp hỗ trợ công tác hậu cần cho đoàn”, chị Hiền cho biết thêm.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Bộ Y tế về việc tăng cường lực lượng hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống COVID-19. Trong tháng 7/2021, Quảng Trị đã có 35 tình nguyện viên là các y, bác sĩ lên đường hỗ trợ ngành y tế tỉnh Bình Dương và công tác xét nghiệm để đưa công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về Quảng Trị. Sau thời gian 1 tháng, 35 tình nguyện viên đợt 1 đã trở về. Ngày 29/8/2021, đoàn công tác đợt 2 gồm 32 cán bộ y tế của Quảng Trị lên đường chi viện cùng đồng nghiệp Bình Dương phòng, chống COVID-19.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ, Trưởng đoàn công tác, bác sĩ CK I Nguyễn Tự Đại cho biết, hiện chúng tôi đảm nhận chăm sóc và điều trị một nửa số bệnh nhân của bệnh viện, khoảng 1.100 bệnh nhân (số lượng có thể biến động theo ngày). Do đó, toàn bộ lực lượng y, bác sĩ của Quảng Trị gần như phải căng mình để đảm trách các công việc từ chăm sóc, điều trị đến các thủ tục hành chính, hậu cần… cho số bệnh nhân này.

Nói thêm về công tác điều trị của đoàn công tác Quảng Trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 tỉnh Bình Dương, bác sĩ Nguyễn Tự Đại thông tin thêm, ngay khi vào nhận nhiệm vụ tại đây, qua nắm tình hình dịch, các bác sĩ Quảng Trị đã cùng với Ban giám đốc bệnh viện lập một Trung tâm chăm sóc tích cực (ICU) khoảng 40 giường bệnh với các thiết bị hỗ trợ thiết yếu để kịp thời điều trị các trường hợp bệnh nặng cần can thiệp thở máy. “Vào đây công tác, chúng tôi gần như phải gạt bỏ chuyện gia đình sang một bên để tập trung cho việc cứu chữa bệnh nhân COVID-19, chỉ mong dịch sớm ổn định, kiểm soát được và đi đến chấm dứt” - Bác sĩ Nguyễn Tự Đại tâm sự.

Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố phía Nam, tình hình COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu về nhân lực tham gia phòng, chống dịch rất cấp thiết. Vì vậy, việc quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Y tế, các đơn vị trong ngành, đặc biệt là gia đình, cá nhân các cán bộ y tế Quảng Trị tình nguyện vào tâm dịch, sẵn sàng cùng với những đồng nghiệp ở tỉnh Bình Dương chung tay phòng, chống COVID-19 là điều hết sức ý nghĩa, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam lúc khó khăn hoạn nạn. Lúc này, những “Chiến sĩ áo trắng” vẫn đang gồng mình chiến đấu với SARS-CoV-2 để đẩy lùi dịch bệnh, sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình, bởi bên họ còn rất nhiều hậu phương đang chờ đón.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khởi nghiệp thành công giữa mùa dịch

Anh Vũ |

Đại dịch COVID-19 kéo dài đã khiến không ít thanh niên gặp khó khăn do mất đi cơ hội việc làm, thậm chí có người lâm vào cảnh nợ nần. Tuy nhiên với bản tính chịu khó tìm tòi, học hỏi và ý chí, khát vọng vươn lên của tuổi trẻ, anh Nguyễn Đức Bảo (sinh năm 1989) ở thôn Mai Trung, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã khởi nghiệp thành công ngay trên quê hương mình giữa mùa dịch.

Lao động về từ vùng dịch: Kiếm việc làm tạm ở quê, mong hết dịch để trở lại

Hưng Thơ |

Do dịch COVID-19 ở các tỉnh miền Nam có diễn biến phức tạp, nhiều người lao động quê ở tỉnh Quảng Trị đã tìm đường trở về. Cơ hội tìm được việc làm ở quê nhà cũng có, nhưng mức thu nhập không cao nên nhiều người mong dịch ổn định để trở vào miền Nam tiếp tục mưu sinh.

TPHCM: Hơn 1.500 học sinh mồ côi vì dịch COVID-19

Thanh Mai |

Theo Sở GD&ĐT, dịch Covid-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân, bao gồm cả học sinh, giáo viên. 

Phong trào thi đua đặc biệt cả nước đoàn kết, chung sức chiến thắng đại dịch

TL |

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1497/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.