Lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Trang |

Trong những nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao đời sống cho cộng đồng khoảng 2.700 người đồng bào dân tộc Vân Kiều hiện sinh sống tập trung tại 11 bản có tỉ lệ hộ nghèo cao thuộc 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đặc biệt chú trọng chuyển đổi sinh kế, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với nhiều mô hình phù hợp đặc thù vùng miền núi, mang lại giá trị kinh tế ổn định.


Qua nhiều năm triển khai thử nghiệm, dê núi, lợn bản, trâu, bò là những mô hình chăn nuôi được đánh giá thích hợp với thổ nhưỡng vùng miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh, tận dụng tốt địa bàn rộng để chăn thả và cả nguồn thức ăn tại chỗ. Mặt khác, các sản phẩm từ những mô hình này dễ tiêu thụ, được thị trường ưa chuộng. Nhờ đó sẽ tăng thêm thu nhập đáng kể cho những hộ dân tộc Vân Kiều nếu hoạt động chăn nuôi hiệu quả.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đình Lục chia sẻ, dựa vào thế mạnh vùng gò đồi, chăn nuôi gia súc theo quy mô hàng hóa được chính quyền cũng như đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà rất quan tâm và xem đây là một trong những hướng phát triển kinh tế mũi nhọn. Riêng năm 2021, từ kinh phí thực hiện mô hình giảm nghèo, huyện Vĩnh Linh đã hỗ trợ trên 620 triệu đồng để xây dựng thêm 15 mô hình nuôi dê núi và lợn bản ở 2 xã Vĩnh Ô và Vĩnh Khê. Huyện đang tiếp tục dự kiến nhân rộng thêm khoảng 30 mô hình trong năm 2022.

Chăn nuôi dê đang phát triển mạnh tại các địa phương miền núi huyện Vĩnh Linh - Ảnh: N.T
Chăn nuôi dê đang phát triển mạnh tại các địa phương miền núi huyện Vĩnh Linh - Ảnh: N.T

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng cho biết: “Rút kinh nghiệm từ kết quả những mô hình trước, địa phương đã kiến nghị, tham mưu ngành chức năng cùng phối hợp với mỗi xã trong khâu khảo sát nhu cầu thực tế của những hộ dân đăng ký, nhất là về nhân lực, điều kiện chuồng trại, bãi chăn thả. Con giống được phân bổ hoặc người dân tự tìm nguồn cung cấp thì đều phải qua kiểm định thú y chặt chẽ, đảm bảo cả về trọng lượng và chất lượng mới được thả nuôi. Đồng thời tăng cường hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, nâng cao nhận thức để người dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống. Tuân thủ ứng dụng khoa học kỹ thuật, cách phòng, trị bệnh, đặc biệt vào mùa đông, theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng để đàn vật nuôi khỏe mạnh đến thời điểm xuất bán... Chỉ có như vậy mới đạt hiệu quả thiết thực đối với từng mô hình”.

Ngoài chăn nuôi, trồng rừng là mô hình ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế ở các xã miền núi huyện Vĩnh Linh. Trồng rừng phát huy tốt điều kiện tự nhiên vùng đồi núi, mức đầu tư không cao, kỹ thuật canh tác không quá phức tạp, ít tốn công chăm sóc, bảo vệ. Huyện Vĩnh Linh đẩy mạnh giao đất rừng sản xuất, các địa phương tích cực vận động phong trào trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Ngoài dự án “Bảo vệ phát triển rừng bền vững”, 5 năm qua, huyện Vĩnh Linh phân bổ hơn 66.000 cây tràm giống; các đoàn thể trợ giúp trên 15.000 cây giống keo lai giâm hom để người dân tập trung trồng rừng. Diện tích rừng trồng ở 3 xã miền núi ngày càng được mở rộng. Chỉ tính trong năm 2021, xã Vĩnh Ô đã trồng mới được 127 ha rừng, Vĩnh Hà 110 ha và Vĩnh Khê gần 100 ha. Bên cạnh đó còn có mô hình đầu tư thâm canh cây lúa. Trước đây, do vị trí địa lý, tập quán canh tác phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên nên ở các xã miền núi Vĩnh Linh, diện tích, năng suất lúa rất thấp. Để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ cho người dân, ngoài nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, huyện Vĩnh Linh tăng cường tập huấn chuyển giao ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa nước, đưa giống lúa mới vào gieo cấy.

Người dân tích cực thực hiện biện pháp phòng, chống với những loại sâu bệnh trên cây lúa. Nhờ đó diện tích, năng suất lúa ở các xã đều tăng theo từng vụ. Nhiều nơi năng suất đạt gần 50 tạ/ ha. Vụ đông xuân 2021 - 2022, huyện Vĩnh Linh tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 3 ha tại 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà với tổng kinh phí thực hiện gần 73 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ sự nghiệp nông nghiệp gần 58 triệu đồng; người dân đối ứng 15 triệu đồng. Các mô hình phát triển theo đúng khung lịch thời vụ. Qua kết quả của những mô hình này sẽ định hướng canh tác phù hợp, khắc phục bất lợi về thổ nhưỡng vùng miền núi, từ đó vận động người dân mở rộng diện tích trồng lúa để có nguồn lương thực tại chỗ ổn định.

Triển khai ở vùng miền núi, các mô hình kinh tế mặc dù hiệu quả mang lại chưa cao so với vùng đồng bằng nhưng quan trọng là đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số chủ động áp dụng kỹ thuật, phát huy nguồn giống cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ cũng như sử dụng tối đa diện tích đất để tập trung sản xuất.

Đồng bào dân tộc thiểu số từng bước mạnh dạn đầu tư nhân rộng những đối tượng dễ nuôi trồng, thị trường đầu ra ổn định, giá cả ít biến động, tạo ra sản phẩm, hàng hóa trao đổi, mua bán, tăng thu nhập. Từ đó sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình có thu nhập khá trên địa bàn miền núi khó khăn. Thu nhập bình quân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Vĩnh Linh được nâng lên khoảng 29 triệu đồng/người/ năm. Cụ thể, Vĩnh Ô trên 20 triệu đồng/ người/năm; Vĩnh Khê hơn 27 triệu đồng/ người/năm và Vĩnh Hà khoảng 37 triệu đồng/người/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn thông tin, để tiếp tục nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Vĩnh Linh sẽ tăng cường hỗ trợ các dự án; duy trì, phát triển những mô hình sản xuất thực sự hiệu quả dựa trên thế mạnh hiện có. Trong đó chú trọng kinh tế lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc theo hướng chuyên canh. Huyện đang tiếp tục thực hiện giao khoán 4.899 ha rừng (xã Vĩnh Ô 3.126 ha và xã Vĩnh Hà 1.773 ha) cho người dân đồng bào dân tộc Vân Kiều sản xuất, quản lý và bảo vệ. Với diện tích rừng giao khoán này sẽ định hướng phát triển các loại cây dược liệu và lâm sản, kết hợp khai thác lâm sản dưới tán rừng.

Ngoài ra nghiên cứu thử nghiệm vùng sản xuất chuối. Về chăn nuôi, cùng với trâu, bò, tăng số lượng mô hình nuôi lợn rừng, lợn bản, dê theo quy mô trang trại, gia trại tạo sản phẩm đặc sản, độc đáo. Vĩnh Linh dự kiến mỗi năm trợ giúp xây dựng tối thiểu 3 mô hình với kinh phí khoảng 100 triệu đồng/ mô hình để làm điểm học tập, mở rộng; 34 mô hình, kinh phí 50 triệu đồng/mô hình, áp dụng cho các hộ nghèo có điều kiện thực hiện và khả năng thoát nghèo trong năm sau.

Đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo thêm sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân. Vĩnh Linh đề ra mục tiêu đến năm 2025, nâng mức thu nhập bình quân vùng miền núi lên 58,3 - 63,3 triệu đồng/người/năm, trong đó Vĩnh Ô 50 - 55 triệu đồng/người/năm; Vĩnh Khê 55 - 60 triệu đồng/người/năm; xã Vĩnh Hà 70 - 75 triệu đồng/người/năm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi tổng hợp

Minh Long |

Những năm gần đây, phong trào phụ nữ vượt khó vươn lên, phát triển kinh tế gia đình được nhiều chị em ở vùng khó tích cực hưởng ứng và mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Tân Hòa, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là một trong những điển hình của phong trào này.

Lợi ích kép từ mô hình liên kết chăn nuôi gà

Bảo Bình |

Mô hình liên kết chăn nuôi gà khép kín của ông Phạm Hóa, ở thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong những mô hình có quy mô lớn trong toàn tỉnh. Với việc liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (gọi tắt là Công ty Japfa) chăn nuôi gà gia công theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao đã mở ra hướng làm giàu triển vọng cho gia đình ông Hóa, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Trang trại chăn nuôi trên vùng đồi Hướng Tân

Minh Long |

Từ kiến thức tích lũy được, cùng với kinh nghiệm thực tế trồng trọt, chăn nuôi của gia đình và học hỏi thêm ở những mô hình kinh tế hiệu quả trong vùng, anh Trần Đức Thụ (sinh năm 1998), Bí thư Chi đoàn thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp bài bản, có quy mô. Chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng/năm.

Người chăn nuôi thực hiện "5 không" để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Đan Tâm |

Tỉnh Quảng Trị hiện đang bước vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa và diễn biến phức tạp. Mưa rét kéo dài đan xen những ngày nắng ấm đã tác động bất lợi đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, trong đó có con lợn.