Gần Tết Giáp Thìn hoạt động mua bán phục vụ đời sống người dân trên địa bàn đang diễn ra ở hai kênh trực tuyến và trực tiếp. Trong khi hoạt động mua bán tại các chợ truyền thống vẫn ảm đạm thì qua kênh trực tuyến cho thấy sự sôi động, nhộn nhịp.
Kinh doanh mặt hàng gia vị, bánh kẹo, mứt, các loại hạt và thực phẩm khô phục vụ Tết tại chợ Đông Hà đã nhiều năm, chị Trương Thị Thu cho biết, thời điểm này thị trường Tết trầm lắng hơn các năm trước. Chị luôn nghe ngóng thị trường, bán đến đâu lấy hàng đến đó, không dám lấy hàng nhiều dự trữ. Tình hình kinh tế khó khăn nên người dân thắt chặt chi tiêu, Tết năm nay dự báo sức mua kém hơn năm trước.
Không riêng chị Thu, nhiều tiểu thương ở chợ Đông Hà cho biết, nếu như mọi năm thời điểm này người dân bắt đầu lác đác đi sắm những đồ khô phục vụ Tết thì năm nay hầu như chưa có. Nhiều người bán rau củ tại chợ hiện chỉ bán được những loại rau củ hoặc gia vị mà cửa hàng bán lẻ hiện đại, siêu thị không bán.
Cùng với đó, những người bán gạo, các sản phẩm hóa mỹ phẩm...cũng cho biết lượng hàng bán ra bị sụt giảm nhiều vì sức cạnh tranh của các cửa hàng hiện đại, siêu thị. Hàng hóa các cửa hàng hiện đại, siêu thị không chỉ được bày bán trong không gian có nhiều tiện ích, sạch sẽ, ngăn nắp, có máy điều hòa nhiệt độ, mà còn được bày bán ra cả phía bên ngoài để tiếp cận dễ hơn với người mua, còn được khuyến mãi và có bảng niêm yết giá rõ ràng.
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Phó Trưởng Ban quản lý chợ Đông Hà thừa nhận: “Quá trình cạnh tranh giá cả của các chuỗi bán lẻ diễn ra thời gian qua là sức ép khá lớn mà tiểu thương kinh doanh của chợ truyền thống phải đối diện. Cùng với đó là sự dịch chuyển trong nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, những thay đổi nhanh về hình thức, nền tảng bán hàng đang là vấn đề mà tiểu thương của chợ cần phải thích nghi để tồn tại. Chúng tôi động viên các tư thương cố gắng chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ bán hàng qua các nền tảng xã hội nhằm tiêu thụ hàng hóa được tốt hơn, thích nghi dần với tiến bộ xã hội”.
Trong khi hoạt động mua sắm tại các chợ truyền thống vẫn ảm đạm thì mua sắm qua kênh trực tuyến rất sôi động, nhộn nhịp. Để phục vụ Tết Giáp Thìn, siêu thị Winmart+ Quảng Trị có nhiều chương trình ưu đãi và cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí trong bán kính 10 km. Hiện tại siêu thị có chương trình “Mang Tết đến tận nhà với dịch vụ giao hàng tại gia”.
Quản lý khu vực tỉnh Quảng Trị của siêu thị Winmart+ Hoàng Đàn cho biết, với 27 cửa hàng phủ kín trên địa bàn toàn tỉnh, Winmart+ đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết của người dân. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, tâm lý người tiêu dùng gần như chỉ tập trung chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu nên hệ thống nỗ lực giữ ổn định giá tốt đối với các mặt hàng này.
Để bán được hàng nhiều hơn, ngoài việc chú trọng cạnh tranh giá bán, hệ thống còn có nhiều chương trình khuyến mãi đi kèm, tích lũy điểm mua hàng. Đặc biệt so với năm trước, năm nay hình thức mua sắm trực tuyến được nhiều người quan tâm hơn. Thời điểm hiện tại, tỉ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tại siêu thị này cao hơn năm trước. Do hàng hóa của siêu thị luôn có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, có đầy đủ các đặc sản vùng miền hấp dẫn, mới lạ nên được người tiêu dùng tin tưởng mua sắm trực tuyến để được phục vụ tận nhà.
Không chỉ siêu thị Winmart+ Quảng Trị, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại chú trọng bán hàng trực tuyến. Xu thế bán hàng qua mạng dịp Tết này đang sôi động trên facebook, zalo, tiktok... Có trang facebook cá nhân mỗi ngày bán gần trăm đơn hàng Tết.
Anh Nguyễn Văn Hòa ở huyện Gio Linh đến tạm trú tại Phường 1, TP. Đông Hà hành nghề giao hàng nhanh cho biết, do nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng nhanh nên hằng ngày công việc của anh thường là nhận hàng từ những người bán hàng qua mạng và giao tận nhà cho khách; nhiều hôm đơn hàng tăng, anh không phục vụ kịp, có những đơn hàng không gấp lắm anh phải để sau 21 giờ tối mới giao được.
Theo chị Trần Thị Hương Giang ở Phường 5, TP. Đông Hà, thời gian gần đây chị cũng như nhiều người bạn của mình đã chuyển hướng sang mua sắm trực tuyến hơn 90% hàng hóa tiêu dùng của gia đình, kể cả trong dịp tết Nguyên đán. Thuận lợi của hình thức mua sắm này giúp tiết kiệm thời gian đi lại và có thể thoải mái so sánh giá giữa nhiều nhà cung cấp, tiết kiệm chi phí hơn so với mua sắm trực tiếp tại chợ, siêu thị... nhờ khách hàng áp dụng được nhiều mã khuyến mãi. Trong điện thoại của chị lúc nào cũng lưu sẵn nhiều số của các nhân viên giao hàng và cài đặt các phần mềm mua sắm trực tuyến.
Bên cạnh các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ uy tín thì một trong những vấn đề mà người tiêu dùng còn e ngại là chất lượng hàng hóa, dịch vụ khi mua sắm online trên các trang mạng cá nhân. Việc này tiềm ẩn rủi ro khi khó phân biệt được hàng thật, hàng giả, rất khó kiểm tra chất lượng sản phẩm. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng qua mua sắm trực tuyến, cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần phải cẩn trọng hơn khi giao dịch mua bán hàng hóa không chỉ trên các trang mạng xã hội mà cả những sàn thương mại điện tử.
Cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng. Bảo đảm rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác. Không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm để bảo đảm quyền lợi cho người mua.
Việc mua sắm hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội đã trở thành một thói quen tiêu dùng mới, thuận tiện hơn nhiều so với mua sắm theo cách truyền thống và đã được áp dụng nhiều trong mua sắm phục vụ Tết. Trong cuộc cạnh tranh bán lẻ hiện nay, ngoài giá cả, việc linh hoạt chuyển đổi theo các xu hướng mua sắm mới để tiếp cận khách hàng hiệu quả luôn là yếu tố quan trọng mà nhiều người buôn bán lẻ cần quan tâm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)