Mạo danh nhân viên bảo hiểm để lừa đảo vay tiền qua mạng

Lê Trường |

Sau khi cho phép các đối tượng xưng là nhân viên của một công ty bảo hiểm chụp hình chân dung và thẻ Căn cước công dân (CCCD), nhiều người đã nhận được 820.000 đồng tiền “hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19”.

Tuy nhiên, sau đó họ trở thành “con nợ” hàng chục triệu đồng của các ngân hàng, công ty tài chính. Đó là tình trạng mà nhiều người dân trên địa bàn Quảng Trị phản ánh bị lừa đảo trong thời gian gần đây.

Bỗng nhiên mắc nợ

Từ phản ánh của người dân, phóng viên Báo Quảng Trị tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, sinh năm 1991, trú tại thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ) để tìm hiểu sự việc. Chị Ngọc kể, sáng ngày 13/5/2022, chị nhận được điện thoại của một người phụ nữ xưng là nhân viên của Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, kiểm tra thông tin để hướng dẫn cách nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19. Tôi bất ngờ, vì trước đó tôi và gia đình không mua bảo hiểm của Bảo Minh.

Nhưng sau một hồi bị thuyết phục cùng các dữ liệu thông tin được đưa ra từ người phụ nữ này đúng với gia đình, nên tôi đồng ý gặp để nhận tiền hỗ trợ. Ngay trong chiều hôm đó, có 2 người đàn ông nói giọng Bắc hẹn gặp tôi ở quán cà phê và đưa ra các gói chương trình hỗ trợ, đồng thời, tôi được nhận 820.000 đồng. Phía những người này chỉ yêu cầu tôi cho phép họ chụp ảnh Chứng minh nhân dân và ảnh chân dung trực tiếp của tôi.

Cũng theo chị Ngọc, đến ngày 7/6/2022, khi nhận được điện thoại từ phía Trung tâm An ninh Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng FE CREDIT (viết tắt là Trung tâm An ninh FE CREDIT) xác minh về hợp đồng vay tín dụng tại Công ty Tài chính FE CREDIT với số tiền 56 triệu đồng thì chị mới biết là mình đã bị lộ lọt thông tin cá nhân cho nhóm đối tượng trên thực hiện vay tiền qua mạng.

“Ngay khi có thông tin, tôi đã làm tường trình gửi Trung tâm An ninh FE CREDIT để báo cáo sự việc. Bởi trên hợp đồng vay tiền mà phía Trung tâm An ninh FE CREDIT cung cấp có thông tin của tôi, nhưng số điện thoại, email và tài khoản ngân hàng tại Kiên Long Bank là không đúng. Sau đó, tôi cũng đã gọi điện xác minh tại Ngân hàng Kiên Long (tỉnh Kiên Giang) thì phía ngân hàng kiểm tra không có tài khoản nào mang tên của tôi”, chị Ngọc cho biết.

Hiện, phía Trung tâm An ninh FE CREDIT đã xác nhận khoản vay mà phía công ty này giải ngân trước đó không liên quan đến hợp đồng tín dụng mang tên chị Ngọc. Người đại diện của trung tâm này cũng đã đưa hình ảnh một số đối tượng có hành vi tương tự để nhờ chị Ngọc xác minh, tuy nhiên, trong số đó không có ai từng tiếp cận chị Ngọc.

Đại diện Trung tâm An ninh FE CREDIT cho chị Ngọc biết là có thể từ thông tin cá nhân của chị trong hợp đồng mua trả góp trước đó với công ty, các đối tượng đã lợi dụng sở hở để tiếp cận, rồi soạn sẵn một hợp đồng vay tiền qua ứng dụng điện tử. Khi gặp gỡ, chúng chụp ảnh chân dung tôi để xác nhận thay cho chữ ký để hoàn tất hợp đồng. Sau đó, số tiền giải ngân sẽ được chuyển về tài khoản của nhóm này. Cũng vì vậy, mà trong hợp đồng ngoại trừ các thông tin khác thì số tài khoản, số điện thoại không khớp với thông tin của chị Ngọc.

Riêng trong ngày 13/5 vừa qua, trên địa bàn hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ) có đến 3 trường hợp tương tự. Chị Lê Thị Châu, trú tại thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa bàng hoàng cho biết, sau khi biết mình bị đánh cắp thông tin cá nhân thông qua việc cho nhóm đối tượng xưng là nhân viên Công ty Bảo hiểm Bảo Minh đến trao tiền hỗ trợ COVID-19 chụp ảnh chân dung và cung cấp thẻ CCCD, chị Châu đã báo ngay với công an xã để vào cuộc điều tra.
Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc và chồng chưa hết lo lắng về khoản nợ “trên trời” rơi xuống do bị lộ lọt thông tin cá nhân - Ảnh: L.T
Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc và chồng chưa hết lo lắng về khoản nợ “trên trời” rơi xuống do bị lộ lọt thông tin cá nhân - Ảnh: L.T

“Sau khi nhận số tiền 820.000 đồng hỗ trợ từ các đối tượng xưng là nhân viên bảo hiểm Bảo Minh tôi thấy có chút nghi ngờ bởi nhận tiền nhưng không ký xác nhận mà chỉ chụp mỗi ảnh, còn việc giải ngân thì qua một ngân hàng tận trong miền Nam mà tại đó tôi không có mở tài khoản.

Nhiều ngày sau đó, tôi thường xuyên nhận điện thoại và tin nhắn báo số tiền nợ là 55 triệu đồng từ Công ty Tài chính FE CREDIT, yêu cầu xác nhận để thanh toán lãi theo định kỳ. Thông tin việc này đến cơ quan chức năng, phía công an xã yêu cầu tôi không trả lời, không thanh toán số tiền nợ trên, để họ điều tra đã. Trung tâm An ninh FE CREDIT cũng liên lạc và yêu cầu tôi tường trình sự việc. Hiện tôi rất lo lắng về khoản nợ vay bị lừa này”, chị Châu chia sẻ.

Cần nâng cao cảnh giác

Thông tin từ Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị, ngoài địa bàn huyện Cam Lộ, vào đầu tháng 5/2022, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh cũng đã từng xuất hiện một nhóm đối tượng giả danh nhân viên Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Quảng Trị liên hệ với người dân với lý do công ty bảo hiểm thanh toán tiền bảo hiểm hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19.

Thủ đoạn của các đối tượng là gặp gỡ người dân rồi đề nghị lấy thông tin cá nhân bằng cách chụp ảnh thẻ CCCD và ảnh chân dung khách hàng, sau đó hỗ trợ cho họ số tiền mặt 820.000 đồng. Vì tin tưởng nên một số bà con đã nhận tiền, cung cấp các thông tin trên cho nhóm đối tượng.

Phòng Cảnh sát Kinh tế nhận định, đây là thủ đoạn lừa đảo mới, các đối tượng nhiều khả năng sẽ dùng thông tin cá nhân đã thu thập của nhiều người dân trên địa bàn Quảng Trị để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng vào mục đích xấu.

Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Thượng tá Ngô Văn Hùng cho biết, sau khi nắm thông tin về các vụ việc, đơn vị đã tổ chức xác minh, làm rõ chiêu thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng. Đồng thời, tham mưu văn bản gửi các cơ quan Công an huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường tuyên truyền thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng nói trên; đối với các đơn vị kinh doanh bảo hiểm trên địa bàn tỉnh, phòng cũng đã gửi văn bản đề nghị phối hợp trong công tác phòng chống tội phạm, thông tin về các hành vi giả mạo để kịp thời ngăn chặn.

“Nhằm hạn chế những rủi ro từ việc để lộ lọt thông tin cá nhân, mỗi một người dân cần hết sức nâng cao cảnh giác, khi phát hiện có đối tượng lạ với hành vi xin cung cấp thông tin cá nhân và trao tiền hỗ trợ thì liên hệ ngay cơ quan chức năng để xác nhận mới thực hiện”, Thượng tá Hùng khuyến cáo.

          (Nguồn: Báo Quảng Trị)                                                                    

TAGS

Dịch vụ bảo hiểm tại nhà - xu hướng mới từ Prudential

PV |

Thay vì phải lặn lội tới các điểm giao dịch, ngày nay, khách hàng bảo hiểm hoàn toàn có thể nộp phí, cập nhật thông tin hợp đồng, gửi yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm trực tuyến qua điện thoại, tại nhà.  

Câu chuyện lãi hay lỗ trong bảo hiểm nhân thọ

B.T |

Lãi chia cuối hợp đồng bảo hiểm thấp do lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm và các chi phí liên quan tăng theo quy định của Bộ Tài chính.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng, Phú Hưng Life song hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn

KS |

Với tinh thần cam kết luôn đồng hành, sẻ chia cùng khách hàng bước qua mọi biến cố của cuộc sống, vừa qua Công ty Cổ phần Bảo hiểm nhân thọ Phú Hưng (Phú Hưng Life) đã tổ chức lễ chi trả gần 500 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm cho gia đình anh H.V.T ở Khu phố 3, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Nhiều thiệt thòi cho người lao động nếu lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần

Thanh Trúc |

Do tác động tiêu cực của COVID -19 đến thị trường lao động, hiện nay, tình trạng người lao động (NLĐ) mất việc làm, nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần có xu hướng gia tăng. Đây là lựa chọn khiến NLĐ chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi, cần cân nhắc khi quyết định. Phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Phó Giám đốc BHXH tỉnh Mai Thanh Bình về vấn đề này.