Qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Cuối tháng 7/2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) phối hợp với Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp (CCN) và Khuyến công huyện Hướng Hóa tổ chức nghiệm thu đợt 1 đối với 3 đề án khuyến công thực hiện tại địa bàn huyện. Đó là các đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào chế biến cà phê thành phẩm tại vùng nguyên liệu của anh Nguyễn Duy Phương, xã Hướng Phùng, ứng dụng vào sản xuất mộc mỹ nghệ của anh Nguyễn Thái Hồ, xã Tân Long và sản xuất cửa nhôm xingfa của anh Đinh Duy Linh, xã Tân Hợp.

Anh Linh cho biết, được sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công, anh đầu tư thay hệ thống mô tơ và trục lưỡi cắt, nâng công suất mỗi ngày lên 80 - 100 m2 cửa, vách ngăn nhôm xingfa. Hiện tại cơ sở của anh tạo việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên và hợp đồng thêm lao động thời vụ khi khối lượng công việc lớn. Đối với cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Duy Phương, xã Hướng Phùng, việc chế biến cà phê thành phẩm với máy móc thiết bị mới làm tăng sản lượng rõ rệt, từ 100-150 kg cà phê thành phẩm/ngày (đạt khoảng 2 tấn/tháng). Các đề án này đã giúp cơ sở ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khai thác, phát huy lợi thế riêng của từng vùng miền, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động địa phương.
Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn khuyến công, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 8 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, 106 đề án ứng dụng máy móc và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 3 CCN, lập quy hoạch chi tiết 3 CCN và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường vào CCN. Ngoài ra, đơn vị đã tổ chức đánh giá khả năng áp dụng sản xuất sạch hơn tại 1 doanh nghiệp, tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng 10 nhãn mác, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa thực phẩm, chế biến nông, thủy sản của địa phương.
Trên lĩnh vực xúc tiến thương mại, Trung tâm đã tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu trong nước. Hình thành 3 điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, tổ chức 3 đợt bình chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu. Kết quả, hơn 100 sản phẩm được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 12 sản phẩm cấp khu vực. Đã có 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị (huyện Gio Linh), Công ty TNHH Tinh dầu thiên nhiên Huyền Thoại (TP. Đông Hà) và Công ty TNHH MTV Từ Phong (huyện Cam Lộ) có sản phẩm và các bộ sản phẩm vinh dự được vào Top 200 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.
Bên cạnh đó, hoạt động khuyến công cấp huyện cũng được triển khai mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành nghề nông thôn. Hiện tỉnh có 9 trung tâm phát triển cụm công nghiệp và khuyến công cấp huyện và đều được các huyện, thị xã, thành phố bố trí ngân sách để thực hiện các hoạt động khuyến công. Thông qua các hoạt động khuyến công đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT và thúc đẩy kinh tế phát triển. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất CNNT, nâng cao trình độ công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh, hướng đến việc phát triển sản xuất gắn với phát triển các kênh tiêu dùng, bán hàng.
Đặc biệt, hoạt động khuyến công đã đồng hành với các doanh nghiệp địa phương để tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng của tỉnh hoặc góp phần nâng tầm sản phẩm nông sản chế biến, có thể kể đến như tinh dầu thiên nhiên, cao dược liệu, cà phê Khe Sanh, dầu thực vật, trà thảo dược, tinh bột các loại…
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Nguyễn Trương Hoàn cho biết: “Các hoạt động khuyến công đã khuyến khích các cơ sở CNNT đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Đóng góp một phần vào tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh giai đoạn 2015-2020, bình quân đạt 7,16%/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 11,42%/ năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng trong khu vực phi nông nghiệp từ 76,73% năm 2015 lên 80,71% năm 2020. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh cũng tăng đáng kể”.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu của tỉnh là xây dựng từ 10 - 12 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, hỗ trợ 90 - 100 đề án chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, hỗ trợ đào tạo tay nghề cho khoảng 300 lao động địa phương. Xây dựng 10 - 12 đề án áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, hỗ trợ xây dựng, bảo hộ 10 thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa…
Tổ chức, hỗ trợ 20 - 25 đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước, 2 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT cấp tỉnh, hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 3 - 5 cụm, điểm công nghiệp, hỗ trợ 5 - 6 đề án hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN, xử lý ô nhiễm và di dời các cơ sở CNNT vào CCN.
Để thực hiện mục tiêu trên, với chức năng là đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện, Trung tâm sẽ sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất CN -TTCN trên địa bàn nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Phát triển CNNT theo hướng đầu tư có trọng điểm, chú trọng phát triển các ngành có lợi thế của tỉnh, thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm CNNT. Hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Khuyến khích chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị, khoa học công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)