Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Mai Trang – Minh Dương |

Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Nhờ vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.

Đầu năm 2020, Công ty cổ phần Phát triển may mặc miền Trung đi vào hoạt động tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh. Không chỉ tiếp nhận những lao động có tay nghề, công ty còn phối hợp với Sở LĐTB&XH để mở các lớp đào tạo nghề may cho lao động nông thôn tại địa phương. Số lao động sau khi được đào tạo có tay nghề ổn định và được bố trí vào làm việc tại các chuyền may của công ty.

Nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề có công ăn việc làm ổn định
Nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề có công ăn việc làm ổn định

 Chị Võ Thị Kim Oanh, công nhân Công ty CP Phát triển may mặc miền Trung cho biết: “Sau khi tham gia khóa đào tạo 4 tháng, tôi được công ty ký kết hợp đồng lao động, đến nay đã có nguồn thu nhập ổn định từ 3,5 đến 5 triệu đồng mỗi tháng”

Cũng như số công nhân lao động tại Công ty cổ phần Phát triển may mặc miền Trung, hiện nay tại Vĩnh Linh, số lượng lao động qua đào tạo nghề có việc làm ổn định đã góp phần giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi trên địa bàn, qua đó giúp nhiều lao động có công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định. Từ việc xây dựng, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp có hiệu quả như mô hình nghề may công nghiệp theo phương thức gắn đào tạo nghề với bố trí việc làm tại các công ty may trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có gần 1300 lao động được đào tạo và giải quyết việc làm, với thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, thời gian qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng lao động; đáp ứng nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm; mở rộng ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động để tăng thu nhập và từng bước xóa đói, giảm nghèo tại nhiều địa phương.

Ông Cáp Xuân Tá, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: “Hiệu quả mà chúng tôi mang lại trong công tác đào tạo nghề đáng kể nhất đó là tạo được công ăn việc làm, giảm được thời gian lao động nông nhàn, qua đó giảm được số hộ nghèo cho địa phương, đặc biệt là tăng chất lượng cho lực lượng lao động địa phương.”

Nghề may công nghiệp đem lại thu nhập ổn định cho người lao động
Nghề may công nghiệp đem lại thu nhập ổn định cho người lao động

Từ năm 2010 đến nay, chương trình đào tạo nghề đã được UBND tỉnh triển khai một cách đồng bộ, các ngành, đơn vị và các địa phương đã thực hiện tốt các chính sách theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hướng đến các nhóm đối tượng chính sách, các nhóm đối tượng yếu thế. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án là hơn 57.000 người. Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn tỉnh đã mở trên 190 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và thường xuyên (dưới 3 tháng) cho khoảng 5.200 lao động nông thôn với kinh phí thực hiện gần 8.500 triệu đồng. Dự kiến đến hết năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66 %, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 47%, đạt 100% kế hoạch đề ra. Tổng số kinh phí từ các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề lao động nông thôn là hơn 191 tỷ đồng.

Sau học nghề, lao động nông thôn nắm bắt được những kiến thức mới, công nghệ mới tạo ra nguồn nhân lực có chuyên môn tay nghề, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Sau học nghề có trên 90% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã tiếp thu được vào thực tế sản xuất; có trên 80% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

 Lao động nông thôn được đào tạo nâng cao tay nghề với các ngành nghề chính như: trồng nấm ăn, trồng rừng kinh tế, kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, trồng thuốc lá, khoai tây, chăn nuôi gà, lợn, thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng rau an toàn, sửa chữa xe máy, sửa chữa điện dân dụng, thêu ren, tin học ứng dụng…

Hình thức đào tạo nghề cũng được đa dạng hoá như: đào tạo tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo lưu động tại các thôn bản, đào tạo tại trang trại, đồng ruộng, nơi sản xuất, đào tạo kết hợp với doanh nghiệp…Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm và giai đoạn, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp… để thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Ông Lê Văn Lai, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Triệu Phong thông tin thêm: “Tại huyện Triệu Phong, để đón đầu các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, trung tâm đã gắn kết với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đẻ đào tạo và cung ứng lực lượng lao động có trình độ, tay nghề. Qua khảo sát số lượng học viên được đào tạo nghề tại trung tâm có đến 70% có việc làm sau khi đào tạo”.

Thực hiện phương châm “Chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; rà soát và phê duyệt điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động giai đoạn 2017- 2020 của địa phương, đảm bảo gắn liền với quy hoạch, định hướng phát triển KT-XH; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quy hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, làng nghề…..Đối với đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động, tập trung tổ chức đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động hoặc tổ chức việc làm cho lao động nông thôn theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Các lớp đào tạo nghề theo mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức của lao động nông thôn đối với hoạt động đào tạo nghề, các lớp học được các giáo viên đầu ngành về chăn nuôi, trồng trọt, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu và giải đáp được những vướng mắc của học viên. Đồng thời việc đào tạo nghề theo mô hình đã kết hợp tốt giữa việc học lý thuyết và thực hành tay nghề tại chỗ, đặc biệt vật tư thực hành được đầu tư, trang bị đầy đủ, đảm bảo việc thực hành thành thạo các kỹ năng cho từng học viên của lớp học, qua đó tạo sự hấp dẫn thu hút các học viên tham gia lớp học. Từ đó các học viên nắm chắc và vững những kiến thức, kỹ năng nghề vận dụng ngay trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của hộ gia đình và đã thu được những kết quả nhất định, nhiều hộ gia đình có nguyện vọng đang thực hiện việc mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng tại hộ.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết: “Công tác đào tạo nghề tại địa phương luôn gắn với nhu cầu thực tiễn, trong đó chú ý đến việc đào tạo nghề nông nghiệp thì gắn với mùa vụ, đào tạo nghề phi nông nghiệp thì tránh thời vụ để người lao động vừa sản xuất được nông nghiệp vừa tìm kiếm thêm cơ hội việc làm.”

Từ việc chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phổ cập nghề cho người lao động góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Gắn đào tạo nghề cho lao động với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình kinh tế- xã hội khác góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Hướng dẫn nuôi gà cho lao động nông thôn
Hướng dẫn nuôi gà cho lao động nông thôn

Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện nay cứ 2 lao động nông thôn thì đã có 1 lao động được đào tạo nghề, đây là con số rất ấn tượng đối với một địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Trị. Một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của chương trình đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng, đó là việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy. Với giáo trình dạy nghề đa dạng, đi kèm với phương thức tuyển sinh linh động, về tận cơ sở nên người lao động không chỉ tiếp cận đầy đủ các thông tin về ngành nghề đào tạo mà còn nắm chắc nhu cầu thị trường lao động để từ đó lựa chọn, đăng ký và tham gia các khóa đào tạo nghề.

Bà Dương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết: “Định hướng trong giai đoạn 2021 – 2025 thì phải tăng cường công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, lao động cho người lao động. Muốn làm được điều đó phải tuyên truyên fthay đổi nhận thức cho người dân về đào tào nghề. Sở cũng sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan để làm tốt công tác giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học sinh và nắm bắt nhu cầu thực tiễn việc làm từ các doanh nghiệp để đào tạo đúng và trúng nhu cầu”.

Cần khẳng định, thời gian qua, công tác đào tạo nghề đã và đang triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Qua đó, đã thu hút được nhiều cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có sự gắn kết giữa địa phương với cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc tuyển sinh đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề.

Mặc dù vẫn còn gặp không ít khó khăn nhưng có thể thấy, Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” không chỉ tạo nền tảng để tỉnh Quảng Trị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động bảo đảm sự hài hòa giữa nhu cầu của người lao động với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Quan tâm giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa

Kô Kăn Sương |

Thời gian qua, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đối với thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa được huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Những đặc quyền mới cho lao động nữ từ 1/1/2021

Thanh Mai |

Bộ luật mới đã dành hẳn chương X nhằm "quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới".

Quảng Trị nỗ lực trong công tác xuất khẩu lao động

Đạo Thiện |

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của Covid-19, nên nhiều thị trường nước ngoài tạm thời hạn chế tiếp nhận lao động, nhiều đơn hàng tuyển dụng và các đợt xuất cảnh lao động cũng đã bị tạm dừng. Tình trạng này đã làm công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Để duy trì và thực hiện tốt công tác XKLĐ, cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp mang tính thiết thực, hiệu quả.

Công ty Cao su Việt Lào được tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới

PV |

Ngày 9/12, Công ty TNHH Cao su Việt – Lào (gọi tắt là Công ty, thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) cho biết, Công ty vừa được Chủ tịch nước ký Quyết định tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới.