Khó khăn trong công tác di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở

Thanh Trúc |

Quảng Trị là một trong những tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là những năm gần đây xảy ra nhiều sự cố lũ lụt, sạt lở đất. Những năm qua, công tác cảnh báo, di dời dân khỏi vùng có nguy cơ cao đã được quan tâm, nhưng vì nhiều nguyên nhân, công tác di dời dân từ những vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Khẩn cấp di dời dân

Sau sự cố sạt lở đất kinh hoàng tại thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa xảy ra vào tháng 10/2020 khiến một gia đình 6 người bị vùi lấp, những ngày này các hộ dân trên địa bàn xã Húc đang rất lo lắng bởi xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao. Có ba thôn là Tà Rùng, Cu Dong và thôn Ta Núp với 18 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm cần được di dời khẩn cấp. Phó Chủ tịch UBND xã Húc Hồ Văn Trọn cho biết: “Nhận thấy tình hình khu vực hai thôn này xuất hiện nhiều điểm nguy cơ sạt lở cao, chính quyền xã đã vận động các hộ dân làm chòi tạm cách xa khu vực có nguy cơ để đảm bảo an toàn tính mạng, hiện có 6 hộ dân đã chấp hành. Việc di dân ra khỏi khu vực ba thôn Tà Rùng, Ta Núp và Cu Dong là rất cấp thiết, tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là chưa chọn được địa điểm phù hợp để thực hiện công tác tái định cư cho 18 hộ dân”.

Sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Hướng Phùng khiến 22 người thiệt mạng - Ảnh: T.T​
Sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Hướng Phùng khiến 22 người thiệt mạng - Ảnh: T.T​

Thực hiện công tác di dân giai đoạn 2016-2020, những năm qua tỉnh Quảng Trị đã bố trí ổn định nơi ở mới cho 295 hộ (bình quân 60 hộ/năm), di dân 81 hộ vùng biên giới, 204 hộ vùng thiên tai (sạt lở, lũ quét)… Trên cơ sở đã rà soát bổ sung, đến năm 2025, toàn tỉnh có 2.746 hộ/10.984 nhân khẩu cần di dời (bình quân 550 hộ/năm). Trong đó, có bổ sung thêm 1.396 hộ/5.584 nhân khẩu phát sinh sau đợt mưa lũ vừa qua cần bố trí người dân đến nơi ở an toàn, tập trung chủ yếu ở 4 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Triệu Phong, Vĩnh Linh.​ 

Mới đây, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Hướng Hóa và UBND xã Húc kiểm tra, xác minh thực địa tại địa điểm sạt lở ở ba thôn nói trên. Đoàn kiểm tra nhận thấy nguy cơ sạt lở đất là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến 18 hộ dân sống dọc tuyến đường chính vào xã và dưới chân núi. Từ kiến nghị của sở, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương di dời khẩn cấp 18 hộ ở ba điểm thôn nói trên đến nơi ở mới an toàn. Đồng thời giao UBND huyện Hướng Hóa chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát, hoàn thiện thủ tục và bố trí quỹ đất để thực hiện việc di dân khẩn cấp.

Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 30.000 hộ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó có khoảng 10.000 hộ nằm trong diện nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi, tập trung tại các huyện: Vĩnh Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Đakrông và Hướng Hóa. Đặc biệt trong đợt lũ lụt vừa qua, trên địa bàn huyện Hướng Hóa xảy ra nhiều điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở đe dọa đến tính mạng người dân. Tại 3 xã Hướng Sơn, Hướng Lập và xã Húc, có tổng cộng 39 hộ, 190 nhân khẩu cần di dời khẩn cấp. Đối với những vùng có nguy cơ cao này, không thể chậm trễ việc di dời dân đến nơi ở an toàn để đảm bảo tính mạng bởi thực tế tại các địa phương đã xảy ra những vụ việc đau lòng liên quan đến sạt lở đất, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng 2 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng kiêm nhà mẫu giáo, 4 công trình đường giao thông, 2 hệ thống nước sinh hoạt và 2 dự án di dân tập trung ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị và xã Tà Rụt, huyện Đakrông, phục vụ cho người dân đến ổn định đời sống tại nơi ở mới.

Cần nguồn vốn lớn

Thiếu vốn là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều dự án di dân, tái định cư chậm tiến độ thực hiện hoặc trở thành dự án “treo”. Đơn cử như đối với dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư 39.165 triệu đồng, đến nay vốn trung hạn trung ương đã cấp đủ 27.416 triệu đồng, riêng vốn địa phương chưa bố trí. Tiến độ dự án thực hiện được khoảng 85%, hiện còn khoảng 15% khối lượng công trình để hoàn thành dự án bàn giao cho địa phương thực hiện công tác bố trí dân cư trong năm 2021. Ngoài ra, có hai dự án chưa được thực hiện là dự án khẩn cấp tránh lũ và chống sạt lở khu vực bờ sông Sa Lung, ổn định dân cư xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, dự án ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện Quảng Trị. Nguyên nhân là tỉnh đề xuất trung ương nhiều lần nhưng không được phân bổ nguồn vốn.

Khó khăn lớn nhất đối với việc thực hiện công tác di dân, tái định cư của tỉnh là tiến độ đầu tư không đáp ứng theo quy hoạch tổng thể, bình quân chỉ đạt 20-30% nhu cầu bố trí ổn định dân cư trên toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Một số vùng còn thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt... nên việc bố trí kế hoạch tiếp nhận dân đạt tỉ lệ thấp. Diễn biến thiên tai ngày càng bất thường, nhu cầu bố trí dân cư phòng tránh thiên, tai đặc biệt là các hộ ven biển, vùng ngập lụt và vùng sạt lở đất còn rất nhiều trong khi nguồn vốn bố trí của nhà nước hằng năm quá thấp. Một số nơi đã linh hoạt áp dụng huy động các nguồn lực khác cùng tham gia vào chương trình, song hầu hết các huyện nghèo khu vực miền núi chủ yếu vẫn trông chờ vào ngân sách đầu tư của trung ương.

Đối với các dự án có tính đặc thù, khẩn cấp để đầu tư bền vững, phát huy hiệu quả, đáp ứng kịp thời cho công tác di dời dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, tỉnh rất cần trung ương tiếp tục cấp kinh phí hỗ trợ cho các dự án hoàn thành đúng tiến độ; hỗ trợ ban hành gói chính sách cho người dân vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài hạn để cải tạo, nâng cấp nhà ở theo mô hình nhà chống lũ với phương châm nhà nước và Nhân dân cùng làm. Ngoài nguồn vốn trung ương hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ thêm để các hộ có điều kiện xây dựng nhà ở.

Các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động Nhân dân chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, bố trí quỹ đất phù hợp để ổn định cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ cho người dân. Chính quyền cấp xã thường xuyên rà soát, cập nhật các điểm có nguy cơ sạt lở đất, núi, sông... kịp thời đưa dân đến nơi an toàn nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Bố trí, lồng ghép kinh phí các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, công trình cộng đồng... phục vụ đời sống người dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Kịp thời cảnh báo, hàng chục người thoát hiểm do sạt lở núi

Đoàn Hữu Trung |

Nhờ bộ phận cảnh giới kịp thời thông báo nên toàn bộ lực lượng tham gia tìm kiếm và lực lượng san ủi đất đá dưới nền đường khu vực xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam kịp thời thoát hiểm.

Quảng Trị: Nổ lớn kèm sạt lở trên núi, người dân hoảng hốt chạy khỏi nhà

HƯNG THƠ |

Nửa tháng trước, nghe tiếng nổ và sạt lở ở trên núi là cả thôn Hồ (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) dìu nhau chạy ra khỏi các căn nhà. Nhưng tiếng nổ phát ra nhiều lần, dù vẫn nơm nớp sợ nhưng bây giờ họ chủ quan không rời nhà nữa.

Qua vùng sạt lở đất

Minh Tuấn |

Ngày 11/11/2020, dù lượng mưa không đáng kể, nhưng nước từ thượng nguồn của sông, suối trên tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện Đakrông và Hướng Hoá (Quảng Trị) vẫn đổ mạnh gây tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở đất. Nhiều điểm trên tuyến đường này bị sạt lở nặng, một số điểm chưa được thông tuyến gây ách tắc trong nhiều giờ. Từ vùng đất đá tan hoang sau sạt lở, người dân bắt đầu tái thiết cuộc sống mới với bao khó khăn vất vả. Chúng tôi đã có mặt tại một số địa phương bị thiệt hại nặng do lở đất và ghi nhận bằng một số hình ảnh.

Cảnh bão lũ, sạt lở đất tại Quảng Trị

Nguyên Lý |

Ngày 11/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to khiến lũ trên các sông đang lên, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Dự báo, trên địa bàn Quảng Trị tiếp tục có mưa to đến rất to tới ngày 12/11.