Ngày 24/8, tại huyện đảo Cồn Cỏ, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND huyện đảo Cồn Cỏ, Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Trị, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Hội nghị phổ biến mô hình giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải rắn tại nguồn, phát huy các mô hình sẵn có, điển hình tại Việt Nam.
Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Cao Minh Tuấn; đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường; lãnh đạo UBND huyện đảo Cồn Cỏ; đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cùng các đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường Quảng Trị tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Cao Minh Tuấn nhấn mạnh, thực hiện lời kêu gọi chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát động các phong trào, xây dựng nhân rộng các mô hình, đề xuất các sáng kiến và tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội về biện pháp giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, ô nhiễm từ chất thải nhựa.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác nhau, thay đổi căn bản so với các quy định hiện hành. Trong đó việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, được kỳ vọng là một bước đi đột phá để cải thiện ô nhiễm và quá tải do rác thải sinh hoạt cũng như lãng phí tài nguyên từ rác.
Ông Cao Minh Tuấn đề nghị chính quyền và người dân huyện đảo Cồn Cỏ, các sở, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm chất thải nhựa, tiến hành phân loại chất thải rắn tại nguồn nhằm góp phần xây dựng môi trường biển đảo trong lành, phát triển bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Trương Khắc Trưởng, huyện đảo Cồn Cỏ luôn xác định việc giữ gìn môi trường biển trong sạch, xây dựng đảo xanh, sạch, đẹp là một nhiệm vụ cấp thiết nhằm góp phần xây dựng huyện đảo trở thành đảo du lịch, đảo văn hoá, đảo an toàn, là “Hòn ngọc giữa Biển Đông” trong tương lai gần.
Đặc biệt, huyện đảo đã phát động xây dựng mô hình chống rác thải nhựa với các hoạt động thiết thực như ký kết mô hình chống rác thải nhựa giữa Sở Tài nguyên - Môi trường, huyện đảo Cồn Cỏ, các đơn vị lữ hành du lịch hoạt động tại đảo; phát động quân dân thu gom rác thải nhựa và vệ sinh trên đảo; tập huấn chống rác thải nhựa cho cán bộ, chiến sĩ và người dân; thả con giống bổ sung nguồn lợi hải sản...
Trong thời gian tới, huyện đảo Cồn Cỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trung ương và địa phương để từng bước cải thiện hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng trên địa bàn huyện đảo, đồng thời xây dựng được nhiều mô hình mới nhằm góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường biển đảo.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, báo cáo viên đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức WWF-Việt Nam và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) trình bày các chuyên đề liên quan đến các quy định về thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; giới thiệu hiện trạng và tác động của ô nhiễm rác thải nhựa; khái quát về dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam và các hoạt động dự án do Tổ chức WWF-Việt Nam tài trợ trên địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ trong năm 2024; đồng thời giới thiệu các mô hình giảm thiểu chất thải nhựa/phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn điển hình tại các địa phương như Thái Bình, Lâm Đồng, Bạc Liêu.
Trong đó, đã đề xuất mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đảo Cồn Cỏ bao gồm các công đoạn: phân loại rác tại hộ gia đình; tận dụng chất thải thực phẩm làm phân compost, sản xuất khí gas sinh học hộ gia đình; tái chế rác thải nhựa và quy trình đốt chất thải vô cơ, chất thải không tái chế được.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết giao ước về tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông trên huyện đảo Cồn Cỏ và lễ bàn giao trang thiết bị của Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam cho huyện đảo Cồn Cỏ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)