Do ảnh hưởng của không khí lạnh, những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa vừa, mưa to gây ngập úng hơn 2.000 ha lúa vụ đông xuân. Hiện tại, công tác tiêu úng bảo vệ lúa đang được nông dân và các địa phương tích cực triển khai.
Vụ đông xuân năm nay ông Nguyễn Khuynh ở Hợp tác xã (HTX) Thiện Tây, xã Hải Định, huyện Hải Lăng xuống giống 3 ha lúa. Tuy nhiên, do nằm ở vùng trũng nên sau những đợt mưa to từ ngày 14/2 đến nay, hơn 1,5 ha lúa mới gieo cấy của gia đình ông đã bị ngập sâu trong nước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Khuynh cho biết, chưa bao giờ trồng lúa lại gặp nhiều khó khăn như vụ đông xuân này. Đầu vụ thì gặp mưa lớn kết hợp với nước sông dâng cao đã làm việc tiêu thoát nước trên đồng ruộng bị ảnh hưởng nên phải đến ngày 30/1, ông mới hoàn thành việc gieo cấy, chậm hơn so với lịch thời vụ 10 ngày. Cây lúa mới bén rễ hồi xanh chưa được 20 ngày thì lại bị ngập úng.
“Vụ đông xuân năm trước gia đình tôi đã thiệt hại toàn bộ do ảnh hưởng của đợt mưa lũ bất thường cuối tháng 3/2022. Năm nay đầu vụ thì gieo chậm, giờ lại tiếp tục bị ngập úng. Do diện tích lớn nên phải phụ thuộc vào việc bơm tiêu úng của HTX để cứu lúa thôi chứ máy bơm nhỏ của gia đình không làm gì được. Hy vọng nước thoát nhanh để còn cứu được lúa chứ nếu không thì lại mất trắng”, ông Khuynh nói.
Giám đốc HTX Thiện Tây Bùi Trường cho biết, trước diễn biến bất lợi của thời tiết, HTX đã huy động toàn bộ nhân lực, máy móc tập trung gia cố hệ thống đê bao, bơm tiêu úng trên đồng ruộng nhưng do mưa lớn kéo dài, đặc biệt là trong đêm 15/2 nên hiện tại trong tổng số 195 ha lúa của HTX đã có hơn 100 ha bị ngập sâu trong nước, tập trung chủ yếu ở các diện tích gieo muộn. Những diện tích còn lại cũng đã ngập từ 1/2 - 2/3 cây lúa.
Theo ông Trường, khó khăn lớn nhất hiện nay là do mực nước sông dâng cao trong khi một số tuyến đê bao của HTX bị hư hỏng, xuống cấp nên các trạm bơm không thể hoạt động hết công suất do sợ đê bao bị vỡ.
“Nếu trời ngớt mưa thì dự kiến trong khoảng 4 - 5 ngày tới, chúng tôi tiêu úng được hết những diện tích bị ngập. Tuy nhiên, do bị ngập nước nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cũng như gieo cấy vụ hè thu là rất cao”, ông Trường cho biết thêm.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định Bùi Như Lộc thông tin, vụ đông xuân này toàn xã gieo cấy được 775 ha lúa, cây lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Mặc dù đã tích cực chỉ đạo các HTX chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nhưng do mưa lớn nên vẫn có khoảng 250 ha lúa bị ngập, chủ yếu là ở các vùng thấp, nguy cơ thiệt hại rất cao.
Theo ông Lộc, đáng ngại nhất hiện nay là nước sông Ô Lâu bên ngoài đê bao đang cao hơn so với đồng ruộng khoảng 0,5 m. Do vậy, cùng với việc huy động các trạm bơm điện cỡ lớn, lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến để bơm tiêu úng, xã đang gia cố, đắp cao các tuyến đê bao nhằm không để nước sông tràn vào đồng ruộng.
Tại xã Hải Dương, hàng chục người dân và 2 máy múc đang tập trung sửa chữa đoạn đê bao bị vỡ vào tối ngày 15/2. Phó Chủ tịch UBND xã Võ Trung Hiếu cho biết, nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ, chăm sóc tốt nên hơn 906 ha lúa toàn xã đang phát triển tốt.
Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, từ chiều ngày 14/2, UBND xã đã chỉ đạo các HTX tập trung bơm tiêu úng cho đồng ruộng. Tuy nhiên do mưa lớn kéo dài nên toàn xã vẫn có hơn 480 ha bị ngập sâu trong nước. Nặng nhất là HTX Xuân Viên toàn bộ 130 ha, HTX Diên Khánh 160 ha…
Mưa lớn, nước dâng cao cũng đã làm một đoạn đê bao dài khoảng 6 m ở HTX Diên Khánh bị vỡ. Theo ông Hiếu, cùng với việc xả các cống thoát ở những nơi có điều kiện, xã đã huy động tổng lực 6 trạm bơm điện để bơm tiêu úng. Nếu thời tiết tốt thì dự kiến sau khoảng 3 - 4 ngày sẽ tiêu úng được toàn bộ diện tích đồng ruộng bị ngập.
Ông Hiếu cũng đề xuất huyện, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ thêm tiền điện bơm tiêu úng cho các HTX do vụ đông xuân năm nay các trạm bơm điện phải hoạt động liên tục. Tiếp tục sửa chữa, nâng cấp những đoạn xung yếu trên tuyến đê bao nhằm giúp nông dân yên tâm sản xuất, hạn chế thiệt hại do thiên tai trong điều kiện ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như hiện nay.
Theo thống kê của UBND huyện Hải Lăng, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 14/2 đến nay trên địa bàn huyện đã có mưa to, gây ngập úng hơn 1.850 ha lúa, tập trung chủ yếu ở các xã vùng trũng như Hải Dương 480 ha, Hải Định 250 ha, Hải Trường 170 ha, Hải Phong 510 ha, thị trấn Diên Sanh 125 ha…
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, nhằm chủ động ứng phó, bảo vệ tốt nhất cho cây trồng vụ đông xuân, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường thăm đồng, kiểm tra tình hình ngập úng trên đồng ruộng. Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, tình hình nước từ thượng nguồn đổ về để chủ động ứng phó.
Bố trí người túc trực để điều tiết kịp thời các phai, cống mở nước…; gia cố các đoạn đê xung yếu, đặc biệt là các tuyến đê cát. Huy động tổng lực các trạm bơm để tiêu úng một cách nhanh nhất, không để cây lúa bị ảnh hưởng đến sinh trưởng.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bùi Phước Trang thông tin, mưa lớn những ngày qua đã làm khoảng 2.000 ha lúa vụ đông xuân bị ngập úng, tập trung tại 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong, trong đó nặng nhất là huyện Hải Lăng với hơn 1.850 ha. Hiện tại cùng với gia cố đê bao, các địa phương đang huy động các trạm bơm điện và lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến để đẩy nhanh việc tiêu úng một cách sớm nhất.
Chi cục cũng đã tăng cường bố trí cán bộ phụ trách địa bàn tổ chức kiểm tra, đánh giá thiệt hại do ảnh hưởng ngập úng; hướng dẫn cách chăm sóc để cây lúa phục hồi, rút ngắn thời gian sinh trưởng. “Sau khi nước rút, nông dân cần chủ động kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sinh trưởng của cây lúa và phát sinh các đối tượng sâu bệnh để phun trừ kịp thời. Tiến hành bón phân thúc đẻ nhánh khi lúa đã hồi phục”, ông Trang lưu ý thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)