Ngoài các giải pháp hỗ trợ về chuyên môn, Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị còn thường xuyên động viên, khích lệ học viên “tự cứu mình khi chưa muộn”. Nhờ đó, tuy mới tổ chức thực hiện việc chữa bệnh, cai nghiện cho người nghiện ma túy trong thời gian ngắn, nhưng nhiều học viên đã được tiếp thêm động lực, niềm tin để quyết tâm cai nghiện ma túy, làm lại cuộc đời.
Tận mắt chứng kiến một buổi tập thể dục thể thao đầy ắp sự hứng khởi của các học viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp 1, ít ai có thể nghĩ được rằng trước khi bước vào nơi đây, những thanh niên có tuổi đời rất trẻ này hầu hết đều ở tình trạng suy dinh dưỡng, nhiễm độc nặng.
Học viên T.V.N. (sinh năm 1993), ở Khu phố 7, Phường 1, thành phố Đông Hà (Quảng Trị), là một trong những học viên cai nghiện bắt buộc đầu tiên vào điều trị tại trung tâm, tâm sự: “Năm nay tôi 27 tuổi nhưng đã có hơn 7 năm sa ngã bởi ma túy. Ban đầu, khi mới được đưa vào trung tâm để cai nghiện bắt buộc, tôi đã từng có ý nghĩ sẽ tìm cách bỏ trốn ra ngoài. Thế nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ, đặc biệt là sự ân cần sẻ chia của cán bộ trung tâm, tôi cảm thấy đây như ngôi nhà chung ấm áp tình người, từ đó càng quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy. Sau 7 tháng điều trị, tôi thấy sức khỏe cải thiện từng ngày; tư tưởng, tinh thần thoải mái hơn. Bây giờ, tôi đã suy nghĩ thông suốt và sẽ cố gắng cai nghiện thành công để làm lại cuộc đời”.
Không chỉ có N. mà đa số học viên đang điều trị cai nghiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp 1 cho biết, họ sử dụng ma túy từ khi còn trẻ, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Qua quá trình được điều trị, cắt cơn giải độc, đến nay 21 học viên cai nghiện bắt buộc đã khỏe mạnh hơn, tinh thần tốt hơn. Điều quan trọng nhất là tại trung tâm đã tạo được không khí thân thiện, ấm áp giúp các học viên sớm hoàn thành thời gian điều trị, lao động trị liệu và hướng tới tái hòa nhập cộng đồng.
Anh Châu Đại Dương, phụ trách quản lý - bảo vệ Trung tâm bảo trợ xã hội Tổng hơp 1 tỉnh Quảng Trị cho biết: “Khi đón các học viên vào chữa trị và cai nghiện tại trung tâm, chúng tôi xác định sẽ luôn xem họ như người nhà, do đó ngoài các giải pháp hỗ trợ về chuyên môn, các cán bộ làm việc tại trung tâm còn đặc biệt chú trọng tới việc động viên tinh thần, tiếp thêm động lực, giúp học viên củng cố thêm niềm tin, quyết tâm cai nghiện, hướng tới những điều tốt đẹp hơn”.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị nói chung và quản lý học viên nói riêng, sau khi tiếp nhận, học viên sẽ được kiểm tra sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án để tiến hành các bước điều trị phù hợp. Trong thời gian này, học viên được tư vấn, hỗ trợ tâm lý, lập phác đồ điều trị cắt cơn. Qua giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, học viên được khám sức khỏe để phân loại, sau đó sẽ tham gia lao động trị liệu và các hoạt động giáo dục. Ngoài ra, để học viên có khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau thời gian điều trị cai nghiện, trung tâm còn thường xuyên trang bị cho học viên một số kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, dạy một số nghề như xây dựng, cơ khí, ươm cây giống… Đặc biệt là tất cả học viên được tham gia sinh hoạt văn hóa, tập thể dục, thể thao vào thời gian phù hợp trong ngày. Công tác kết nối với gia đình, thân nhân người nghiện cũng luôn được duy trì thường xuyên nhằm duy trì trách nhiệm cộng đồng giữa gia đình người nghiện với trung tâm và tìm ra giải pháp tốt nhất để hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện thực hiện quy trình cai nghiện, sớm hòa nhập cộng đồng. Thực hiện công khai, minh bạch các chế độ liên quan đến học viên. Mọi vấn đề thắc mắc của học viên được giải thích, tư vấn kịp thời, không để bức xúc, mâu thuẫn nảy sinh, tạo được niềm tin của học viên đối với trung tâm.
Đến nay, ngoài 21 học viên đang cai nghiện bắt buộc, đã có 8 học viên cai nghiện tự nguyện đã hoàn thành quá trình cai nghiện, trở về địa phương; 1 học viên cai nghiện bắt buộc kết thúc quá trình cai nghiện để thực hiện chấp hành án theo quy định của pháp luật. Dự kiến trong năm 2020 trung tâm sẽ tiếp nhận thêm 40 - 50 học viên vào điều trị cai nghiện, lao động phục hồi hành vi nhân cách. Tuy nhiên quá trình hỗ trợ học viên cai nghiện bắt buộc tại trung tâm vẫn còn gặp một số khó khăn, đặc biệt về nhân lực.
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp 1 Trần Văn Thành cho biết: “Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị hiện có 32 cán bộ, công nhân viên, trong khi phải thường xuyên đảm nhận, thực hiện một khối lượng công việc rất lớn và rất đặc thù. Cụ thể, cùng với việc điều trị cắt cơn, giải độc, trị liệu phục hồi chức năng, lao động cho 21 học viên cai nghiện; các cán bộ, công nhân viên của đơn vị còn phải chăm sóc, nuôi dưỡng 68 người bị mắc các bệnh về tâm thần kinh. Để đảm bảo cho học viên và bệnh nhân được chăm sóc, điều trị một cách tốt nhất; các cán bộ, công nhân viên của trung tâm phải chia ca trực 24/24 giờ mỗi ngày. Mặc dù nhân lực mỏng, công việc đặc thù đầy khó khăn và nguy hiểm, nhưng bằng tình yêu và trách nhiệm, cán bộ, công nhân viên của trung tâm đã nỗ lực vượt khó, xem bệnh nhân, học viên như người nhà, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Thời gian tới, Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp 1 sẽ tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác điều trị, cai nghiện; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện... Đặc biệt, huy động sự chung tay, góp sức của cả gia đình người nghiện và cộng đồng xã hội giúp đỡ người nghiện ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện có hiệu quả.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)