Dịch COVID-19 càng diễn biến phức tạp, tâm dịch Đà Nẵng, Quảng Nam càng nhận được nhiều sự quan tâm của cả nước. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều trang thiết bị y tế đã được chuyển đến hỗ trợ các bệnh viện; hàng trăm chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện lao vào tâm dịch để chi viện cho đồng nghiệp…, tất cả với quyết tâm cao và “niềm tin chiến thắng”.
Hỗ trợ kịp thời cho miền Trung '' Ruột thịt "
Ngay từ khi số ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng có sự gia tăng, đặc biệt ở các bệnh viện ghi nhận số ca mắc là nhân viên y tế, Bộ Y tế đã khẩn cấp điều động đội ngũ chuyên gia, bác sĩ với đủ các chuyên ngành Hồi sức tích cực, Hô hấp, Tim mạch, Xét nghiệm… đến nhằm hỗ trợ cho lực lượng y tế tại Đà Nẵng khống chế, khoanh vùng dịch và cấp cứu các bệnh nhân nặng.
Nói về sự hỗ trợ khẩn trương của Bộ Y tế cho Đà Nẵng, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Ngay từ đầu, thực hiện theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Y tế đã rất quyết liệt, Bộ đã cử ngay 3 đoàn công tác đến Đà Nẵng là các chuyên gia đầu ngành, giỏi và có kinh nghiệm trong các lĩnh vực điều trị; là đội chuyên gia đã từng nuôi cấy, phân lập được virus SARS-CoV-2 để hỗ trợ việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng các bộ kit xét nghiệm do Việt Nam sản xuất; đội điều tra giám sát dịch. Các đội này hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng nhằm nỗ lực tốt nhất giúp Đà Nẵng nhanh chóng cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Đồng thời, Bộ Y tế cử thêm đội công tác tinh nhuệ của BV Bạch Mai với khoảng 30 y bác sĩ, chuyên gia có kinh nghiệm đến giúp Đà Nẵng về hồi sức, phòng chống nhiễm khuẩn, thận nhân tạo, điều trị, giám sát, xét nghiệm.
Viện Pauster TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa lực lượng đến Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm; BV của Bộ CA cũng lập labo xét nghiệm và Bộ Quốc phòng cũng hỗ trợ Đà Nẵng bằng việc đưa labo xét nghiệm di động đến.
Tiếp sau đó, Bộ Y tế cũng thành lập Đội thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng. Đội thường trực này do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận. Trong những ngày qua, Thứ trưởng Bộ Y tế đã liên tục đến các bệnh viện, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 để nắm bắt tình hình điều trị, đồng thời động viên tinh thần cho chính đội ngũ thầy thuốc ở vùng tâm dịch.
" Chiến sĩ áo trắng " lao vào tâm dịch
Khi có mặt tại Đà Nẵng, đội quân tinh nhuệ gồm các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đã làm việc không ngừng nghỉ để xét nghiệm nhằm khoanh vùng, khống chế dịch trong thời gian sớm nhất. Những cán bộ y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang đã thực hiện xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh mỗi ngày.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó đội trưởng Đội xét nghiệm tại Đà Nẵng thì chưa bao giờ đội xét nghiệm phải thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm như thế, cường độ làm việc của các thành viên luôn quá tải bởi lượng mẫu quá nhiều. Tuy nhiên, tinh thần của mọi người là chung tay cùng người dân Đà Nẵng, người dân cả nước chống dịch nên đã cố gắng làm việc xuyên ngày đêm, không quản ngại gian khó.
Tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, những nỗ lực của các cán bộ y tế tại tậm dịch đã lay động hàng triệu triệu trái tim trên dải đất hình chữ S, trong số đó không ngoại trừ những bác sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc. Và khi có lời kêu gọi từ Đà Nẵng, Quảng Nam mong muốn được chi viện về nhân lực, họ đã không ngần ngại đăng ký lên đường “xung trận” để diệt COVID-19 với niềm tin “quyết chiến, quyết thắng”.
Mới đây, đoàn công tác của Sở Y tế Phú Thọ đã cử 38 bác sĩ, y tá, điều dưỡng lên đường chi viện cho Quảng Nam. Chỉ sau khi Sở Y tế Phú Thọ phát động phong trào tình nguyện đăng ký tham gia công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Quảng Nam 1 ngày, đã có hàng trăm người tình nguyện tham gia. Sở Y tế đã chọn 38 cán bộ y tế (trong đó có 18 bác sĩ, 20 điều dưỡng) có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thuộc các chuyên ngành Nội, Hồi sức cấp cứu, Tim mạch và Truyền nhiễm.
Vinh dự là một trong số 38 người được chọn trong đoàn công tác, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Lan - khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Trung tâm Sản nhi, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ rưng rưng xúc động trong ngày lên đường. Bản thân nữ điều dưỡng có chồng đi làm ăn xa, con gái năm nay vào lớp một nhưng cô nói, hàng ngày thấy đồng nghiệp căng mình trong cuộc chiến chống COVID-19 cô không cầm được nước mắt. Và khi có lời kêu gọi từ Đoàn Thanh niên BV Đa khoa tỉnh, cô đã nhanh chóng đăng ký tham gia mà không ngại những nguy cơ có thể gặp phải. Ngày lên đường, cô xúc động nghẹn ngào nhắn nhủ: “Con cám ơn gia đình đã luôn ở bên con. Con sẽ nhanh về thôi”.
Và xúc động hơn, trong hành trang mang theo vào tâm dịch, cô còn mang một chú gấu bông-đó là món quà cô con gái tặng mẹ trước lúc lên đường với lời nhắn: “Mỗi lúc mẹ mệt mỏi hoặc nhớ con thì hãy lấy bạn gấu bông này ra để ôm mẹ nhé. Con hứa ở nhà nghe lời ông bà chờ mẹ đánh bay con COVID-19 trở về!”.
Nữ điều dưỡng chia sẻ: Tôi là một điều dưỡng. Tôi chỉ một mong muốn được đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình trong cuộc chống dịch để sớm dập tắt dịch bệnh COVID-19 tại Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung. Chúng tôi xác định, làm hết khả năng có thể của mình và đi đến khi hết dịch mới về!”.
Cùng với đoàn công tác của Sở Y tế Phú Thọ là đoàn bác sỹ, nhân viên y tế của các tỉnh Bình Định, Hải Phòng đi chi viện cho miền Trung. Ngành y tế Hải Phòng đã cử 33 cán bộ y tế gồm 9 bác sĩ, 24 điều dưỡng là những cán bộ có trình độ kinh nghiệm thuộc 3 chuyên ngành Nội hộ hấp, Hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm đi chi viện cho TP Đà Nẵng. Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Bình Định cử 25 nhân viên y tế để hỗ trợ TP Đà Nẵng.
" Niềm tin chiến thắng "
Ở đợt chi viện cho Đà Nẵng lần này, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy(người đã trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91) được giao nhiệm vụ thiết lập, chịu trách nhiệm chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng tại Đà Nẵng. Bác sĩ Linh chia sẻ, bản thân ông đã trải qua nhiều “trận chiến”, mà tiêu biểu là việc cấp cứu các nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ làm chết hơn 50 người, nhưng “trận chiến” COVID-19 tại Đà Nẵng cam go hơn nhiều.
“Trong “cuộc chiến” này, chưa biết đến thời điểm nào mới có thể khống chế hoàn toàn tại Đà Nẵng. Chúng tôi khi lên đường ít ai đặt ra mốc thời gian trở về mà chỉ tâm niệm hai điều: gia đình và nhất định sẽ quay trở về”, bác sĩ Linh tâm sự.
Theo bác sĩ Linh, đối với những nhân viên y tế, những người trực tiếp làm cấp cứu thì động cơ lao vào “trận chiến” là nhiệt huyết, là tinh thần trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc. “Gia đình chúng tôi cũng xác định là mình đi hết dịch, tức phải thắng trong “trận chiến” này mới quay trở về”.
Với “niềm tin chiến thắng” mãnh liệt và nỗ lực không ngừng của đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, đến ngày 10/8, Đà Nẵng đã có 4 bệnh nhân COVID-19 đầu tiên được công bố khỏi bệnh; số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 64 trường hợp. Sáng 10/8, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19.
Niềm tin chiến thắng đang lan tỏa, tại Đà Nẵng, khoảng 1.500 tiểu thương tại các chợ trên địa bàn đã đồng loạt mặc áo cờ đỏ sao vàng, phía sau in dòng chữ “Đà Nẵng ơi cố lên” với mong muốn dịch COVID-19 sớm được khống chế, đẩy lùi.
Cùng với tinh thần chiến thắng là sự tuân thủ các biện pháp phòng bệnh của cộng đồng cũng như những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cán bộ, nhân viên y tế, các lực lượng trên địa bàn nhằm khống chế, khoanh vùng chúng ta có thể hi vọng tâm dịch miền Trung sẽ sớm được khống chế; cuộc sống yên bình sẽ sớm trở lại nơi đây.
(Nguồn: Ngày nay)