Thời gian này, tình trạng thiếu lao động đang diễn ra ở các doanh nghiệp do nguồn cung phần lớn đi vào các tỉnh phía Nam và xuất khẩu lao động hoặc người lao động chỉ muốn làm công việc gần nhà khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng.
Trong đó có không ít doanh nghiệp muốn khai thác rừng sản xuất phải vào các tỉnh phía Nam hoặc ra Bắc thuê lao động với ngày công rất cao nhưng vẫn tìm không ra.
Anh Trần Văn Trọng ở thôn An Phú, xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị) là lao động phổ thông, chuyên làm nghề khai thác rừng sản xuất. Anh cho biết có nhiều doanh nghiệp mời đi khai thác rừng với tiền công mỗi ngày rất cao, nhưng anh từ chối vì đã nhận công việc khai thác rừng ở khu vực gần nhà để sáng đi, tối về. Tuy công việc này được trả ngày công thấp hơn, khoảng 400 nghìn đồng/ngày cho mỗi lao động nhưng anh Trọng cũng như nhiều người đều muốn chọn được làm việc gần nhà hơn.
Anh T. Q., chủ một doanh nghiệp ở TP. Đông Hà chuyên cung cấp lao động khai thác rừng sản xuất cho các đơn vị tại Quảng Trị thời gian này liên tục tìm lao động. Anh cho biết do lao động khai thác rừng nặng nhọc, nguy hiểm nên ít người muốn làm nghề này.
Đặc biệt khai thác rừng trồng ở khu vực xa, đường đi lại phải lội qua nhiều khe suối thì càng khó kiếm lao động hơn nữa. Thanh niên có sức khỏe phần lớn đi xuất khẩu lao động; một số người còn lại chỉ muốn làm những công việc gần nhà, nhẹ nhàng hơn. Trong lúc diện tích rừng sản xuất mỗi năm cần khai thác tại địa bàn của tỉnh là rất lớn.
Tìm lao động tại địa phương không có, anh Q. phải ra các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hợp đồng về cung cấp cho các đơn vị. Theo anh Q., bình thường các chủ thường giao khoán từng diện tích rừng nhất định với giá tiền cụ thể cho các lao động khai thác trọn gói, nếu lao động làm việc năng suất cao thì nhanh hoàn thành khối lượng được giao. Tuy giao khoán trọn gói hay thuê bằng ngày công thì các đối tác của anh phải trả trung bình 550 nghìn đồng người/ngày.
Giai đoạn này hết bão, lũ, trời bắt đầu khô ráo, giá gỗ đang khá cao, cũng là lúc các chủ rừng tranh thủ tổ chức khai thác nên cần rất nhiều lao động. Anh Q. lo vì đã hợp đồng cung cấp lao động với các chủ rừng nên ngày nào anh cũng phải tìm kiếm ở nhiều tỉnh khắp miền Trung để các chủ rừng có đủ lao động hoàn thành kế hoạch khai thác của năm và kịp giao sản phẩm cho đối tác.
Tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bến Hải, năm 2022 khai thác từ 250 đến 300 ha rừng sản xuất. Ông Hoàng Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV công ty cho biết: tình trạng khan hiếm lao động khai thác rừng xuất hiện cao nhất từ tháng 6 trở lại đây.
Công ty là một doanh nghiệp lớn về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, công ty luôn coi việc sử dụng lao động tại địa phương là trách nhiệm với cộng đồng khi tạo sinh kế ổn định cho hàng trăm người dân. Đến khi khai thác rừng trồng, công ty cũng ưu tiên cho lao động địa phương trước tiên. Nhưng hiện tại thuê lao động tại địa phương không có, nếu có người lao động chỉ chấp nhận khai thác ở những diện tích rừng phía dưới đường Hồ Chí Minh, gần nhà hơn.
Trong lúc không ít diện tích rừng sản xuất của công ty lại có vị trí nằm ở phía Tây đường Hồ Chí Minh. Tìm lao động tại địa phương không ra, công ty phải vào tận các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi thuê lao động khai thác rừng để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ của mình. Trung bình, mỗi ngày công khai thác rừng, công ty phải trả cho các lao động đến từ ngoài tỉnh 500 nghìn đồng, nhưng vẫn không nhiều người đồng ý nhận làm.
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu khai thác rừng trồng cho biết, do khan hiếm dẫn đến giá thuê lao động khai thác rừng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của đơn vị. Nếu giá bán tại nhà máy mỗi tấn gỗ 1,3 triệu đồng thì chi phí tiền công khai thác và vận chuyển đã hết 600 nghìn đồng.
Giai đoạn này giá bán tại nhà máy mỗi tấn gỗ là 1.050 nghìn đồng thì giá khai thác vận chuyển đã chiếm hơn một nửa nên các đơn vị không có lời. Nhiều chủ rừng, doanh nghiệp muốn khai thác rừng trồng trong tỉnh đang gấp rút tuyển dụng lao động thời vụ nhằm hoàn thiện các đơn hàng cuối năm. Khắc phục tình trạng này, nhiều chủ rừng, doanh nghiệp ngoài việc tuyển dụng trực tiếp tại đơn vị còn liên tục đăng tin tuyển dụng qua mạng xã hội, thông qua trung tâm dịch vụ việc làm.
Thậm chí, nhiều chủ rừng, doanh nghiệp mở rộng phạm vi tuyển dụng, tuyển dụng qua công nhân, tặng quà cho công nhân nếu giới thiệu được người lao động…Nhằm giúp doanh nghiệp gỡ khó trong công tác tuyển dụng lao động thời điểm này, các đơn vị quản lý dịch vụ việc làm cập nhật, phổ biến thông tin tuyển dụng bằng nhiều hình thức nhằm thông báo rộng rãi đến người lao động; đồng thời tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động biết đến các đơn vị khai thác rừng đang cần tuyển dụng nhưng vẫn chưa giải quyết được bao nhiêu.
Nguyên nhân khan hiếm lao động thì nhiều, nhưng các nhà quản lý cho rằng do phục hồi kinh tế sau COVID-19 khá nhanh nên hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng người lao động với số lượng lớn, nhất là lao động phổ thông nên đã hút phần lớn lao động nông thôn. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm nên mặc dù đã đưa ra mức thu nhập hấp dẫn, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khai thác rừng vẫn khó tuyển được lao động.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)