Cội nguồn

Xa Ry |

Khi đất trời vào xuân thì lòng người cũng dờn dợn, nôn nao như đang “trở mình” thay đổi nội tại. 

Xa xa đồi thay lá, mây cũng dường như trắng hơn trong mặt hồ xanh ngọc. Cái mùi hương cỏ dại được bác làm vườn xén dọc bồn hoa ngày thường chẳng có gì đặc biệt nhưng giờ sao quyến luyến, vỡ òa như bắt gặp nhau lâu ngày giữa bộn bề cuộc sống. Lời mặc khải của đất trời như còn bỏ ngõ trong phù du kiếp nhân sinh được mặc định bởi vòng quay của tạo hóa. Trong cái xao xuyến lửng lơ của những ngày năm cùng tháng tận, ta như loài cá hồi, tìm về quê quán bản xứ trong ký ức xa mờ.

Năm nào cũng thế, khi ngoài chợ xôn xao sắm sửa tết ông Công ông Táo là mình tìm đến cụ. Thứ cụ bán chỉ là mớ cát trắng tinh gói sẵn trong bao ni long. Đó là cát được cụ lấy ở các đôộng của biển Cửa Việt. Cát được cụ vo qua nhiều nước, phơi khô nên chỉ cần mua về là có thể thay bát hương mà không cần xử lý. Với mong muốn được đem nắm cát - hồn cốt quê hương xứ sở lên cho con cháu thay lư hương ở vùng kinh tế mới sát biên giới này thôi. Dăm ba ngày bán cát trắng, cụ kiếm được chẳng là bao, chỉ đủ mua vài nải chuối về quê cúng ông bà nhưng đó không phải là động lực để cụ vượt trăm cây số lên xứ này. Cụ bảo nơi vùng núi này từng là quê hương thứ hai của cụ. Sau khi con cháu lớn khôn cả thì cụ giao nhà cửa cho con cái ở lại, hai cụ quay về quê cũ sinh sống. Với mong muốn sống lại những ngày buôn thúng bán bưng ở cái chợ vùng biển ải đầy kỷ niệm này nên năm nào cũng rạo rực đem cát bán ở phiên chợ giáp tết này. Cụ bảo đúng là nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến.
 

Con người dường như luẩn quẩn trong vòng chữ nợ. Khi mới lập thân dù lo làm ăn nhưng năm hết tết đến cứ tự tin và rất lạc quan khuyên nhau “nợ mòn con lớn”. Cái nợ vật chất là cái sờ sờ cân đong đo đếm mà trả dần. Còn những món nợ ân tình sẽ làm cho con người thắt chặt hơn, quý nhau hơn. Bên chén trà ngày giáp tết, mình thường được những lớp người đi trước kể lại nhiều câu chuyện đượm buồn nhưng ấm áp đầy áp tình người. Đó là chuyện những người dân làm kinh tế mới từ đồng bằng lên vùng núi này. Khi lúa gạo nhà nước chu cấp đã ăn hết. Tết đến thiếu thốn trăm bề mà thật ấm áp khi nhà nhà có gốc mai rừng nở rực vàng trong nắng. Người Vân Kiều, Pa Cô ở xứ này luôn hào sảng như núi rừng. Tết nào cũng đem nếp, sắn xuống cho người anh em dân tộc Kinh từ dưới xuôi lên. Nhà ai con đông thiếu thốn thì ngoài chu cấp còn cho mượn. Mượn khi nào có thì trả chứ chẳng đến đòi.

Ảnh: Nông Văn Dân
Ảnh: Nông Văn Dân

Những đứa trẻ lớn lên từ khoai sắn của người Vân Kiều giờ đã lớn nhưng ký ức về cội nguồn thì không phai. Nên năm nào tết đến họ cũng chuẩn bị thực phẩm thật nhiều để trả cái ơn này. Những ngày đầu năm người Vân Kiều, Pa Cô từ các bản lân cận và bên kia sông Sê Pôn sẽ xuống núi đi vào thăm tết những ngôi nhà trong thị trấn. Họ cùng ăn những món ăn truyền thống, uống rượu, bia cùng gia chủ rồi được gói ghém đem về nhà. Cái tục đi thăm tết của người dân tộc anh em có từ đó. Đó là cách trả ơn sự đùm bọc của người thiểu số từ mấy chục năm trước như một nghĩa tình mà lớp trẻ tìm về.

Phải chăng tết là nơi để chúng ta tìm về, làm ấm lại mình bằng những kỷ niệm rồi biết ơn ngày tháng cũ.

TAGS

Lãng đãng giấc quê

Nông Thị Hưng |

Theo sau một chiếc xe trâu, trên thùng xe có mấy cái đòn cùng vài đôi quang gánh.

Đình làng quê tôi

Ngô Nguyên Phước |

Hồi còn nhỏ, nhiều lần tôi hỏi bà nội tôi về ngôi làng của mình. Bà tôi kể khi bà về làm dâu thì làng được gọi là Tân Trại Hạ, thuộc tổng Hiền Lương, phủ Vĩnh Linh.

Quảng Điền xây dựng làng quê đáng sống

Kô Kăn Sương |

Được chọn làm điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở địa phương, thời gian qua thôn Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, đặc biệt là huy động mọi nguồn lực trong Nhân dân xây dựng đời sống mới. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc, góp phần tạo cho Quảng Điền trở thành một làng quê đáng sống, văn minh, hiện đại.

Nặng lòng với quê hương Quảng Trị

Trúc Phương |

Dù tuổi đã ngoài 60 nhưng bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hoa (có địa chỉ tại Khu Công nghiệp Nam Đông Hà, Quảng Trị) vẫn luôn tất bật với công việc kinh doanh cùng các dự án, hoạt động thiện nguyện hướng về cộng đồng của mình. Suốt nhiều năm sinh sống và làm việc trên mảnh đất Quảng Trị, bà chưa một ngày ngừng suy nghĩ cho sự phát triển của quê hương.