Quảng Trị nỗ lực trong công tác xuất khẩu lao động

Đạo Thiện |

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của Covid-19, nên nhiều thị trường nước ngoài tạm thời hạn chế tiếp nhận lao động, nhiều đơn hàng tuyển dụng và các đợt xuất cảnh lao động cũng đã bị tạm dừng. Tình trạng này đã làm công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Để duy trì và thực hiện tốt công tác XKLĐ, cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp mang tính thiết thực, hiệu quả.

Thi đậu kỳ thi tiếng Hàn và đạt được đơn hàng tuyển dụng đi làm trong lĩnh vực công nghiệp của doanh nghiệp Hàn Quốc, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gần 9 tháng nay vợ chồng anh Lê Hoài Duy ở tại khu phố 1, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh vẫn chưa thể xuất cảnh được. Trao đổi với chúng tôi, anh Duy cho biết: để đủ điều kiện xuất cảnh, anh đã phải vay mượn với lãi suất cao để nộp tiền kí quỹ hơn 250 triệu đồng. Tiền thì đã nộp, các thủ tục đã hoàn thành đầy đủ nhưng chờ mãi vẫn không xuất cảnh được trong khi tiền lãi hàng tháng vẫn phải trả. Anh Duy chia sẻ: “Trong thời gian chờ xuất cảnh, 2 vợ chồng đành phải xin vào làm lao động thời vụ cho các lò cá hấp tại địa phương để đảm bảo cuộc sống. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục như thế này thì không biết phải chờ đến khi nào”.   

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn về XKLĐ cho người lao động.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn về XKLĐ cho người lao động.

Thị trấn Cửa Việt là địa phương có số người tham gia XKLĐ nhiều nhất tỉnh với hơn 765 người đang lao động ở nước ngoài. Trong đó, chỉ tính riêng trong năm 2019, đã có hơn 170 lao động xuất cảnh sang làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thị trấn mới chỉ có 11 lao động xuất cảnh. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh cho hay, toàn thị trấn hiện có khoảng 60 –70 lao động đã hoàn thành các thủ tục như thi đậu kỳ thi EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của Luật Việc làm Hàn Quốc), có doanh nghiệp tiếp nhận, có visa, thậm chí đã có lịch bay cụ thể nhưng buộc phải ngừng lại chờ dịch bệnh được kiểm soát. Không chỉ không xuất cảnh được mà đối với những lao động hiện đang làm việc ở nước ngoài thì công việc cũng hết sức thất thường, ảnh hưởng lớn đến thu nhập.

 Tình hình giới thiệu lao động đi làm việc ở nước ngoài của Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị cũng có nhiều biến động do Covid-19. Nếu như trong giai đoạn từ 2017 – 2019 đã có 955 lao động xuất cảnh thì từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của Covid-19 chỉ mới có 35 lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc. Hiện nay, Trung tâm đang tồn đọng 150 lao động đã có hợp đồng lao động tại Hàn Quốc nhưng chưa xuất cảnh được; hơn 500 lao động đã hoàn thành hồ sơ, đang chờ chủ sử dụng lao động lựa chọn ký hợp đồng. Ngoài ra còn có 60 hồ sơ của thị trường Nhật Bản và các nước khác cũng bị chững lại, ngừng đào tạo tập trung và không làm các thủ tục xuất cảnh được.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hà, Phó Trưởng Phòng Thông tin thị trường lao động và Giới thiệu việc làm (TTTTLĐ&VL), không chỉ không xuất cảnh được mà tỉ lệ người lao động xin tạm ngưng XKLĐ cũng khá lớn do Covid-19 tại các nước chưa được kiểm soát đã làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý, thời gian học tập, chờ đợi và tài chính của người lao động. Một số lao động đã phỏng vấn đạt nhưng vẫn xin tạm ngừng không hoàn thành tài chính; một số đã có đơn hàng, đã hoàn thành tài chính nhưng chủ sử dụng lao động hủy tiếp nhận do doanh nghiệp phá sản hoặc hạn chế tiếp nhận lao động; thời gian tiếp nhận của các nước chưa có lịch cụ thể…Tình trạng XKLĐ bị đình trệ kéo dài khiến nhiều lao động đang chờ xuất cảnh cảm thấy lo lắng bởi họ đã phải vay mượn số tiền lớn. Thời điểm xuất cảnh càng bị lùi lại đồng nghĩa người lao động chưa thể có thu nhập để trả nợ mặc dù việc tạm dừng là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho họ trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19.    

 Để từng bước nỗ lực duy trì và thực hiện một cách tốt nhất có thể đối với công tác XKLĐ, cơ quan chức năng và các địa phương ở tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp mang tính thiết thực, hiệu quả. Bà Nguyễn Ngọc Hà, Phó Trưởng phòng TTTTLĐ&VL cho biết: để hỗ trợ người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị đã tập trung tìm kiếm các đối tác mới, có chất lượng trong lĩnh vực XKLĐ; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dự nguồn lao động để cung ứng, giới thiệu XKLĐ; tăng cường trao đổi với từng người lao động cụ thể để ổn định tâm lý cho họ; tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp XKLĐ để hỗ trợ về quy trình, thủ tục cho người lao động; đặc biệt là các lao động đã trúng tuyển qua các kỳ thi tiếng Hàn và đang làm hồ sơ xuất cảnh đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS. Bà Nguyễn Ngọc Hà cho biết thêm: “Trong các thời điểm Covid-19 được kiểm soát, Trung tâm đã tăng cường công tác thông tin; phân công cán bộ trực tiếp đến từng thôn, bản để gặp gỡ, tư vấn cho người lao động. Qua đó đã tư vấn dự nguồn 120 lao động tham gia XKLĐ ở các thị trường Nhật Bản và Đài Loan; tuyển sinh, tổ chức 1 lớp đào tạo tiếng Nhật cho 31 lao động để dự nguồn tham gia XKLĐ tại thị trường Nhật Bản; tổ chức đào tạo tiếng Hàn cho 12 lao động để dự nguồn đi làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian tới”.  

Ông Dương Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết: XKLĐ đã và đang trở thành một trong những lợi thế của huyện Gio Linh. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2019, toàn huyện mỗi năm có từ 500 – 600 lao động xuất cảnh sang làm việc ở nước ngoài. Hàng năm, lượng kiều hối do lao động gửi về đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm 2020, toàn huyện chỉ mới có 119 lao động được xuất cảnh, đạt 40% theo kế hoạch đề ra. Do vậy, để hỗ trợ người lao động, theo ông Dương Đức Hạnh, huyện Gio Linh đang tập trung công tác tuyên truyền để người lao động yên tâm học tập, rèn luyện nâng cao trình độ ngoại ngữ, tay nghề… nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của đơn vị tuyển dụng; tăng cường tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới, chú trọng vào 2 thị trường có thế mạnh của huyện là Nhật Bản và Hàn Quốc để đẩy mạnh việc XKLĐ khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát; tổ chức làm việc với hệ thống các ngân hàng có lãi suất ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho người lao động vay vốn để XKLĐ trong thời gian tới; đồng thời, chú trọng giải quyết việc làm tại chỗ, việc làm ngoại tỉnh. Trong năm 2020, để hỗ trợ cho công tác XKLĐ gặp nhiều khó khăn, huyện Gio Linh đã đẩy mạnh công tác kết nối với các công ty trong lĩnh vực năng lượng, may mặc đóng trên địa bàn huyện; các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam để giải quyết việc làm cho gần 1.200 lao động địa phương.  

Lớp học tiếng Hàn vẫn được duy trì dù ảnh hưởng dịch Covid -19
Lớp học tiếng Hàn vẫn được duy trì dù ảnh hưởng dịch Covid -19

  Bà Dương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh hầu như bị “đóng băng” hoàn toàn. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các đơn vị XKLĐ, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và các địa phương, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động thúc đẩy XKLĐ đã được “kích hoạt” trở lại. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 1.034 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 94% kế hoạch; tập trung chủ yếu ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Hiện tại, Sở LĐ-TB&XH đang chỉ đạo các đơn vị XKLĐ tăng cường kết nối với đối tác ở các nước trong việc sơ tuyển, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với thực tế; xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, linh hoạt…Về kế hoạch trong năm 2021, theo bà Hải Yến, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đối với người lao động; kêu gọi các đơn vị XKLĐ có uy tín, có những đơn hàng có thu nhập cao, có việc làm an toàn trong mùa dịch như chế biến thực phẩm, linh kiện điện tử… Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về XKLĐ trong thời điểm dịch bệnh nhằm hạn chế những hành vi lừa đảo, tiêu cực. Đồng thời, đề nghị các đơn vị XKLĐ tiếp tục mở các lớp đào tạo dự nguồn về ngoại ngữ, nghề nghiệp… để chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Về phía người lao động, bà Dương Thị Hải Yến đề nghị, trong thời gian chờ đợi cần củng cố thêm kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, các kiến thức về phòng chống dịch… để sẵn sàng tham gia ngay vào thị trường lao động quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát và các thị trường mở rộng. “Hiện nay các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản vẫn đang tiếp nhận lao động của Việt Nam vào làm việc do Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hiện đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Với những nỗ lực của người lao động, sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chuyên môn…Tin tưởng rằng, thị trường XKLĐ trong năm 2021 ở Quảng Trị sẽ khởi sắc trở lại”, bà Hải Yến khẳng định.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Công ty Cao su Việt Lào được tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới

PV |

Ngày 9/12, Công ty TNHH Cao su Việt – Lào (gọi tắt là Công ty, thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) cho biết, Công ty vừa được Chủ tịch nước ký Quyết định tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới.

Người lao động ngành điện tại Quảng Trị tham gia hiến máu tình nguyện

Hưng Thơ |

Để góp phần đảm bảo nguồn máu cung cấp cho cấp cứu, điều trị trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp, người lao động ngành điện tại tỉnh Quảng Trị đã hưởng ứng việc hiến máu tình nguyện qua chương trình Tuần lễ hồng EVN lần thứ VI với chủ đề “Lan tỏa yêu thương”.

Thưởng Tết năm 2021: Không để người lao động thiệt thòi

Minh Bằng |

Tết Tân Sửu 2021 là năm đầu tiên thực hiện Luật Lao Động (có hiệu lực từ 1.7.2020), trong luật có quy định người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật thay vì tiền. Đây chính là điểm khiến người lao động băn khoăn.

Nhiều người lao động chuẩn bị tinh thần tiền thưởng Tết sẽ giảm

Thanh Mai |

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người lao động không dám nghĩ đến tiền thưởng Tết bởi lương thưởng hàng tháng cũng đã giảm từ trước đó.