Thời gian qua, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đối với thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa được huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Hướng Hóa có hơn 50% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn rất khó khăn. Để tạo việc làm cho lao động trên địa bàn, huyện đã triển khai nhiều giải pháp tích cực như tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lao động, việc làm cho thanh niên. Huy động các chương trình, dự án trong nước và nước ngoài hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, chăn nuôi thuận lợi; tổ chức tập huấn, dạy nghề cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp, hiệu quả. Thường xuyên liên kết với các cơ quan chức năng tổ chức đào tạo nghề, tư vấn, hướng dẫn thủ tục đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên. Đổi mới chương trình kết nối doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu lao động và xem đây là hướng đi đúng đắn để giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học nghề đối với người lao động, nhất là lao động là người dân tộc thiểu số.
Sau khi học xong THPT, anh Hồ Văn Long trú tại thôn Pa Xía, xã Hướng Lộc không có điều kiện học lên nên ở nhà trong thời gian khá dài. Không có việc làm, chỉ phụ bố mẹ lên nương rẫy, thu nhập ít ỏi khiến cuộc sống của anh gặp rất nhiều khó khăn. Cách đây gần 2 năm, được cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tư vấn, anh quyết định làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Tháng 7/2019, anh Long chính thức xuất cảnh sang Nhật với công việc chính là làm trong ngành năng lượng mặt trời. Đến nay, anh đã có công việc ổn định với mức thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng anh Long gửi về gia đình từ 15 - 20 triệu đồng. Anh Long cho biết, đầu năm 2021 sau khi trả hết khoản nợ vay đi xuất khẩu lao động, số tiền còn lại anh sẽ tích cóp để sau khi hết hạn lao động sẽ dùng để đầu tư, phát triển kinh tế.
Đặc biệt, thời gian lao động tại Nhật giúp cho anh có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng giao tiếp, là điều kiện cần thiết để sau này anh vững vàng hơn khi lựa chọn ngành nghề làm ăn lâu dài phù hợp tại quê nhà. Ngoài trường hợp của anh Long, nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số khác ở Hướng Hóa đã biết tận dụng thời cơ, lựa chọn việc làm phù hợp để có thu nhập ổn định, mạnh dạn vay vốn sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình.
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đã tích cực về tận các bản làng ở Hướng Hóa để tư vấn, giới thiệu việc làm và đã thu hút sự quan tâm của nhiều thanh niên nơi đây. Phó Giám đốc Chi nhánh Xuất khẩu lao động Bình Trị Thiên thuộc Tập đoàn An Dương Võ Đức Kỷ cho biết: “Hiện nay, tình hình thiếu việc làm của thanh niên người dân tộc thiểu số rất lớn. Vì vậy, chúng tôi phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan về tận cơ sở để tư vấn, giới thiệu cơ hội việc làm, tạo điều kiện tốt nhất để thanh niên người dân tộc thiểu số được tiếp cận, có cơ hội xuất khẩu lao động, có việc làm và thu nhập ổn định”. Riêng trong năm 2020, huyện tổ chức 28 lớp đào tạo nghề với 598 học viên (trong đó nông nghiệp 21 lớp với 430 học viên, phi nông nghiệp 7 lớp với 168 học viên).
Phối hợp với các công ty tuyển dụng lao động đi làm việc trong và ngoài nước tổ chức 6 đợt hội nghị giải quyết việc làm tại các xã vùng khó với gần 240 người tham gia; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị phổ biến chính sách việc làm và xuất khẩu lao động với hơn 50 người tham gia. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị - Chi nhánh phía Tây tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm, 2 hội nghị phổ biến tuyên truyền chính sách hỗ trợ cho người lao động đi xuất khẩu lao động với 100 người tham gia. Nhờ vậy, trong năm đã giải quyết việc làm cho 962 lao động, trong đó có 618 lao động là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, 63 người xuất khẩu lao động.
Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hướng Hóa Trần Trọng Kim cho biết: “Việc đào tạo nghề, dạy nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giải quyết việc làm, vận động người lao động, nhất là thanh niên người dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động ở các thị trường nước ngoài và làm việc tại các doanh nghiệp trong nước. Tổ chức khai giảng các lớp học nghề góp phần tạo nhiều việc làm mới cho người dân, đặc biệt là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện tốt công tác cho vay vốn giải quyết việc làm, duy trì thường xuyên các phiên giao dịch việc làm, tư vấn cho người lao động tại Văn phòng đại diện khu vực phía Tây - Sàn giao dịch việc làm vệ tinh Hướng Hóa. Phấn đấu trong năm 2021 có khoảng 150 người tham gia xuất khẩu lao động theo hợp đồng”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)