Hằng năm, cứ mỗi dịp tết đến xuân về là tỉnh tổ chức chương trình “Nối vòng tay nhân ái” và khi bắt đầu năm học mới, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình “Tiếp sức đến trường”. Mục đích của hai chương trình này nhằm kêu gọi sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng để giúp đỡ người nghèo khó.
Trên thực tế, cả hai chương trình rất thiết thực, mang lại cho hàng chục ngàn người nghèo cái tết đầm ấm hơn; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không phải nghỉ học, tiếp tục được đến trường. Tuy nhiên, làm sao để vận động được nhiều hơn nữa sự giúp đỡ của xã hội với đối tượng khó khăn là điều cần suy nghĩ. Dưới đây xin chia sẻ cùng bạn đọc câu chuyện vận động hỗ trợ hai chương trình này.
Báo cáo công tác thi đua 6 tháng đầu năm 2023 của Báo Quảng Trị có nêu 100% cán bộ đóng góp ủng hộ chương trình “Nối vòng tay nhân ái” xuân Quý Mão của tỉnh. Có người hỏi, sao lại có nội dung này, trong khi các đơn vị khác trong khối đều không có? Người trả lời cho biết, cận Tết vừa rồi tỉnh tổ chức chương trình “Nối vòng tay nhân ái”, vận động đóng góp và cán bộ đơn vị đã tham gia đầy đủ. Người hỏi nói rằng, vì không biết có việc vận động, chứ bản thân tuy không khá giả nhưng cũng có thể đóng góp chút ít để giúp đỡ người nghèo trong dịp tết, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” mà!
Chuyện thứ hai, tại cuộc họp của ban tổ chức chuẩn bị cho chương trình “Tiếp sức đến trường” năm học 2023- 2024, vấn đề quan tâm nhất là làm sao vận động được nhiều kinh phí để tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường, vì nguồn này có chiều hướng ngày càng bị giảm, nếu như không có nhà tài trợ “đột biến”. Trăn trở, băn khoăn làm sao tăng được nguồn hỗ trợ nếu không chương trình năm nay sẽ khó khăn nhiều, số lượng học sinh, sinh viên được giúp đỡ sẽ lại giảm, một thành viên dự họp “buột miệng” nói, nếu đơn vị nào cũng như Báo Quảng Trị, danh sách cán bộ đóng góp lúc nào cũng dài nhất thì nguồn hỗ trợ có tính “ổn định” này cũng tương đối, đỡ phải lo lắng nhiều.
Tôi lật lại các số báo đăng danh sách những tổ chức, cá nhân hỗ trợ hai chương trình nói trên ở những năm trước, thấy đúng là danh sách của đơn vị Báo Quảng Trị dài nhất. Việc này được lý giải: Để tổ chức chương trình, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh đều có thư ngỏ gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm vận động lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn chung tay ủng hộ người nghèo.
Bên cạnh đó, thư ngỏ còn gửi đích danh lãnh đạo các đơn vị và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, qua danh sách lưu lại nhiều năm cho thấy, chỉ có một số cơ quan, doanh nghiệp và lãnh đạo là năm nào cũng có ủng hộ; còn rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan, cán bộ lãnh đạo và phần lớn đối tượng không giữ chức vụ lãnh đạo chưa hề đóng góp ủng hộ chương trình. Vậy nên số tiền vận động được chưa cao. Theo chúng tôi có những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, mặc dù thư ngỏ vận động được đăng rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng phải nói rằng nhiều cán bộ rất ít đọc báo, nghe đài, xem ti vi nên không tiếp nhận được thông tin.
Thứ hai, lãnh đạo các đơn vị chỉ tham gia ủng hộ theo thư ngỏ mà chưa tích cực triển khai trong toàn thể đơn vị, trong đó do có tâm lý “ngại”, sợ làm “phiền” cán bộ mình quản lý.
Thứ ba, nhiều lãnh đạo nhận được thư ngỏ nhưng không tham gia (nhìn danh sách đăng trên báo Quảng Trị hoặc phát trên Đài PT-TH tỉnh thì biết rõ).
Phân tích này logic với hai câu chuyện kể trên. Đối với Báo Quảng Trị, khi có thư ngỏ, lãnh đạo triển khai thực hiện trong toàn thể cán bộ cơ quan với cách làm cụ thể, đồng thời nói rõ “vận động” chứ không bắt buộc, tùy tâm từng người. Kết quả là năm nào cũng vậy, toàn thể cán bộ cơ quan đều tham gia đóng góp, ủng hộ chương trình.
Cũng có lập luận, đời sống cán bộ còn khó khăn, hằng năm đã có những đóng góp mang tính “bắt buộc” như Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Ngày vì người nghèo, vì vậy không nên vận động cán bộ ủng hộ thêm nữa. Quan điểm này nghe qua có lý nhưng ngẫm lại thấy không đúng. Bởi vì, vài ba trăm nghìn là quá nhỏ so với ngân quỹ tài chính trong một năm của những gia đình không thuộc diện “hộ nghèo”, nên khẳng định sẽ không ảnh hưởng đến chi tiêu, sinh hoạt.
Quan điểm này càng không ổn khi trên thực tế có rất nhiều khoản chi tiêu lãng phí, không cần thiết nhưng nhiều người vẫn cứ chi. Vậy, đó là gì? Tin rằng phần lớn là do tâm lý “chưa quen” làm từ thiện, chi tiêu cho mình thì bao nhiêu cũng được nhưng cho ai cái gì, dù nhỏ cũng không muốn, mà không nghĩ sâu rằng, chỉ cần giảm một trong hàng chục khoản chi tiêu lãng phí đó trong năm, là giúp được người nghèo rất ý nghĩa.
Tóm lại, rất nhiều cán bộ cũng muốn đóng góp, ủng hộ người nghèo trong dịp tết, tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường nhưng không nắm được thông tin, không ai tổ chức cho để thuận tiện khi thực hiện; một số cán bộ lãnh đạo chưa tích cực, thiếu trách nhiệm; tâm lý sợ phiền hà, chưa có “thói quen” làm từ thiện…đã làm cho các chương trình vận động ủng hộ những người nghèo khó giảm đi kết quả. Vậy nên, chúng ta hãy thay đổi để giúp đỡ người nghèo được nhiều hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)