Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã phát sinh, lây lan nhanh, diễn biến rất phức tạp. Trong điều kiện thời tiết nắng ấm, các loại côn trùng và động vật trung gian truyền bệnh hoạt động mạnh nên nguy cơ bệnh tiếp tục lây lan trong thời gian tới là rất cao. Ngành nông nghiệp và các địa phương đang khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.
Tính đến hết ngày 19/4/2021, huyện Vĩnh Linh có 15 xã với 77 thôn có gia súc mắc VDNC. Gia đình ông Nguyễn Khắc Định, ở Khu phố 7, thị trấn Hồ Xá nuôi 3 con bò thì đã có 2 con bị VDNC. Trước đó, khi được khuyến cáo dịch bệnh xảy ra ở một số xã trên địa bàn huyện, ông Định cũng đã chủ động vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tuy nhiên số bò nuôi nhốt của gia đình vẫn bị nhiễm bệnh. Ông Định cho biết: “Khi phát hiện bò có dấu hiệu bị VDNC, tôi đã báo cáo với cán bộ thú y cơ sở, thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng… theo hướng dẫn của cơ quan chức năng”.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, lũy kế đến ngày 19/4/2021, đã có 43 xã, phường, thị trấn tại 6 huyện: Vĩnh Linh (15 xã), Gio Linh (15 xã), Cam Lộ (5 xã), Triệu Phong (5 xã), Hướng Hóa (1 xã), thành phố Đông Hà (2 phường) với tổng số 758 con trâu, bò mắc bệnh VDNC.
Tại xã Vĩnh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Thị Thu Minh thông tin, tổng đàn gia súc hiện có của xã là 900 con. Dịch bệnh VDNC đã xuất hiện tại 6 thôn với 18 hộ chăn nuôi gia súc. UBND xã đã cử cán bộ chuyên môn tăng cường tuyên truyền cho người dân về tình hình dịch bệnh, triệu chứng, mức độ lây lan, tổ chức tiêu hủy đối với gia súc bị mắc bệnh. Tuy nhiên đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế, người chăn nuôi trông chờ có vắc xin để tiêm phòng cho đàn gia súc phòng tránh dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho đàn vật nuôi.
Dịch bệnh đã gây chết và buộc phải tiêu hủy 19 con bò. Đặc biệt, tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh tái phát dịch sau hơn 3 tháng không còn gia súc mắc bệnh đối với đàn gia súc không chấp hành việc tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng bệnh VDNC trong tháng 1/2021. Trong thời gian tới, với điều kiện thời tiết nắng ấm, các loại côn trùng và động vật trung gian truyền bệnh phát sinh mạnh là nguy cơ khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh.
VDNC trên trâu, bò là loại dịch bệnh mới, khả năng lây nhiễm lớn nên các ngành, địa phương cần nhanh chóng vào cuộc, tăng cường phối hợp, triển khai các biện pháp cần thiết để phòng chống, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết, sở đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC. Trong đó, cần tập trung rà soát, thống kê tổng đàn trâu, bò ở các địa phương để quản lý, giám sát và triển khai tiêm phòng vắc xin bao vây chống dịch theo kế hoạch tiêm phòng khẩn cấp chống dịch VDNC của Sở Nông nghiệp và PTNT. UBND tỉnh đã cấp kinh phí để ngành nông nghiệp đăng ký mua 50.000 liều vắc xin phòng VDNC trâu, bò, dự kiến cuối tháng 4/2021 sẽ có đủ để tiêm cho khoảng 80% tổng đàn gia súc trong diện tiêm phòng.
Trước mắt, đối với các địa phương có các ổ dịch VDNC trên trâu, bò, cần thực hiện công bố dịch theo quy định, tập trung nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, dây dưa kéo dài. Tổ chức cách ly tuyệt đối số trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh để quản lý và hướng dẫn chăm sóc, chữa trị. Ngoài phun tiêu độc khử trùng, biện pháp phòng, chống bệnh tốt nhất là các hộ chăn nuôi trâu, bò cần chủ động mua thuốc phun diệt muỗi, ve, ruồi xung quanh khu vực chăn nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động hành nghề thú y và buôn bán, vận chuyển, giết mổ trên địa bàn.
Các địa phương cần có phương án bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh VDNC, đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 90% số gia súc thuộc diện tiêm phòng. Tăng cường công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ trâu, bò, không sử dụng sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Thời điểm này, các hộ tại vùng có dịch không được chăn thả rông trâu, bò. Đối với các vùng chưa xuất hiện dịch bệnh, người chăn nuôi cần hạn chế việc chăn thả rông, chủ động nguồn thức ăn tại chỗ cho trâu, bò. Chủ động thực hiện việc vệ sinh, phun hóa chất sát trùng, thuốc diệt côn trùng tại chuồng, khu vực chăn nuôi thường xuyên, đồng thời chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn trâu, bò. Ngành nông nghiệp và các địa phương tăng cường phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân hiểu về căn bệnh và cách phòng tránh, không hoang mang, dẫn đến việc bán tháo, giết mổ trâu, bò, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm từ thịt, việc mua bán trâu, bò từ các địa phương khác tới nhằm quản lý tốt công tác phòng dịch.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)