Tọa đàm đã đưa ra những góc nhìn đa chiều, những giải pháp thiết thực để khuyến khích, hỗ trợ học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi
Ngày 15/10, tại Hà Nội, Hội Nữ trí thức (NTT) Hà Nội phối hợp với Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Một số giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó học giỏi”.
Tọa đàm thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền cơ sở, cán bộ của Hội Khuyến học và Hội nữ trí thức Hà Nội, cùng chung tay tìm kiếm giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội NTT Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”, Bác coi đó là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp nối tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục, tạo mọi điều kiện để trẻ em được đến trường.
Tại Hà Nội, giáo dục luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“...trong suốt 70 năm qua (kể từ khi giải phóng) Hà Nội đã có gần 3000 trường, hơn 70.000 lớp với gần 140.000 giáo viên và khoảng 2,2 triệu học sinh các cấp. Đặc biệt những năm gần đây việc đầu tư (khá hiện đại) cho giáo dục lại càng được thành phố chú trọng như trong Chương trình 06 – Ctr./TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy, Hà Nội đã giành hơn 2500 tỷ đồng để xây 5 trường liên cấp (diện tích từ 5 ha trở lên): Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông với trang thiết bị hiện đại. Điều đó chứng tỏ cả hệ thống chính trị của Hà Nội đã vào cuộc chăm lo cho ngành giáo dục, biến nhận thức thành kết quả cụ thể.” – PGS.TS Bùi Thị An khẳng định.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể, song vẫn còn nhiều em học sinh, sinh viên trên địa bàn Thủ đô phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến việc học tập. Đó là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, chịu ảnh hưởng của thiên tai, bố mẹ mất sớm do tai nạn...
Hội Khuyến học Hà Nội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, giúp đỡ các em vượt khó học giỏi. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn luôn là vấn đề nóng và cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Chủ tịch Hội NTT Hà Nội nhấn mạnh, tọa đàm hôm nay chính là dịp để các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp các em khi khó khăn vẫn vượt lên để học giỏi và vững tin trên con đường học tập, là con đường để không ai bị bỏ lại phía sau.
Tìm kiếm giải pháp khuyến học, khuyến tài và "không để ai bị bỏ lại phía sau"
Tại Tọa đàm, Đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cầu Giấy, đồng chí Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền UVTV Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng đã chia sẻ về những hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn. Đồng thời, các đồng chí lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng đưa ra một số giải pháp khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi như: thành lập và duy trì các học bổng, các chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí, khen thưởng gương điển hình vượt khó vươn lên, giáo dục kỹ năng sống và tinh thần tự học...
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, đã có những chia sẻ quý báu về kinh nghiệm hỗ trợ học sinh vượt khó của nhà trường trong suốt 35 năm qua. Theo đó, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã áp dụng nhiều phương pháp hiệu quả, nổi bật là mô hình nhân cách “tự học tự rèn”, giúp học sinh xây dựng “văn hóa phát triển bản thân” rèn luyện phong cách sống “5 Tự” gồm “Tự học sáng tạo”, “tự chủ”, “tự tin”, “tự trọng”, “tự chịu trách nhiệm”...
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN TP. Hà Nội chia sẻ, các cấp Hội cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho các bộ, hội viên, phụ nữ, người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số..., tích cực hưởng ứng các chương trình “Đồng hành cùng con” do Hội LHPN Hà Nội phát động, chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng trẻ mồ côi... TS. Ngô Thị Kim Dung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã phân tích những yếu tố cần thiết để có thể học tập tốt, những khó khăn mà các sinh viên thường gặp phải và đề xuất một số giải pháp hỗ trợ sinh viên vượt khó, từ hỗ trợ tài chính, học bổng, tư vấn tâm lý đến đào tạo kỹ năng và hướng nghiệp. Phát biểu chỉ đạo tọa đàm, Ông Lê Mạnh Hùng, Nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu nữ tham dự Tọa đàm. Ông đánh giá cao ý nghĩa của Tọa đàm với chủ đề "Một số giải pháp khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi", nhấn mạnh tính thời sự và nhân văn sâu sắc của chủ đề này.Để đạt được mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, theo đại diện Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, cần tập trung vào một số giải pháp:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách hỗ trợ: Bên cạnh chính sách của nhà nước, cần huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội để quan tâm, hỗ trợ trẻ em khuyết tật, trẻ em tự kỷ... góp phần nhân lên những giá trị nhân văn cao đẹp. Truyền thông cũng cần tích cực vào cuộc để lan tỏa những tấm gương vượt khó, tạo động lực cho học sinh, sinh viên.
Thứ hai, phát huy vai trò của gia đình và dòng họ: Giáo dục gia đình, truyền thống hiếu học của dòng họ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc khuyến khích học tập.Thứ ba, huy động sự tham gia của toàn xã hội: Cần tạo sự đồng thuận, phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong công tác khuyến học, khuyến tài, hướng tới mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau". Hội Khuyến học, Hội Nữ trí thức Hà Nội cần chủ động tham mưu cho các cấp ủy, nhà trường về vấn đề này.
Kết thúc Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội, khẳng định sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu từ đồng chí Lê Mạnh Hùng và tổng hợp ý kiến của các đại biểu để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể.
Bà Ngọc Minh cũng tổng kết những điểm quan trọng được các đại biểu đề cập trong buổi tọa đàm như sau: Về nhận thức, thống nhất mục tiêu hàng đầu của học sinh, sinh viên chính là rèn luyện, phát triển bản thân một cách toàn diện. Về giải pháp, cần khuyến khích các em chủ động, tự giác trong học tập, phát triển kỹ năng và tư duy độc lập; phát huy nội lực của học sinh, sinh viên; Xây dựng môi trường học tập tích cực, tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi, hình thành các mô hình học tập tiêu biểu, hướng tới một xã hội học tập năng động; lan tỏa những tấm gương học sinh hiếu học, những điển hình vượt khó vươn lên để truyền cảm hứng cho các em khác.Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của Hội Nữ trí thức Hà Nội để triển khai các hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Thủ đô.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)