Công trình Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên được khởi công xây dựng vào đầu tháng 3/2019 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư. Công trình có thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống, mái lợp ngói ba gian, gồm: gian thờ và nghi thức; gian trưng bày tác phẩm, hiện vật của nhà thơ Chế Lan Viên và gian trưng bày các tác phẩm nghiên cứu, phê bình viết về nhà thơ. Phía trước nhà lưu niệm có tiền đình và các hạng mục phụ trợ khác như sân vườn, cây xanh… Tổng mức đầu tư công trình 3,6 tỉ đồng, trong đó 30% ngân sách tỉnh, 20% ngân sách huyện Cam Lộ, còn lại 50% từ nguồn vận động xã hội hóa.
“Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ” Quảng Trị anh hùng, Chế Lan Viên đã đưa hình ảnh Tổ quốc - quê hương - mẹ lồng vào nhau qua những trang thơ của mình một cách tha thiết, đau đáu, làm nên không gian nghệ thuật đặc sắc. Từ khi đến với cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp, dấu chân của nhà thơ Chế Lan Viên in đậm suốt cả vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh đến Bình - Trị - Thiên, nhất là quê mẹ Quảng Trị. Hình ảnh quê hương nghèo khó, gió Lào, cát trắng và hình bóng mẹ lam lũ, tảo tần sớm hôm trên đá sỏi, cây cằn luôn trở về thao thiết trong tâm trí và trang viết của ông.
Xuất phát từ tấm lòng tha thiết của nhà thơ với quê cha đất tổ, việc xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên tại làng An Xuân, xã Thanh An, huyện Cam Lộ là dựng lại một nơi nhớ của Chế Lan Viên với bóng dáng vườn mẹ yêu thương, với dư vị canh khế cá tràu da diết và cả ngọn gió Lào ám ảnh nghèo khó trong thơ ông. “Khu đất xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên nằm ở vị trí “đắc địa” giữa miếu thành hoàng làng An Xuân và Nhà văn hóa cộng đồng làng. Rồi mai đây, các hoạt động văn hóa lễ hội được tổ chức đan xen, cộng hưởng sẽ tạo thêm sinh khí không gian văn hóa làng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho làng quê nông thôn mới. Từ đó, có một nơi để nhớ về Chế Lan Viên “trên đất quê hương mang hình bóng mẹ”, một địa chỉ bảo tồn, phát huy di sản văn học to lớn của nhà thơ để lại; nơi tổ chức giảng dạy, học tập ngoại khóa của các nhà trường; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn học, Ngày thơ Việt Nam, bình thơ; một điểm tham quan, du lịch văn hóa thân thuộc; nơi “đất đã hóa tâm hồn” như thơ Chế Lan Viên từng viết” - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Dùng, chia sẻ.
Chế Lan Viên (1920-1989) là nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại, là nhà văn hóa tiêu biểu, người có công rất lớn hiện đại hóa nền thơ ca Việt Nam. Tên thật của ông là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23/10/1920, quê làng An Xuân, xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Với bút lực đa tài, ngoài thơ ông còn viết văn, nghiên cứu - phê bình văn học uyên bác. Ghi nhận, tôn vinh những đóng góp đổi với đất nước và văn học nghệ thuật, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Độc lập hạng Hai, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1). Tại Quảng Trị, tên ông được đặt cho một số tuyến đường, trường học và giải thưởng Chế Lan Viên về văn học nghệ thuật của tỉnh Quảng Trị.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn, khu đất xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên được huyện Cam Lộ đưa vào quy hoạch, giữ gìn và bảo vệ cách đây hơn 10 năm. Để có được khu đất xây dựng nhà lưu niệm “đắc địa” sát bên đường Xuyên Á, nằm giữa miếu thành hoàng làng và nhà văn hóa cộng đồng thôn là cả một quá trình làm việc rất trách nhiệm với tình cảm và quyết tâm lớn từ lãnh đạo huyện đến bà con nhân dân làng An Xuân, mong muốn trên quê hương sản sinh ra nhà thơ Chế Lan Viên tài hoa và trí tuệ của nền văn học Việt Nam hiện đại, có một không gian nhớ về nhà thơ, tôn vinh xứng đáng những cống hiến của ông cho đất nước và cho nền thơ ca Việt Nam.
Vào tháng 5/2020, công trình hoàn thành phần xây lắp và bàn giao cho UBND huyện Cam Lộ quản lý. Phần trưng bày bên trong được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị sưu tầm, trưng bày đến nay cơ bản hoàn thành để đưa vào sử dụng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Chế Lan Viên.
Để khai thác, sử dụng hiệu quả công trình Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên, huyện Cam Lộ có chủ trương hỗ trợ kinh phí cho dòng họ Phan của nhà thơ Chế Lan Viên ở làng An Xuân, xã Thanh An quản lý bảo vệ, chăm sóc công trình. Phòng Văn hóa huyện Cam Lộ xây dựng kế hoạch khai thác, lồng ghép tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ với phát triển du lịch tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, thân thế sự nghiệp và vùng đất sản sinh ra nhà thơ tài hoa Chế Lan Viên. Đây sẽ là thiết chế văn hóa mới, phục vụ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và khai thác phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)