Hãy bảo vệ tuổi thơ con!

Thủy Ba |

Vì nhiều lý do, tên bị hại, bị cáo trong bài đều được thay đổi. Chúng tôi chỉ muốn thông qua những câu chuyện này để một lần nữa cảnh tỉnh các bậc phụ huynh hãy chú ý đến con trẻ và môi trường xung quanh con mình nhiều hơn. Hãy trang bị cho các con những kiến thức cần thiết về giới tính và pháp luật để nỗi đau mang tên “trẻ bị xâm hại tình dục” không còn xảy ra.

Phiên tòa xử kín nên không ai được vào bên trong. Chúng tôi chỉ tranh thủ lúc phiên tòa chưa bắt đầu để gặp bị cáo, một đứa trẻ chỉ mới 15 tuổi. Ánh mắt L. (tên bị cáo) run rẩy, tránh cái nhìn của người đối diện. Cũng phải, dù gì em cũng chỉ mới 15 tuổi, vẫn còn đang trong độ tuổi hồn nhiên cắp sách đến trường. Còn người mẹ, khỏi phải nói thì cũng có thể hình dung nỗi đau đang cuồn cuộn trong lòng bà. Trong những tình huống như thế này, người đối diện chỉ biết an ủi, động viên, giúp mẹ con bị cáo bình tĩnh hơn khi bước vào phiên tòa chứ không khơi lại nỗi đau của họ.

Tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho khối học sinh THPT Trường Phổ thông Liên cấp Quảng Trị -Ảnh: T.B
Tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho khối học sinh THPT Trường Phổ thông Liên cấp Quảng Trị -Ảnh: T.B

Vậy nhưng trong mỗi chúng tôi, câu hỏi “vì đâu nên nỗi?” cứ xoáy sâu tận đáy lòng. Những cuốn phim có nội dung không lành mạnh đã cuốn đi mọi suy nghĩ trong sáng của bị cáo - đứa trẻ 15 tuổi đang run rẩy đằng kia, khiến đầu óc nó cứ quẩn quanh trong một mớ hỗn độn, rồi thôi thúc nó bắt chước làm theo. Để rồi chỉ trong phút chốc, mọi thứ sụp đổ: tương lai và mối quan hệ hàng xóm thân tình. Bị hại mới chỉ hơn 6 tuổi, là hàng xóm của bị cáo. Tuy hành vi phạm tội của bị cáo chưa đạt nhưng đã cấu thành tội “Hiếp dâm trẻ dưới 16 tuổi”, chịu mức án 4 năm tù giam.

“Con dại cái mang”. Biết là vậy nhưng trong nhiều tình huống, cha mẹ không gánh được hết nỗi đau do con mình mang lại. Khi sự việc xảy ra, gia đình bị cáo mong muốn được bồi thường nhưng gia đình bị hại nhất quyết không nhận.

Tuy không yêu cầu bồi thường và cũng không nhận bồi thường nhưng họ cũng đã mở cho L. một cơ hội khi xin giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo. Vậy nhưng hố sâu ngăn cách tình cảm giữa hai gia đình khó có thể liền được trong ngày một, ngày hai.

Bản án 4 năm tù giam khiến chặng đường học cấp 3 của L. bị đứt đoạn. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, có người mẹ nào lại không héo hắt cõi lòng? Sâu thẳm, ai cũng mong câu chuyện này sẽ dần trôi vào quên lãng, sẽ không còn ám ảnh tâm trí của những đứa trẻ vì đường tương lai của chúng vẫn còn rộng dài.

Ở một câu chuyện khác, bị hại và bị cáo có tình cảm với nhau rồi phát sinh quan hệ. Thời điểm đó, A. (bị hại) mới chỉ 11 tuổi 5 ngày, còn T. (bị cáo) bước qua tuổi 16. Cả hai ở cùng huyện nhưng khác xã, quen biết nhau qua mạng xã hội rồi nảy sinh quan hệ yêu đương.

Trong câu chuyện này, A. và T. đều nghĩ hai bên có sự đồng thuận nên không phạm tội. Vì thế khi hành vi bị phát hiện, T. bị truy tố về tội “Hiếp dâm trẻ dưới 16 tuổi”, cả hai đều bàng hoàng.

Khi quyết định hình phạt 5 năm 6 tháng tù giam đối với bị cáo, Hội đồng xét xử đã xem xét về hoàn cảnh bị cáo để áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, T. sớm mồ côi ba, mẹ đi lấy chồng khác nên không có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ con. Suốt những năm tuổi thơ, bị cáo sống với bà ngoại, học đến hết lớp 5 thì nghỉ.

Vì thế, nhận thức pháp luật và sự am hiểu đời sống xã hội của bị cáo còn nhiều hạn chế. Trong nhận thức của bị cáo và bị hại, việc giao cấu là do tình yêu nam nữ, điều này thể hiện trong các tin nhắn qua lại với nhau, cả hai lúc nào cũng xưng hô “vợ, chồng”.

Không chỉ ở Quảng Trị, nạn xâm hại tình dục trẻ em trong những năm gần đây tại Việt Nam đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội. Hậu quả của vấn đề này hết sức nghiêm trọng vì ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em.

Trên thực tế, khoảng 97% số vụ được phát hiện, đối tượng xâm hại tình dục có quen biết với nạn nhân. Tại Quảng Trị, số vụ xâm hại tình dục trẻ em thường xảy ra ở vùng nông thôn, miền núi và đa phần đối tượng gây án đều có quan hệ quen biết với nạn nhân. Với nhiều đứa trẻ ở nông thôn, sân chơi thiếu thốn, ba mẹ lại bận rộn nên đôi khi xao nhãng con cái, dẫn đến hiểm họa bị xâm hại có thể xảy ra với các em bất cứ lúc nào. Vì thế, cha mẹ cũng cần được trang bị những kỹ năng cần thiết để bảo vệ con mình, nhất là phải đề cao cảnh giác trong mọi tình huống.

Đối với học sinh, ngoài giáo dục về giới tính, nhà trường cần trang bị kiến thức pháp luật liên quan đến các tội danh xâm hại tình dục đối với trẻ. Trong nhiều vụ án, cả bị cáo và bị hại đều thiếu kiến thức và kỹ năng phòng tránh, nhiều em bị xâm hại nhiều lần nhưng không dám nói với ba mẹ, với người thân, còn đối tượng gây án thì không nghĩ mức án mà mình phải đối mặt khi thực hiện các hành vi như thế.

Qua nghiên cứu cho thấy, mọi đứa trẻ trong cộng đồng, ở các độ tuổi khác nhau, đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Do đó, việc giáo dục giới tính và xây dựng kỹ năng phòng vệ cho trẻ phải được bắt đầu sớm từ các bậc mầm non, tiểu học và trong chính mỗi gia đình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Văn Sáu |

Ngày 15/4/2024, Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị phối hợp với Trường THCS Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hộ cho hơn 1200 giáo viên và học sinh.

Triển khai công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo năm 2024

Đức Việt |

Ngày 27/3, tại TP. Đông Hà, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị sơ kết công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo năm 2023 giữa Vùng 3 Hải quân với Ban Tuyên giáo địa phương: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; triển khai kế hoạch năm 2024. Chính ủy Vùng 3 Hải quân, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Đại Nam chủ trì hội nghị. Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện dự và chỉ đạo hội nghị.

Công tác tuyên truyền miệng bám sát thực tiễn, hướng về cơ sở

Lê Minh |

Thời gian qua, ban tuyên giáo từ tỉnh Quảng Trị đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng theo hướng bám sát thực tiễn, hướng về cơ sở nhằm đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống ngày càng hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN.

Tuyên truyền phòng chống ma túy trong học đường và phòng chống tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Văn Sáu |

Ngày 04/12/2023, Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị phối hợp với Trường THPT Lao Bảo, Công an TT Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy; an ninh ninh trật tự trong học đường và phòng, chống các tệ nạn xã hộ cho cán bộ, giáo viên và học sinh.