Để đạt được mục tiêu thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” lạc hậu từ bao đời đã ăn sâu trong ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung và phụ nữ vùng cao nói riêng thì việc cần làm thiết thực nhất là xây dựng các mô hình mà trong đó người phụ nữ được nâng cao vai trò như khả năng phát triển kinh tế và hỗ trợ tối đa cho phụ nữ thay đổi nhận thức, biết cách tự vươn lên để làm chủ cuộc sống, thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG).
Trong 3 năm triển khai Dự án 8 (từ 2022 - 2024), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chỉ đạo hội LHPN các huyện tổ chức triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ cho hội viên phụ nữ DTTS ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản, như: tổ chức 3 hội nghị tập huấn, tham vấn hướng dẫn về hỗ trợ ứng dụng công nghệ cho cán bộ phụ nữ cấp huyện, xã về xây dựng tổ, nhóm sinh kế có 145 người tham gia; ở cấp tỉnh đã triển khai rà soát các tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) có nhu cầu hỗ trợ và lựa chọn được 4 mô hình tổ, nhóm sinh kế, HTX gồm: HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn, xã Mò Ó, huyện Đakrông; Tổ hợp tác chuối lùn Tà Rụt, xã Tà Rụt, huyện Đakrông; Tổ liên kết sản xuất trà từ vỏ cà phê xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa; Tổ hợp tác Đan lát thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa. Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, tích cực phối hợp với các ngành triển khai các hoạt động hỗ trợ cho tổ, nhóm sinh kế theo các bước trong Sổ tay hướng dẫn của Trung ương hội.
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho 1 HTX và 2 THT. Hội LHPN huyện Hướng Hóa tổ chức hội nghị “Giới thiệu, phổ biến quy trình hỗ trợ của dự án” cho cán bộ Hội LHPN huyện; đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Dân tộc huyện; đại diện lãnh đạo UBND, hội LHPN của 20 xã; tổ trưởng, tổ phó 8 THT, tổ liên kết do phụ nữ làm chủ. Tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ nâng khả năng phát triển kinh tế cho phụ nữ DTTS và cán bộ hội LHPN huyện, xã; tổ trưởng, tổ phó các HTX, THT, tổ liên kết do phụ nữ làm chủ.
Hội LHPN huyện Đakrông đã khảo soát các tổ, nhóm sinh kế, THT, HTX có nhu cầu hỗ trợ và lựa chọn Tổ hợp tác dệt thổ cẩm A Bung để hỗ trợ. Hội LHPN huyện Gio Linh tổ chức Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa với 13 gian hàng có gần 100 sản phẩm mang đậm giá trị tài nguyên bản địa của 9/9 thôn có đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn.
Chị Hồ Thị Nghim, Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm A Bung, huyện Đakrông cho biết: Trước đây, một số phụ nữ trong xã cũng có làm nghề dệt nhưng sản phẩm làm ra khó tiêu thụ được nên dần dần cũng bỏ nghề. Từ khi có sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện và các dự án phi chính phủ, thành lập tổ dệt tập hợp các chị em có tay nghề trong xã tập trung làm chung với nhau, rồi được hội LHPN, Dự án Plan định hướng tìm thị trường cộng với phát huy tính chủ động, sáng tạo của chị em nên tổ dệt sản xuất có hiệu quả, tạo được việc làm lúc nông nhàn cho tổ viên và mang lại thu nhập đáng kể góp phần cải thiện đời sống.
Bên cạnh việc nâng cao khả năng làm chủ về kinh tế cho phụ nữ, hội LHPN các cấp cũng củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới mô hình hỗ trợ bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình như mô hình “Địa chỉ tin cậy”. Đây là mô hình xây dựng chỗ lánh nạn cho phụ nữ và trẻ em khi trong gia đình xảy ra bạo lực. Hội LHPN tỉnh tổ chức 5 hội nghị tập huấn, tham vấn triển khai hướng dẫn thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại tỉnh và các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh cho gần 330 cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện, xã và các ngành liên quan; các cấp hội tổ chức 22 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, các kỹ năng hỗ trợ nạn nhân cho ban điều hành, chủ “Địa chỉ tin cậy”; kỹ năng truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; kỹ năng tiếp nhận và chuyển tuyến nạn nhân tại huyện Hướng Hóa, Đakrông, cụm Vĩnh Linh, các xã: A Dơi, Linh Trường, Vĩnh Khê, Hướng Hiệp với gần 1.300 người tham gia; tổ chức 17 chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới tại các xã trong vùng Dự án 8 có hơn 2.380 người tham gia. Đồng thời, các cấp hội LHPN cũng tổ chức15 cuộc giám sát mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại 15 xã, nắm bắt tình hình và hướng dẫn hỗ trợ hoạt động mô hình.
Hội LHPN 5 huyện hưởng lợi dự án tổ chức 20 hội nghị, tập huấn tham vấn thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy”, hướng dẫn thành lập và vận hành mô hình này, kỹ năng hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, tuyên truyền, giới thiệu “Địa chỉ tin cậy”. Đến nay, 5 huyện thực hiện Dự án 8 thành lập được 39 “Địa chỉ tin cậy” và các ban điều hành đã tuyên truyền 117 cuộc cho 7.020 lượt người dân về mô hình này. Hội LHPN tỉnh và huyện đã trao tặng hỗ trợ các trang thiết bị cho 39 “Địa chỉ tin cậy” thuộc 26 xã với tổng trị giá gần 232 triệu đồng. Mô hình “Địa chỉ tin cậy” được xây dựng có ý nghĩa tuyên truyền lớn trong việc thay đổi nhận thức cho nam giới về bạo lực gia đình. Từ đó, nạn bao lực gia đình được giảm dần, phụ nữ và trẻ em đồng bào DTTS được sống an toàn và hạnh phúc hơn.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà cho biết: Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” và các hoạt động truyền thông tại cộng đồng đã nhận được sự phối hợp hỗ trợ của các cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành địa phương và sự đón nhận, tham gia của người dân. Bước đầu các mô hình đã đi vào vận hành hoạt động có hiệu quả tốt, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và người dân vùng đồng bào DTTS có suy nghĩ đúng đắn hơn và tích cực vào cuộc phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Nhờ đó đã góp phần đáng kể trong công tác thúc đẩy BĐG và tham gia giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)