Thành công từ nghề mộc mỹ nghệ

Hiếu Giang |

Năm nay vừa bước sang tuổi 37, sau nhiều năm nỗ lực vượt khó để dấn thân với nghề, chàng trai Phan Quang Phát giờ đã là chủ của một cơ sở mộc mỹ nghệ lớn ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Không chỉ tạo thu nhập cho gia đình, cơ sở của anh còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập cao.

Những ngày giáp tết cổ truyền Tân Sửu này, cơ sở mộc mỹ nghệ Quang Phát của anh Phát trở nên tất bật, nhộn nhịp hơn. Thời gian này thợ của cơ sở làm việc liên tục để chế tác các mặt hàng tượng gỗ chuẩn bị bán vào dịp tết cũng như kịp thời giao cho khách hàng đã đặt. Tranh thủ nghỉ ngơi, anh Phát cho biết mình quê ở thôn Đông Dương, xã Hải Dương, sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em. Bởi vậy sau khi tốt nghiệp THPT, không như nhiều bạn bè khác cố gắng theo học đại học, cao đẳng, Phát chọn con đường học nghề để vừa giảm gánh nặng cho gia đình vừa sớm có một cái nghề đàng hoàng để lập thân lập nghiệp.

Cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm mộc mỹ nghệ của anh Phan Quang Phát ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng-Ảnh: H.G​
Cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm mộc mỹ nghệ của anh Phan Quang Phát ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng-Ảnh: H.G​

Phát lặn lội vào miền Nam xin học nghề chạm khắc đồ mộc mỹ nghệ, trong đó chú trọng đến mảng điêu khắc tượng gỗ. Anh chịu khó học nghề ở nhiều thầy, nhiều nơi từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Lạt… “Ở mỗi thầy mình học được một ít kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và phong cách khác nhau trong nghề điêu khắc gỗ. Nhờ sự chỉ dạy khá nhiệt tình của các thầy mà mình sớm thành thạo nghề. Sau một thời gian làm công ở miền Nam, năm 2008 mình quyết định trở về Quảng Trị lập nghiệp”, anh Phát nói.

Mang theo ước mơ, hoài bão lập nghiệp trên quê hương với hành trang là tay nghề vững vàng và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Phát ra TP. Đông Hà thuê địa điểm mở một cơ sở mộc mỹ nghệ nhỏ ở phường Đông Giang. Tuy nhiên theo anh Phát: “Trái với ở miền Nam người ta đã rất chuộng đồ mộc mỹ nghệ như lộc bình, tượng gỗ các loại thì ở Quảng Trị thời điểm đó thú chơi này chưa phổ biến. Vì vậy, mọi kỳ vọng đón đầu xu hướng chơi đồ mộc mỹ nghệ của mình tan vỡ vì rất ít khách hàng quan tâm đến những sản phẩm này”. Sản phẩm tiêu thụ kém cùng với áp lực thuê mặt bằng, các chi phí khác tốn kém và việc bố của anh Phát đau ốm nặng khiến anh phải rời bỏ TP. Đông Hà chuyển vào thị trấn Diên Sanh để làm lại từ đầu. Việc vào Diên Sanh theo anh là để rút ngắn quãng đường lên về chăm sóc bố, chứ triển vọng về nghề mộc mỹ nghệ trên quê hương vẫn mông lung khiến anh nhiều lúc thoái chí. Ban đầu ít vốn cùng với lượng khách hàng rất ít nên công việc của anh chỉ cầm chừng.

“Thời điểm đầu mở xưởng ở thị trấn Diên Sanh vào năm 2013, tôi chủ yếu chạm khắc thuê làm công cho khách chứ không có tiền để mua phôi gỗ tích trữ. Một phần vì vốn mỏng, phần vì khách rất ít bởi thú chơi này ở Quảng Trị thời điểm đó vẫn còn quá mới mẻ. Một thời gian đầu thật sự mình rất oải, nếu ba mình không đau ốm nặng có khi mình đã không còn trụ lại được ở quê nhà”, anh Phát chia sẻ thêm. Nhưng mọi sự bắt đầu có tiến triển tốt từ những năm 2015, 2016 khi cơ sở anh bắt đầu nhận được đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Công việc nhiều dần lên, anh tuyển thợ và nhận thêm học trò để đào tạo nghề và đảm nhận thêm công việc. Cũng bắt đầu từ đây, cơ sở mộc mỹ nghệ của anh Phát bắt đầu có thu nhập. “Tích góp được ít vốn là mình mua phôi gỗ tích trữ để chủ động đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Việc chạm khắc thuê giảm dần, thay vào đó nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu nên mình tự sản xuất ra sản phẩm của cơ sở nhiều hơn, từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn”, anh Phát vui vẻ cho hay.

Tiếng lành đồn xa cùng với sự giúp đỡ giới thiệu của anh em, bạn bè, khách hàng, rồi qua mạng xã hội cùng với tay nghề, uy tín, chất lượng sản phẩm ngày càng được khẳng định, cơ sở mộc mỹ nghệ Quang Phát bắt đầu thu hút được lượng khách hàng rộng lớn hơn, không chỉ ở trong tỉnh mà khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố xa cũng tin tưởng đặt hàng. Đến nay, sau nhiều năm nỗ lực, anh Phát đã tạo lập được cơ sở mộc mỹ nghệ được xem là lớn nhất ở thị trấn Diên Sanh, chuyên chế tác và cung cấp cho khách hàng các loại tượng gỗ, bàn ghế gỗ nghệ thuật… Đồng thời mới đây, anh còn mở thêm một cửa hàng để thuận tiện giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm mộc mỹ nghệ do cơ sở sản xuất và nhiều loại mặt hàng gỗ mỹ nghệ khác như đồ gỗ thờ cúng, tranh gỗ, đồ lưu niệm và các đồ gia dụng bằng gỗ…

Từ chỗ tưởng như khó trụ vững ở quê nhà nhưng nhờ sự nỗ lực vượt khó cũng như có nhiều cơ duyên mà đến nay anh Phan Quang Phát được xem là đã thành công với nghề mộc mỹ nghệ, qua đó có nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng mỗi năm từ nghề. Không chỉ tạo dựng cuộc sống tốt cho gia đình mình mà cơ sở mộc mỹ nghệ của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, tùy theo tay nghề mà có mức thu nhập từ 7,5- 15 triệu đồng/người/tháng. “Dự định của mình sắp tới là thuê mặt bằng lớn hơn để làm cửa hàng trưng bày và bán các mặt hàng mộc mỹ nghệ tại thị trấn Diên Sanh. Đồng thời hiện mình cũng đang cố gắng thực hiện ước mơ là chế tác nên một tác phẩm tượng gỗ ưng ý nhất, độc đáo cả về phong cách lẫn chất liệu gỗ, kích thước… để đánh dấu kỷ niệm những năm tháng đáng nhớ với nghề”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Mai Trang – Minh Dương |

Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Nhờ vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.

Nghề làm nước mắm ở "vùng đất lửa" Quảng Trị

Công Điền - Việt Khánh |

Ra đời từ cách đây khoảng 500 năm, đến nay làng nghề nước mắm Mỹ Thủy vẫn có sức sống bền bỉ và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

PV |

Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong đó quy định điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Nữ bác sĩ tài năng, tâm huyết với nghề

Tú Linh |

Là tác giả và đồng tác giả của 5 đề tài cấp sở, 2 đề tài quốc tế, trong đó có 1 đề tài đạt giải thưởng quốc tế cao nhất của Hội Nhãn khoa Pháp; ba lần nhận học bổng Nhãn khoa tại Pháp và học bổng Lancaster Nhãn khoa tại Hoa Kỳ; nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen… Đó là thành quả của quá trình công tác, nghiên cứu của thạc sĩ - bác sĩ nội trú Bùi Thị Vân Anh (sinh năm 1985), Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Trị.