Mùa tạ ơn

Yên Mã Sơn |

Khi mùa xuân về mang nắng ấm đẩy lùi những giá rét của mùa đông còn sót lại. Vẫn trên chiếc xe mink già cỗi, ba lại chở cả nhà lên nghĩa trang liệt sĩ để thắp hương. Mẹ bảo: “Để có những mùa xuân hôm nay, rất nhiều người đã bỏ tuổi xuân trên đất này”…

Quê tôi được lịch sử mệnh danh là vùng đất thép, nên được cả nước biết đến là vùng đất của những nghĩa trang. Làng tôi nằm bên dòng sông Thạch Hãn, nơi này cũng là một nơi mà người ta từng ví: Nghĩa trang trên sông. Thế nên, cứ mỗi độ vào xuân, trước những ngày giáp tết, cả làng thường tập trung học trò, người lớn để quét dọn, làm vệ sinh và thắp hương. Tôi chứng kiến những ngày tết trong hương trầm, hoa tươi của ba mẹ trầm mặc, kính cẩn trước những ngôi mộ có tên và không tên.
Năm nào mẹ cũng cắt lá chuối sau vườn để gói bánh chưng chuẩn bị ngày tết, ba chẻ lạt, cắt tỉa hàng dâm bụt… Công việc gói bánh năm nào ba cũng làm và có một việc không thể quên là ba luôn nhắc mẹ lấy thêm nếp gói thêm vài chiếc bánh để cả nhà đầu năm đi thắp hương và cúng cho các liệt sĩ.
 
  Ảnh: Cao Hải Vân

Ngày đầu năm, cả nhà đã đi thăm, chúc tết. Sáng mồng 2, ba thức cả nhà dậy sớm chuẩn bị mọi thứ để lên đường. Trên chiếc xe trông như con ngựa sắt, ba đưa chúng tôi qua cánh đồng đầy mạ non, đi thêm một đoạn đường nhựa là đến nghĩa trang. Giữa một sáng mùa xuân ấm áp, ba đặt lên khu bàn thờ ở đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nào là bánh chưng, mứt gừng, bánh thuẫn và những nhành cúc trắng rồi trầm mặc trước những ngôi mộ. Giữa khói hương uy nghi của những thân nhân liệt sĩ đi trước đã thắp, tôi cảm nhận về mùa xuân thật ý nghĩa, thiêng liêng như đâu đó trong không gian, những cái xoa đầu, bắt tay và cười nói của ai đó với mình, chợt rùng mình víu lấy áo mẹ!

 

Ba bảo, ngày xưa ba từng cầm súng, quanh năm bám rừng, giữ đất. Có lúc mùa xuân về từ khi nào mà không hay, chỉ khi giật mình bắt gặp một cành mai rừng vàng rực hay hoa mận trắng xoá trên cây mới biết xuân đã về. Trong khi những đồng đội khác bỏ “mùa xuân” ở lại đâu đó trong những cánh rừng già hay bên triền sông, thì ba may mắn được trở về, nhìn những chồi non nhú lên giữa những hố bom sâu thẳm mà lòng tạ ơn những người đã ngã xuống. Vì thế nên ba thường bảo: “Con hãy nhớ tuổi xuân của những người nằm xuống mà có những mùa xuân yên bình hôm nay”. Tôi đã đi theo ba mẹ thắp hương ở nhiều nghĩa trang trong huyện mỗi lần tết về. Mỗi lần thắp đều có một cảm giác hạnh phúc, ấm áp và biết ơn khác nhau nhưng sau mỗi lần như thế, thấy mình lớn hơn, vị tha hơn.

Có thể mùa xuân đi qua mang theo những thay đổi trong mỗi con người, nhưng tôi sẽ giữ mãi những phút thiêng liêng bên những ngôi mộ mỗi dịp xuân về. “Mùa xuân là mùa của hạnh phúc và tạ ơn”! Mẹ bảo như thế khi nghiêng mình kính cẩn trước một ngôi mộ vô danh.

TAGS

Cội nguồn

Xa Ry |

Khi đất trời vào xuân thì lòng người cũng dờn dợn, nôn nao như đang “trở mình” thay đổi nội tại. 

Lãng đãng giấc quê

Nông Thị Hưng |

Theo sau một chiếc xe trâu, trên thùng xe có mấy cái đòn cùng vài đôi quang gánh.

Trước mỗi mùa xuân

Yên Mã Sơn |

Tháng ngày như thoi đưa, mình đi đi về về mà không hay những bức tường rêu trong con hẻm đã khoác áo mới, sơn lại tinh tươm. Có nghĩa là, mọi thứ đều bắt đầu được làm mới để xác lập các thời khắc minh niên. Nếu để ý lắm, sẽ nhận ra làn khói bếp của nhà mệ Trọng nằm sát ngôi chợ xép. Trong làn khói này cố mang theo mùi bánh tét để tỏa ra khắp xóm, báo hiệu cái không khí rộn ràng của những ngày giáp tết.

Bưng chén cơm ăn sao đắng cả lòng

Hoàng Công Danh |

Quê nhà, chén cơm, và mạ - cả ba điều ấy hóa ra thành một, là nơi cho ta no cả lòng và đầy đặn cả tâm hồn.