Thực trạng hai bên bờ sông Thạch Hãn đoạn từ hạ lưu tràn xả lũ Nam Thạch Hãn đến cầu đường sắt bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng khiến người dân sống quanh khu vực này rất bất an, lo lắng. Để đảm bảo ổn định cho người dân sinh sống, sản xuất, cần tập trung nghiên cứu giải pháp mang tính bền vững, đáp ứng nhu cầu phòng, chống thiên tai cũng như tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Không phải đến khi xảy ra sự cố sạt lở, sụt lún tại địa bàn thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị vào giữa tháng 10/2022 làm đổ sập, hư hại hoàn toàn 3 nhà, 2 quán kinh doanh và 1 người chết, tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn qua khu vực này mới được người dân thực sự “kêu cứu”.
Từ nhiều năm nay, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, các kỳ họp HĐND tỉnh, chính quyền và người dân địa bàn các thôn Như Lệ, Tân Mỹ, xã Hải Lệ, phường An Đôn, Phường 1, thị xã Quảng Trị cũng như thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng sạt lở bờ sông đe dọa đến đời sống, sản xuất của Nhân dân.
Bí thư Thị ủy Quảng Trị Văn Ngọc Lãm cho biết: “Thực trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn đã diễn ra nhiều năm, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, đặc biệt đã có sự cố sụt lún xảy ra gây chết người. Do đó, địa phương mong muốn tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn xây dựng kè bờ sông ở một số khu vực như xã Hải Lệ, phường An Đôn, Phường 1, giảm nguy cơ sạt lở. Đồng thời đề nghị quan tâm triển khai các dự án di dân ở những khu vực nguy cơ cao này để người dân sớm ổn định cuộc sống”.
Sau khi sự cố sạt lở bờ sông gây chết người xảy ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá hiện trạng các tuyến kè và thực trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn từ hạ lưu tràn xả lũ Nam Thạch Hãn đến cầu đường sắt.
Kết quả đợt kiểm tra, đánh giá cho thấy, dọc sông Thạch Hãn đoạn qua xã Hải Lệ, các điểm sạt lở kéo dài từ điểm đầu thôn Tân Mỹ đến điểm cuối giáp Phường 1, thị xã Quảng Trị nằm ở phía Bắc đường Nguyễn Hoàng với tổng chiều dài toàn tuyến là 6 km. Có 89 hộ với 245 nhân khẩu ở khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở. Trong đó, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, đối diện UBND xã Hải Lệ đến cầu Đúc, tình trạng sụt lún, sạt lở tiếp tục xuất hiện với tổng chiều dài 2 km.
Có nhiều điểm sạt lở, sụt lún nghiêm trọng ảnh hưởng đến 56 hộ dân và tuyến đường Nguyễn Hoàng. Đây cũng là huyết mạch giao thông đi lại trong vùng và đặc biệt là tuyến đường phục vụ cứu hộ, cứu nạn cho cụm đầu mối công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn.
Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ từ hạ lưu tràn xả lũ đến bãi soi Như Lệ sạt lở khoảng 1 km, ảnh hưởng trực tiếp đến 25 ha đất nông nghiệp, 5 nhà dân, 30 thửa đất ở và kênh chính Nam Thạch Hãn.
Tại Khu phố 1, phường An Đôn, bờ tả sông Thạch Hãn bị sạt lở gần 1 km. Ngoài ra, tại thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, bờ tả sông Thạch Hãn bị sạt lở gần 1 km, làm ảnh hưởng tới đất nông nghiệp và nguy cơ ảnh hưởng đến trụ điện của đường dây điện 500 kV (cách bờ sông Thạch Hãn khoảng 80m).
Sông Thạch Hãn có chiều dài 155 km với 37 phụ lưu, là con sông có lưu vực lớn nhất tỉnh. Trong đó đoạn từ hạ lưu tràn xả lũ Nam Thạch Hãn đến cầu đường sắt có chiều dài khoảng 8 km, đi qua địa phận xã Hải Lệ, phường An Đôn, Phường 1 của thị xã Quảng Trị và xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong.
Theo đánh giá, địa chất 2 bên bờ sông yếu, độ dốc sông lớn và có nhiều đoạn uốn cong, trong khi các tuyến kè được đầu tư manh mún, chắp vá, không đồng bộ. Vì vậy, từ năm 1978 đến nay, nhiều vị trí bờ sông bị sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 80- 200m, hiện nay có đoạn cách mép đường Nguyễn Hoàng khoảng 2-2,5m.
Ngay sát bờ sông đoạn đi qua địa phận xã Hải Lệ và Phường 1, thị xã Quảng Trị, mật độ dân cư sinh sống tương đối lớn, người dân mưu sinh nhờ vào buôn bán và sản xuất nông nghiệp tại các bãi đất ven sông.
Thời gian qua, để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn từ hạ lưu tràn xả lũ Nam Thạch Hãn đến cầu đường sắt, UBND tỉnh đã huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau ưu tiên khắc phục, trong đó đã phân bổ từ nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai các năm 2017, 2020 để đầu tư xây dựng một số tuyến kè xử lý các vị trí sạt lở xung yếu, cấp bách.
Tuy nhiên do điều kiện nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn vốn hỗ trợ của trung ương nên việc đầu tư chủ yếu ưu tiên giải pháp gia cố chân kè tạm thời, thiếu tính tổng thể, đồng bộ, không đảm bảo bền vững, lâu dài.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép vẫn còn xảy ra cũng là nguyên nhân khiến bờ sông ngày càng sạt lở nặng.
Anh Lê Văn Phú, thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị chia sẻ: “Hầu như ngày nào cũng có tàu hút cát hoạt động, kể cả nơi được cấp phép lẫn nơi không được cấp phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông. Người dân địa phương đã phản ánh nhiều, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, trên sông Thạch Hãn đoạn từ hạ lưu tràn xả lũ Nam Thạch Hãn đến cầu đường sắt có 4 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi.
Hiện tại, 3 đơn vị là Hợp tác xã Sản xuất vật liệu xây dựng và Khai thác cát, sỏi Như Lệ, Công ty Cổ phần Thiên Phú, Công ty TNHH MTV Dịch vụ số 1 Thành Thành Công đã hết hạn giấy phép khai thác. Chỉ giấy phép cấp cho Công ty TNHH MTV Lý Len khai thác tại thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đang còn hiệu lực.
Vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND thị xã Quảng Trị và UBND huyện Triệu Phong tuyên truyền, vận động người dân di dời ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm kể cả trong điều kiện thời tiết bình thường, đặc biệt khu vực sạt lở tại xã Hải Lệ. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng sạt lở để có phương án xử lý trước mắt cũng như lâu dài.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, rà soát việc phân cấp quản lý, xử lý sạt lở bờ sông đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí xây dựng các công trình để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông theo đúng quy định, mang tính tổng thể, đồng bộ, đảm bảo bền vững, lâu dài và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra hoạt động của các dự án khai thác cát sỏi trên sông Thạch Hãn. Tiến hành đánh giá tác động của việc khai thác cát sỏi đến môi trường và dòng chảy, từ đó có phương án điều chỉnh, xử lý phù hợp trong thời gian tới.
Tổ chức quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác cát sỏi trên sông Thạch Hãn đoạn từ hạ lưu tràn xả lũ Nam Thạch Hãn đến cầu đường sắt nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý các phương tiện khai thác cát, sỏi trên sông để đảm bảo việc tổ chức khai thác đúng phạm vi, đúng khu vực được cấp phép.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)