Mang yêu thương đến với học sinh vùng khó

Thanh Hải |

Sau 3 tháng nghỉ hè, gần 30 nghìn học sinh của 63 trường học ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã bước vào năm học mới 2023-2024 với niềm phấn khởi khi cơ sở vật chất trường lớp học được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa khang trang hơn; điều kiện ăn ở, sinh hoạt và học tập ngày càng tốt hơn.

Cùng với sự chăm lo, dành nguồn lực đầu tư của tỉnh, huyện, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Hướng Hóa đã làm tốt công tác kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm tiếp sức thêm cho học sinh vùng khó, để mỗi ngày đến trường của các em thực sự là một ngày vui.

Hòa chung không khí hân hoan đón chào năm học mới, năm nay hầu hết các trường học vùng khó ở huyện Hướng Hóa đều đã kết nối trao tặng các phần quà ý nghĩa như: học bổng, cặp, sách, vở, quần áo, hỗ trợ bữa ăn bán trú tại trường... nhằm động viên học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số đến trường.

Toàn huyện có 26 trường mầm non; 11 trường tiểu học; 10 trường TH&THCS; 7 trường THCS; 2 trường PTDT bán trú THCS; 1 trường PTDT nội trú; 3 trường PTDT bán trú TH&THCS; 3 trường THPT. Thống kê từ 1/3 đến 5/9/2023, các nguồn lực xã hội hóa chia sẻ khó khăn của các trường trên địa bàn huyện Hướng Hóa lên đến trên 7 tỉ đồng.

Học sinh vận chuyển sách đến điểm trường Bản Cheng, Trường TH&THCS Tân Liên, huyện Hướng Hóa. Ảnh: N.T.H
Học sinh vận chuyển sách đến điểm trường Bản Cheng, Trường TH&THCS Tân Liên, huyện Hướng Hóa. Ảnh: N.T.H

Trong đó, một số đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm đã kết nối tổ chức các chương trình thiện nguyện giúp đỡ học sinh vùng khó với quy mô khá lớn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: CLB từ thiện Ánh Sao TP. Hồ Chí Minh đã tặng áo quần ấm, dép, khăn ấm, chăn ấm, gạo và tiền mua quà bánh cho 540 trẻ, hỗ trợ bữa ăn trưa 6000 đồng/trẻ/ngày cho 537 trẻ, với tổng số tiền gần 593 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn và áo ấm mùa đông cho 475 trẻ năm học 2023-2024 với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng.

Tổ chức Cây Hòa Bình hỗ trợ tiền ăn cho các cháu ở điểm trường của các trường mầm non như: Vành Khuyên - Lao Bảo; Hướng Linh, Tân Long, Hướng Lộc, Tân Lập, Khe Sanh, Xy, Hướng Tân, với 382 trẻ được hỗ trợ tổng số tiền gần 427 triệu đồng/năm học.

Nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024, Đồn Biên phòng Thuận phối hợp với nhóm thiện nguyện đến từ Thủ đô Hà Nội tổ chức chương trình “Cõng sách lên non” với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng, trao tặng gần 100 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 8 cho Trường THCS Thuận; 350 suất quà gồm cặp sách, vở, bút, một số dụng cụ học tập và bánh kẹo cho học sinh các trường THCS, Tiểu học, Mầm non Thuận: 35 suất quà cho các hộ nghèo, các cháu thuộc chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi biên phòng”.

Đồn Biên phòng Thanh kết nối với các nhà hảo tâm tổ chức chương trình vui trung thu cho thiếu nhi nhân dịp tết Độc lập 2/9 và trao 2.700 phần quà cho thiếu nhi xã Lìa, xã Xy, tổng kinh phí hơn 250 triệu đồng...

Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng khó đến trường, huyện Hướng Hóa đã rà soát, sắp xếp quy mô trường, điểm trường, các loại hình trường, lớp phát triển phù hợp với đặc thù của huyện miền núi như: trường phổ thông có nhiều cấp học (TH&THCS); trường PTDT bán trú; trường, nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục.

Mạng lưới trường, lớp tiếp tục được quy hoạch, điều chỉnh hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của con em, cũng như nâng cao tỉ lệ huy động học sinh đến trường. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song địa phương tích cực triển khai thực hiện và chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 643 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở GDPT nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỉ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần, ngành GD&ĐT huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các trường kêu gọi hỗ trợ xây dựng tủ sách dùng chung, đến nay các tủ sách cơ bản đáp ứng nhu cầu SGK Chương trình GDPT 2018 lớp 1, 2, 3, 6, 7 cho học sinh nghèo, học sinh vùng khó mượn để theo học.

Riêng SGK Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 4, lớp 8 triển khai trong năm học 2023-2024 vận động phụ huynh mua và kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng sách cho học sinh nghèo, học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Đối với SGK lớp 5, lớp 9 học theo Chương trình GDPT 2006 thì cơ bản không thiếu sách.

Trước thềm năm học mới, ngành GD&ĐT huyện chủ động tìm các giải pháp để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; huy động các nguồn lực, các lực lượng xã hội quan tâm phát triển sự nghiệp GD&ĐT, giảm áp lực khó khăn đối với phụ huynh và học sinh.

Các trường phổ thông dân tộc bán trú tiếp tục vận động học sinh lớp 3, 4, 5 về học ở trung tâm. Chỉ đạo các đơn vị trường học có điều kiện dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 5, dạy học môn Tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3, 4 và nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động tập thể; từng bước tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Tiếp tục tham mưu triển khai có hiệu quả Đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn giai đoạn 2019 - 2025; Đề án xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên ở các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 39 của HĐND tỉnh về đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh; triển khai đề án phát triển trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn huyện, trong đó chủ động xây dựng phương án và lộ trình mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú, phấn đấu xây dựng các trường học đáp ứng mức tối thiểu về cơ sở vật chất cho đổi mới GDPT, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trên fanpage của Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa và facebook cá nhân của Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Thị Thanh Nga những ngày đầu năm học 2023-2024 đăng tải thông tin về niềm vui và hạnh phúc, sự quan tâm, sẻ chia các phần quà yêu thương đến với học sinh vùng khó. “Phòng GD&ĐT huyện và các đơn vị trường học trên địa bàn luôn chú trọng công tác truyền thông để tạo sự lan tỏa và quan tâm, đồng thuận của xã hội, trước hết là của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương đồng hành với ngành GD&ĐT trong thực hiện các chủ trương, chính sách mới về GD&ĐT.

Với phương châm “Không để học sinh nào bỏ học, không đến trường được vì hoàn cảnh gia đình khó khăn”; Phòng GD&ĐT huyện cùng giáo viên nỗ lực hết mình kết nối mang yêu thương đến với học sinh vùng khó, mong sao mỗi ngày, mỗi tuần luôn nhận được các tin vui từ các nhà trường để không có học sinh nào đi học thiếu sách; không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau do hoàn cảnh khó khăn”, cô Nguyễn Thị Thanh Nga chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Những khoảnh khắc chia tay tuổi học trò

Thanh Mai |

Trước thời khắc tạm biệt tuổi học trò, các nam, nữ sinh đã có những khoảnh khắc đặc biệt sẽ là kỷ niệm đáng nhớ.

Cậu học trò nghèo mắc bệnh hiếm

Trúc Phương |

Vốn là một cậu bé hiếu động, thông minh và có niềm đam mê với từng nhịp lăn của trái bóng trên sân cỏ, lẽ ra em Cao Xuân Hiếu, học sinh lớp 6B, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Triệu Phong) có một tuổi thơ hồn nhiên, đáng nhớ như bao bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng nỗi đau bất ngờ ập tới, gia đình phát hiện em mắc phải bệnh tiêu chỏm khớp háng - một căn bệnh hiếm gặp ở trẻ nhỏ, có thể gây tàn phế.

Cô học trò nghèo học giỏi

Mỹ Hằng |

Trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, em Nguyễn Thị Tâm, lớp 12A9, Trường THPT Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã vượt qua nhiều thí sinh đoạt giải Khuyến khích môn Địa lý.

Cô gái xương thủy tinh và nghị lực sống phi thường, mở lớp học miễn phí cho học trò nghèo

Thanh Mai |

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm ngồi xe lăn tận tình chỉ dạy cho học sinh đủ mọi lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 8.