Mọi việc làm đều hướng về người dân vùng biên giới

Tây Long |

Luôn xem “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã có nhiều hoạt động hướng đến người dân trên địa bàn quản lý. Mới đây nhất, cán bộ, chiến sĩ của đồn vừa triển khai dự án “1 triệu cây xanh”. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Trung tá NGÔ TRƯỜNG KHÔI, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh để tìm hiểu về những công trình, phần việc thiết thực hỗ trợ người dân vùng biên giới.

- Thưa anh! Đề nghị anh chia sẻ thông tin khái quát về dự án “1 triệu cây xanh” đang được cán bộ, chiến sĩ của đồn triển khai trên địa bàn các xã biên giới của huyện Hướng Hóa?

- Dự án “1 triệu cây xanh” được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh lên ý tưởng, triển khai vào năm 2020 tại 2 xã của huyện Hướng Hóa, thuộc địa bàn đơn vị quản lý là: Thanh và Xy. Trong giai đoạn 1, vào tháng 10/2020, chúng tôi đã triển khai trồng 80 nghìn cây tràm giống dọc biên giới sông Sê Pôn. Vừa qua, cán bộ, chiến sĩ của đồn tiếp tục bắt tay triển khai giai đoạn 2 của dự án với việc trồng 100 nghìn cây tràm giống.

Trao tặng tràm giống cho người dân vùng biên giới - Ảnh: T.L
Trao tặng tràm giống cho người dân vùng biên giới - Ảnh: T.L

- Ý tưởng về dự án bắt đầu từ đâu, thưa anh?

- Đồn Biên phòng Thanh quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 31,192 km, dọc sông Sê Pôn, tiếp giáp với nước bạn Lào. Năm 2020, trận lũ lịch sử xảy ra khiến tuyến biên giới dọc sông Sê Pôn bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều hộ dân biên giới ở xã Thanh và xã Xy mất đất ở, đất sản xuất. Trước tình hình đó, tôi đã có ý tưởng trồng cây để chống sạt lở, phủ xanh bờ sông biên giới và giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Tôi rất vui mừng khi ý tưởng của mình nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao.

- Để biến ý tưởng thành hiện thực, bản thân anh và các cán bộ, chiến sĩ của đồn đã nỗ lực như thế nào?

- Để hiện thực hóa ý tưởng, tôi đã kết nối với chị Hoàng Thị Phương Vy, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, một người thường xuyên làm việc thiện. Chúng tôi cùng lên kế hoạch trồng tràm để vừa bảo vệ biên giới, vừa tạo sinh kế giúp người dân. Theo tính toán của tôi, trong tầm 5 năm, 1 ha tràm được trồng sẽ thu về khoảng 70 đến 100 triệu đồng. Với cây trồng tái sinh thì khoảng 4 năm sau là thu hoạch lại. Có lẽ vì nhận thấy sự khả quan, tính hiệu quả của dự án nên chị Vy nhanh chóng kết nối với Câu lạc bộ “Hoa tình nguyện” (Hải Dương) hỗ trợ tiền mua cây tràm giống để tặng người dân.

Sau khi được chia sẻ về dự án “1 triệu cây xanh”, cấp ủy, chính quyền xã Thanh và xã Xy rất đồng thuận. Cái khó là phải làm sao để người dân tin tưởng, ủng hộ. Nêu cao quyết tâm, tôi đã triển khai các tổ, đội công tác xuống địa bàn tiến hành khảo sát, nắm tình hình và tuyên truyền, vận động những hộ dân có đất dọc biên giới sông Sê Pôn trồng tràm. Kết quả là bà con đều tin tưởng, ủng hộ bộ đội biên phòng.

- Dù mới triển khai nhưng dự án “1 triệu cây xanh” đã thu về những tín hiệu khả quan. Đề nghị anh chia sẻ rõ hơn về kết quả của dự án?

- Dù mới triển khai nhưng dự án “1 triệu cây xanh” đã mang lại những kết quả tích cực. Trước tiên, dự án đã làm thay đổi hình thức canh tác lạc hậu của người dân trên địa bàn đơn vị quản lý là đầu tư canh tác cây trồng ngắn ngày, lợi nhuận thấp, chỉ mang lại hiệu quả trước mắt. Chúng tôi cũng đã giúp bà con xóa tan những hoài nghi, lo sợ về việc địa hình, thời tiết, thổ nhưỡng địa phương không phù hợp với cây tràm. Vui nhất là dù mới triển khai nhưng tràm đã phát triển rất tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện tại, tràm giống được trồng ở giai đoạn 1 đã sinh trưởng, phát triển tốt, cao trên 3 m. Đặc biệt, dự án đã góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng sạt lở đất ở khu vực biên giới vào mùa mưa lũ.

Ngoài dự án “1 triệu cây xanh”, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn có dự án trồng cà gai leo hỗ trợ người dân vùng biên giới. Hiện tại, có 25 hộ gia đình ở xã Thanh và xã Lìa đã tham gia dự án với tổng diện tích cây trồng khoảng 20 ha. Qua ghi nhận bước đầu, cây cà gai leo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với sắn, chuối. Thời gian tới, đơn vị sẽ nghiên cứu đưa cây chè vằng vào trồng thử nghiệm. Nếu đem lại hiệu quả kinh tế cao, đơn vị sẽ tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

- Ngoài các dự án trồng trọt kể trên, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh còn có những hoạt động ý nghĩa gì hướng về người dân biên giới?

- Lâu nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh luôn xác định, mọi việc làm của mình phải hướng về người dân biên giới. Việc gì có lợi cho dân thì dù khó khăn cũng cố gắng làm. Vì thế, chúng tôi đã có nhiều hoạt động tuy nhỏ bé, khiêm tốn nhưng thiết thực hỗ trợ người dân. Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến nay, cán bộ, chiến sĩ của đồn đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 6 giếng khoan cho người dân xã Xy với tổng trị giá 385 triệu đồng; xây dựng 8 nhà nghĩa tình biên giới cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 640 triệu đồng; nâng bước đến trường cho 10 học sinh nghèo với số tiền 500 ngàn đồng/cháu/ tháng; hỗ trợ 30 gia đình hội viên phụ nữ nuôi dê giống quay vòng… Mới đây, đồn phối hợp với Hội LHPN xã Thanh mở 2 lớp học chống tái mù chữ cho 65 hội viên. Chương trình “Tiết học biên giới” vẫn được cán bộ, chiến sĩ của đồn phối hợp với các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tổ chức đều đặn. Ngoài ra, chúng tôi luôn nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; hỗ trợ người dân làm xanh, sạch, đẹp thôn, bản; giúp đỡ các trường hợp gặp khó khăn, hoạn nạn đột xuất…

- Anh có thể cho biết, các hoạt động ý nghĩa mà cán bộ, chiến sĩ đồn triển khai đã đóng góp như thế nào vào việc giữ gìn chủ quyền biên giới, bảo vệ tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn?

- Những hoạt động kể trên đã góp phần thắt chặt tình quân dân. Bà con trên địa bàn xem các cán bộ, chiến sĩ biên phòng như người thân, ruột thịt. Ngày càng nhiều người dân mong muốn góp sức cùng bộ đội biên phòng giữ gìn chủ quyền biên giới, bảo vệ tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Thời gian tới, anh cùng cán bộ, chiến sĩ của đồn có dự định gì để nâng cao hiệu quả của dự án “1 triệu cây xanh” và các hoạt động vì dân khác?

- Chúng tôi sẽ thường xuyên, liên tục tổ chức các hoạt động hướng đến người dân. Chúng tôi tin, sự nỗ lực của mình sẽ góp phần giúp người dân càng tin tưởng hơn nữa vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tấm lòng của bộ đội biên phòng. Từ đây, bà con sẽ chung tay, góp sức chăm lo, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Mỗi người dân sẽ là 1 “cột mốc sống” trên tuyến biên giới, cùng bộ đội biên phòng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đối với dự án “1 triệu cây xanh”, chúng tôi sẽ triển khai trồng nhiều giai đoạn, theo hình thức gối đầu để đảm bảo từ năm thứ 5 trở đi, năm nào bà con sống dọc biên giới cũng có tràm để khai thác, ổn định đời sống.

- Xin cảm ơn anh!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực theo chuỗi liên kết

Trần Anh Minh |

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn mới và giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh trong các giai đoạn trước, nhất là trong chế biến, cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm, xây dựng liên kết chuỗi giá trị... bước vào đầu nhiệm kỳ mới 2021 - 2026, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND, ngày 9/12/2021 về quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026. 

Cây đa hơn 100 năm tuổi gãy nhánh làm giao thông tắc nghẽn

Thanh Mai |

Sáng 13/6, một nhánh lớn của cây đa hơn 100 tuổi bất ngờ đổ chắn ngang đường Võ Chí Công (Hà Nội) - vành đai 2 hướng lên đường trên cao.

Cam Lộ: Ươm 11 vạn cây giống an xoa chuẩn bị trồng mới

Anh Vũ |

Để chủ động nguồn giống đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ mở rộng diện tích trồng cây dược liệu an xoa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã triển khai ươm 11 vạn cây giống tại thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền.

Hướng Hóa: Ươm 30.000 cây giống phục vụ chương trình “Rừng cây sinh kế - giảm thiểu thiên tai”

Bích Liên |

Huyện đoàn Hướng Hóa (Quảng Trị) phối hợp với Xã đoàn Hướng Tân vừa triển khai xây dựng mô hình “Vườn ươm thanh niên” nhằm cung cấp cây giống phục vụ chương trình “Rừng cây sinh kế - giảm thiểu thiên tai”.