Lao động về từ vùng dịch: Kiếm việc làm tạm ở quê, mong hết dịch để trở lại

Hưng Thơ |

Do dịch COVID-19 ở các tỉnh miền Nam có diễn biến phức tạp, nhiều người lao động quê ở tỉnh Quảng Trị đã tìm đường trở về. Cơ hội tìm được việc làm ở quê nhà cũng có, nhưng mức thu nhập không cao nên nhiều người mong dịch ổn định để trở vào miền Nam tiếp tục mưu sinh.


Dịch ổn định sẽ tính tiếp

Hơn 1 năm trước, chị Lê Thị Lặng (19 tuổi, quê ở xã Hải Định, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) vào làm cho 1 công ty may ở Thủ Đức (TPHCM). Mỗi tháng, tính cả lương và tăng ca, chị Lặng được trả từ 8 đến 9 triệu đồng. Ở trọ, ăn uống cũng đắt đỏ nhưng chị tằn tiện nên vẫn tiết kiệm được 1 khoản tiền.

Đợt vừa rồi, dịch COVID-19 ở nơi chị làm có diễn biến phức tạp nên chị về quê. Cách ly tập trung và cách ly y tế xong xuôi hơn nửa tháng trước, chị cầm hồ sơ đi kiếm việc làm và hiện đã được nhận vào làm tại một công ty may ở huyện Hải Lăng. Mức lương chị được trả trong thời gian thử việc là 3,4 triệu đồng/tháng. “Trước mắt là em làm ở đây đã, về quê có việc là tốt lắm rồi. Đợi đến khi dịch ổn định, sẽ vào lại miền Nam” – chị Lê Thị Lặng, cho biết.

Người lao động làm việc tại Công ty Cổ phần may xuất nhập khẩu Tân Định. Ảnh: Hưng Thơ.
Người lao động làm việc tại Công ty Cổ phần may xuất nhập khẩu Tân Định. Ảnh: Hưng Thơ.

Cũng trở về từ TPHCM để tránh dịch COVID-19, chị Võ Thị Thu (22 tuổi, trú tại xã Hải Dương, huyện Hải Lăng) hiện chưa tìm được việc làm. Học xong, ra trường chị Thu xin làm nhân viên văn phòng tại một công ty ở TPHCM với mức lương khởi điểm từ 7 đến 10 triệu đồng. Bây giờ trở về quê, khó để kiếm được việc làm phù hợp, nên tới đây chị sẽ kiếm việc làm online, đợi dịch COVID-19 ổn định sẽ vào lại TPHCM để làm việc. “Ở đó môi trường làm việc năng động, phù hợp với bằng cấp mà em đã học và mức lương ổn định nếu mình biết phấn đấu, nên em sẽ trở lại” – chị Thu, chia sẻ.

Khác với 2 trường hợp trên, chị Mai Thị Thu Hồng (27 tuổi, trú tại xã Hải An, huyện Hải Lăng) quyết định sẽ không trở lại miền Nam sau gần 10 năm sống và làm việc ở đó. Mới mấy tháng trước, chị Hồng làm công nhân may ở tỉnh Bình Dương, còn chồng thì làm nghề trang trí nội thất, gắn đá hoa cương với mức lương của 2 vợ chồng gần 20 triệu đồng. Dịch COVID-19 xảy ra, 2 vợ chồng quyết định về quê từ ngày 1.8. Hỏi chị Hồng có ý định trở vào Bình Dương nữa không, chị nói 2 vợ chồng sẽ kiếm việc làm ở quê. “Khi dịch ổn định, mình sẽ vào Bình Dương 1 chuyến để chốt bảo hiểm với công ty, sau đó sẽ về quê, xin làm công nhân may mặc. Lương có thể thấp, nhưng vợ chồng mình quyết định sẽ không đi xa nữa”- chị Hồng, cho hay.

Hỗ trợ người lao động về từ vùng dịch

Nắm bắt được thông tin nhiều lao động từ TPHCM và các tỉnh phía Nam trở về quê do dịch COVID-19, tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, hỗ trợ, tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động.

Được biết, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; giới thiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu sử dụng lao động biết để tuyển dụng lao động… Sở này cũng đã đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Trị tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động từ vùng dịch trở về địa phương vay vốn tự tạo việc làm để ổn định đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Theo tìm hiểu, hiện nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực may công nghiệp tại tỉnh Quảng Trị có nhu cầu tuyển dụng người lao động có tay nghề từ TPHCM và các tỉnh phía Nam trở về quê với trên 2.500 lao động cùng nhiều chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đi kèm.

Ông Lê Tuấn Hồ - Giám đốc Công ty Cổ phần may xuất nhập khẩu Tân Định (cụm Công nghiệp Cam Thành, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) cho hay, công ty rất muốn được tuyển dụng lao động có tay nghề về từ vùng dịch. “Chỉ cần người lao động có nhu cầu, trở về cách ly đầy đủ thì sẽ được hỗ trợ cho hưởng lương cơ bản. Nếu chưa có tay nghề được hỗ trợ trong quá trình học việc” – ông Lê Tuấn Hồ, cho biết.

Để hỗ trợ cho người lao động về từ TPHCM và các tỉnh miền Nam do dịch COVID-19, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã lập danh sách những người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm để khâu nối với các doanh nghiệp tại địa phương đang tuyển dụng lao động.

TAGS

Kêu gọi người lao động ủng hộ ít nhất 1 ngày lương cho công tác phòng, chống dịch

Lại Hoa |

Tiểu ban vận động và huy động xã hội sẽ tập trung tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên phạm vi toàn quốc ủng hộ mỗi người ít nhất một ngày lương cho công tác phòng chống dịch.

Quảng Trị: Kết nối việc làm mới cho người lao động

Thanh Lê |

Những diễn biến phức tạp của COVID-19 đang tác động mạnh đến thị trường lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, làm cho số lao động mất việc làm gia tăng, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh buộc phải ngừng hoạt động trong thời gian dài. 

Doanh nghiệp ở Đà Nẵng thuê khách sạn cho người lao động lưu trú

Thanh Mai |

Một số doanh nghiệp đã thuê khách sạn cho người lao động lưu trú để duy trì sản xuất theo mô hình '1 cung đường 2 điểm đến'.

Bảo vệ sức khỏe người lao động thông qua quan trắc môi trường lao động

Thanh Lê |

Thực hiện Nghị định số 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động, vừa qua, Phân viện Khoa học ATVSLĐ và Bảo vệ Môi trường miền Trung đã tiến hành đo kiểm tra môi trường lao động tại các công ty trên địa bàn tỉnh gồm: Công ty Cổ phần Minh Hưng Quảng Trị, Công ty Cổ phần Tân Hưng, Công ty Cổ phần Thiên Tân và Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Quảng Trị. Trên cơ sở tổng hợp kết quả quan trắc môi trường lao động, phía Phân viện Khoa học ATVSLĐ và Bảo vệ Môi trường miền Trung đã đưa ra những khuyến nghị và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.