Miền Trung, bầu bí thương nhau…

Lê Đức Dục |

Có một câu hát, rằng: “Miền Trung cát trắng với rừng, vách núi với biển biếc liền nhau”. Cũng bởi vẻ đẹp thiên nhiên “biển liền núi” ấy mà tai ương cứ trút xuống, mỗi khi mùa mưa bão “đến hẹn lại lên”, vùng đất này sóng từ biển tràn vào, nước từ triền núi dốc xuống, lại nhà sập, làng trôi, người chết.

Mấy tuần nay các tỉnh Bắc miền Trung chưa qua những trận lũ kinh hoàng thì Trung Trung Bộ đối đầu với cơn bão số 9 - Molave. Những ngày vừa qua, những chiếc xe tải mang biển số Quảng Ngãi, Bình Định chất đầy hàng cứu trợ ngược Quốc lộ 1 ra với bà con Quảng Trị, Quảng Bình... thì bão số 9 lại tràn về ngay vùng đất mà những chiếc xe ấy vừa lên đường cứu trợ. Sau cơn bão này, chắc nhiều tỉnh thành lại đến với Quảng Ngãi, Bình Định, nơi cơn bão lớn vừa đi qua.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với người miền Trung, thiên tai không là điều gì xa lạ. Và sau mỗi đận thiên tai, những câu chuyện buồn thương cứ lặp lại: Sau lụt bão dân trắng tay. Sau lụt bão, dân tha phương. Sau lụt bão, thêm nhiều đứa bé mồ côi.

Thiên tai có thể lặp lại nhưng sự chống đỡ, sự thiệt hại của con người chắc chắn không thể lặp lại. Từ kinh nghiệm những mùa mưa bão trước phải cố gắng giảm thiểu thiệt hại tới mức tối đa.

Những mùa mưa bão trước, sau những trận thiên tai gây hậu quả khủng khiếp, khi tìm về những ngôi làng nghèo, gặp nhiều ngôi nhà bơ vơ hoang lạnh vì chủ đã tha phương đâu đó, cơ cực đến mức dịp Tết cũng không về thắp nén nhang cho tổ tiên như đạo nghĩa muôn đời của người dân Việt Nam. Và Tết này lại thêm bao nhiêu ngôi nhà hoang lạnh khói nhang ông bà? Dọc Quốc lộ 1 này, chỉ đôi ba tuần nữa, ta lại gặp hình ảnh những người dân quê nhảy xe đò thiên di về phương Nam, mưu sinh với nhọc nhằn hè phố, lề đường… Mà biết rồi có được may mắn như những năm trước, khi từ đầu năm đến nay hết COVID-19 đến thiên tai liên tục, liệu những người dân kia có còn cơ hội tìm được việc làm như những đồng hương của mình những năm trước?

Mấy hôm nay, hai đầu đất nước đều dịu nhẹ mây trời, những đồng hương miền Trung theo dõi cơn bão qua ti vi, cập nhật qua mạng internet, đau đáu lòng quê từng giây mưa gió bão bùng. Vài phút lại có điện thoại của anh em đồng hương từ phương Nam, từ phía Bắc: “Nước rút chưa, đường vô Hướng Lập, Hướng Việt đi được chưa?”, “Bão ở quê mình ảnh hưởng nặng hay nhẹ? Bà con quê mình ra răng?”. Gọi để được nghe qua sóng điện tiếng gió rít mưa gào trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình mà thổn thức.

Miền Trung-mảnh đất quê nghèo không có châu thổ như sông Hồng, sông Cửu Long, chỉ có nắng gió bão bùng, luôn nhận lãnh những thiên tai như một nghiệp dĩ. Bởi thế người Quảng Trị có bài ca dao mà giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhận xét rằng cái câu chuyện kể về bà mẹ quê ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái về “đẻ ra mười quả trứng, bảy quả ung, còn ba trứng nở ra ba con thì “Con: diều tha/Con: quạ bắt/Con: mặt cắt xơi/Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” là một trong những câu ca dao hay nhất miền Trung. Và cứ mỗi trận bão càn quét qua dải đất nghèo khó của xứ này, chúng tôi lại nghĩ về câu ca dao đó.

Dân miền Trung được mệnh danh là những người chịu thương chịu khó, sắt đanh đương đầu cùng cơ cực. Cũng phải thôi, hằng năm, một mùa gió Lào đốt khô quắt thịt da, mùa kia mưa gió bão bùng vây bủa. Dù lớn, dù nhỏ, nhưng có năm nào người dân xứ này không đương đầu với vài cơn bão và dăm ba trận lũ. Cứ thế rồi sống chung với bão lũ. Và những câu ca dao vừa kể như là một thứ “doping” tinh thần, để mỗi khi đối đầu với nguy nan, người dân lại vịn vào đó để quật cường trụ vững. Nhưng không chỉ có sự bền gan thách thức với nguy nan, người Việt dù tin “còn da lông mọc còn chồi nảy cây” nhưng người Việt cũng dạy cho bao thế hệ truyền đời về “Bầu ơi thương lấy bí cùng” về “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, về “Gừng cay muối mặn...”.

Vậy nên người Quảng Trị dù mới hôm qua đã mở lòng đón nhận yêu thương từ những manh chăn ấm, từng gói mì tôm của người dân Trung Trung Bộ chuyển ra thì hôm nay, khi cập nhật báo số 9, tôi đã nghe nhiều nhóm bạn bè Quảng Trị tính đến chuyện bão qua sẽ mang gạo, mang chăn xuôi vào Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi. Và cứ thế sau mỗi đận thiên tai, không chỉ người dân miền Trung xa xứ lại nao lòng hướng vọng, mà tấm lòng đồng bào cả nước lại dang tay ôm lấy miền Trung, cùng nhau sẻ chia nghĩa tình với khúc ruột mến thương “gừng cay muối mặn”, vẫn muôn đời bầu bí thương nhau…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hàng nghìn gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại miền Trung Lào

Tổng hợp |

Hơn 5.000 hộ gia đình thuộc 125 bản ở 8 huyện của tỉnh Savannakhet đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, chính quyền hiện đang kêu gọi ủng hộ và gấp rút tiến hành công tác cứu trợ khẩn cấp bằng cách cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.

Dự báo miền Trung tiếp tục mưa to 6 ngày nữa

PV |

Dự báo ở Trung Bộ có mưa rất to từ ngày 16-21/10; riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có khả năng mưa đặc biệt to. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn và sạt lở đất.

Những hình ảnh ấm áp tình người nơi rốn lũ miền Trung

Hoàng Gia |

Trong những ngày người dân miền Trung gồng mình chống lũ, các chiến sĩ dân quân, công an...luôn có mặt để hỗ trợ người dân đến nơi an toàn nhất có thể.

Thủy Tiên kêu gọi được 10 tỷ đồng cứu trợ đồng bào miền Trung chỉ sau 24 tiếng

Thanh Mai |

Thủy Tiên không chỉ kêu gọi cứu trợ mà còn tự mình bay ra Huế đến từng điểm phát lương thực trao cho bà con.