Không ngừng nâng cao mức sống cho người dân Triệu Phong

Xuân Vinh |

Dẫu phía trước còn nhiều việc phải làm để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội nhưng những kết quả đạt được của huyện Triệu Phong (Quảng Trị) thời gian qua luôn là nguồn động viên to lớn để cấp ủy, chính quyền và người dân tiếp tục nỗ lực xây dựng quê hương phát triển. 

Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 12/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các xã còn lại đạt 16 tiêu chí trở lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 năm trở lại đây luôn đạt 11,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tỉ trọng ngành nông- lâm- ngư nghiệp giảm còn 24,1%, công nghiệp (CN)- xây dựng tăng lên 36,36%, thương mại- dịch vụ tăng lên 39,54%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52,5 triệu đồng/năm, tăng hàng chục lần so với năm 1990, năm đầu tiên huyện Triệu Phong được lập lại.

Người dân xã Triệu Vân trồng cây mướp đắng trên đất cát cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: N.V​
Người dân xã Triệu Vân trồng cây mướp đắng trên đất cát cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: N.V​

Để đạt được kết quả đó, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Văn Linh cho biết, trên cơ sở thế mạnh của từng vùng, huyện tích cực chuyển đổi hình thức sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như mô hình lúa theo hướng canh tác tự nhiên, sản xuất lúa hữu cơ và bán hữu cơ, mô hình canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Vùng gò đồi, diện tích rừng sản xuất kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang một số loại cây trồng mới như dứa nguyên liệu, cây dược liệu, na Thái Lan, sâm Bố Chính. Vùng ven biển, cùng với mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, huyện Triệu Phong chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ để nuôi tôm cao triều vùng bãi ngang, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm theo hình thức ương nuôi 2 giai đoạn; chuyển đổi cây trồng phù hợp trên vùng cát như ném, kiệu, mướp đắng, đậu đen xanh lòng. Một số sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tiêu biểu như gạo sạch Triệu Phong của Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP cấp tỉnh đạt hạng sản phẩm 4 sao, dưa hấu Long Quang, gà sạch Triệu Thượng, đậu đen xanh lòng Triệu Vân đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể. Năng suất lúa hiện nay đạt 56,5 tạ/ha, tăng gấp 1,54 lần so với năm 1991, sản lượng lương thực đạt trên 65.000 tấn, tăng gấp 2,16 lần so với năm đầu lập lại huyện.

Trên lĩnh vực CN- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ, huyện Triệu Phong đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh xây dựng cụm CN, làng nghề truyền thống thu hút nhà đầu tư đến sản xuất- kinh doanh. Đến nay, huyện đã thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đưa vào khai thác các cụm, điểm CN, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác khuyến công được tăng cường, các ngành nghề, làng nghề truyền thống tiếp tục được duy trì và tăng trưởng. Hiện nay, trên địa bàn có hơn 110 doanh nghiệp, hơn 1.000 hộ kinh doanh cá thể, thu hút hàng ngàn lao động.

Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Văn Linh cho biết thêm, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, thời gian qua, huyện Triệu Phong tích cực phối hợp với các ngành chức năng thực hiện quản lý theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và quy hoạch chi tiết giai đoạn 2 được phê duyệt. Chủ động phối hợp thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến thăm dò, khảo sát nên đã có nhiều nhà đầu tư đến khu kinh tế này, trong đó có dự án đã khởi công như bến cảng CFG Nam Cửa Việt, kho xăng dầu Việt- Lào, hệ thống cấp nước Khu kinh tế Đông Nam.

Trong thời gian tới, huyện Triệu Phong phấn đấu phát triển đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 13- 14%, trong đó nông- lâm- ngư nghiệp tăng 4- 4,5%, CN - xây dựng tăng 16- 17%, thương mại- dịch vụ tăng 15- 16%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 80- 85 triệu đồng. 100% xã đạt chuẩn NTM, huyện Triệu Phong đạt chuẩn NTM trước năm 2025; có 3- 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 70 - 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 33%. Hằng năm tạo việc làm mới cho 1.800 - 2.000 lao động...

Để đạt được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong chú trọng phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Xây dựng hạ tầng cụm, điểm CN để đẩy nhanh tốc độ phát triển CN, thương mại- dịch vụ. Tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế vùng ven biển. Huy động hiệu quả nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông và thủy lợi. Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ. Theo đó, huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo sản xuất các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh liên kết hóa, doanh nghiệp hóa trong tất cả các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý và tập trung khai thác hiệu quả các cụm, điểm CN và làng nghề trên địa bàn huyện. Tích cực phối hợp, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư triển khai các dự án tại Khu kinh tế Đông Nam.

Bên cạnh đó, tập trung thu hút các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thương mạidịch vụ đã quy hoạch. Phát triển thương mại- dịch vụ dọc Quốc lộ 1, Quốc lộ 49C, khu vực phía Đông thị trấn Ái Tử. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng chợ nông thôn. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hướng mở để phát triển lúa theo canh tác tự nhiên ở Triệu Phong

Xuân Vinh |

Triệu Phong (Quảng Trị) là huyện thuần nông có diện tích trồng lúa hằng năm trên 11.000 ha. Tuy nhiên, với phương pháp canh tác thông thường (CTTT) nhiều nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học nên có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của con người. Năm 2015, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống cho khu vực nông thôn bằng cách hạn chế lạm dụng thuốc BVTV và sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất lúa canh tác tự nhiên (CTTN).

Gạo sạch Triệu Phong “lên ngôi”

Nhơn Bốn |

Chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai tích cực, có hiệu quả , đặc biệt là sản phẩm gạo sạch Triệu Phong (Quảng Trị) đã “lên ngôi” khi được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC chứng nhận sản xuất phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia TCVN 11041-2:2017. Đây cũng là sản phẩm gạo đầu tiên và duy nhất của tỉnh Quảng Trị đến thời điểm này được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Hỗ trợ 5 tấn lúa giống và 900 con gà giống cho người dân Triệu Phong

Cảnh Thu |

Ngày 3/12/2020, tại xã Triệu Thành (Triệu Phong, Quảng Trị), Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) phối hợp với UBND huyện Triệu Phong trao hỗ trợ 5 tấn lúa giống và 900 con gà giống cho người dân các xã Triệu Thành, Triệu Long, Triệu Sơn, Triệu Phước, Triệu Trung để chuẩn bị nguồn lúa giống sản xuất vụ đông xuân 2020 – 2021 và con giống tái chăn nuôi sau lũ lụt.

Triệu Phong tăng cường công tác phòng dịch sau lũ

Đạo Thiện |

Để bảo vệ sức khỏe và giúp người dân vùng bị ảnh hưởng do mưa lũ sớm ổn định cuộc sống, những ngày qua các đơn vị y tế trên địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã và đang tăng cường nhiều hoạt động vệ sinh môi trường, khử trùng nguồn nước; duy trì tốt các hoạt động khám chữa bệnh cho người dân.