Quê nhà, chén cơm, và mạ - cả ba điều ấy hóa ra thành một, là nơi cho ta no cả lòng và đầy đặn cả tâm hồn.
Gạo nào ngon hơn gạo mạ ta trồng, cơm nào ngon hơn cơm mạ ta nấu. Bao giờ tôi cũng đinh ninh thế, tự hào thế, về những người mạ miền Trung. Mạ, tiếng quê tôi gọi mẹ, thân thương trìu mến. Mạ, cũng là chữ để gọi cây lúa non. Sao tương đồng về nghĩa đến thế.
1. Sau trận đại hồng thủy 1999, đó là những tháng ngày ám ảnh trong tôi về cái ăn. Nhà lâm cảnh khó vì mạ sinh thêm hai đứa em nhỏ gần nhau. Bữa tối mở cái lu trữ gạo ra, thấy trơ đáy, hỏi sáng mai ăn chi mạ? Mạ không nói gì, mắt trĩu xuống. Thế mà sáng mai mạ vẫn dậy sớm đun rơm nấu cơm cho anh em chúng tôi ăn đi học.
Cơm sôi, mạ chắt ra một chén nước thổi qua cho bớt nóng rồi húp, xong vội vội vàng vàng chạy chợ. Nồi cơm nấu xong phải đặt trên lửa rơm nửa tiếng sau mới chín, lúc đó anh em tôi vục chén vào ăn, không biết rằng đó là gạo mạ đi mượn từ khuya khoắt hôm qua, cũng không hề biết rằng chỉ một chén nước cơm chắt ấy mà mạ chịu được suốt buổi chợ.
Buổi trưa đi học về, thấy cái lu hết gạo, lại hỏi tối ăn chi mạ? Mạ nước mắt trào ra. Thế mà tối vẫn có cơm ăn. Hôm nào mạ cũng chạy quanh mượn gạo để nấu cho anh em chúng tôi có ăn no để học.
Năm 2007, tôi được nhận học bổng đi du học ở Minsk, Belarus. Tin của Bộ Giáo dục báo lịch bay gấp quá nên tôi chỉ có mấy tiếng đồng hồ để chuẩn bị ra Hà Nội làm thủ tục. Buổi chiều tiễn chân tôi lên xe, mạ khóc rất nhiều, dặn đi dặn lại sang bên đó nhớ ăn cho no. Tôi cười, nói con đi học nhà nước cho tiền ăn đủ, mạ đừng lo.
Mạ nhét vào ba lô một cái đùm cơm để ăn dọc đường đi xe. Tới bữa tối xe dừng cho khách vào quán ăn cơm. Tôi cầm đùm cơm ngồi trên xe mở ra, thấy cơm có cá có thịt, nghĩ không khéo bao nhiêu thứ ngon mạ gói vào đây hết, thì ở nhà các em biết ăn chi. Thế nên muốn ăn lắm mà không ăn nổi, vì khóc.
2. Qua Minsk, tôi sống chung phòng với Lữ, người Huế. Nhà Lữ nghèo khó, cha mẹ già và đông con. Nhận học bổng 6 tháng đầu tiên, Lữ chỉ chừa đủ tiền ăn tằn tiện, dành riêng 1.000 USD gửi về cho gia đình. Lữ gửi tiền kèm mảnh giấy viết tay cho một người Huế vừa sang Minsk công tác. Lữ viết: "Ba mạ, con gửi chừng này về. Ba lấy 800 đô trả nợ cho người ta. Còn 200 đô lên chợ Đông Ba đổi ra, mua gạo ăn chắc đủ tới cuối năm". Phải qua lá thư đó tôi mới hiểu hơn người bạn sống cùng phòng bấy lâu.
Chao ôi, những người mạ đã lo miếng cơm cho con. Rồi để cái nỗi lo ấy thường trực trở lại ám ảnh. Bạn tôi nói người miền Trung bao giờ cũng lo sợ cái sự đói. Hết cái thời “ăn bữa nay lo bữa mai” thì cái tự tính sợ đói ấy vẫn không nguôi ngoai được.
Đi xa, nhớ về quê nhất chính là những chạng vạng hoàng hôn, nghĩ không biết tối nay ở nhà mạ mình ăn chi. Chúng tôi thường mở những bài hát của ca sĩ Vân Khánh để nghe những lúc như thế, nghe lại càng thêm nhớ chứ chẳng nguôi ngoai được gì. Đến đoạn hạt lúa củ khoai giữa mùa Nam nắng, bưng chén cơm ăn sao đắng cả lòng trong bài Quê mình thì không cầm lòng được.
Học xong, về nước, việc đầu tiên khi vào Huế là tôi về thăm ba mạ Lữ. Nhá nhem tối, bạn chở tôi về thăm nhà. Đi qua một trảng cát rộng bao la ven phá Tam Giang, tôi càng hiểu vì sao trước đây Lữ gửi tiền về dặn phải mua gạo. Mạ Lữ đã bảy mươi tuổi, lom khom và luống cuống khi thấy có khách. Lữ chở tôi ra biển, bảo để thưởng thức đặc sản. Có lẽ do tôi vào bất ngờ quá, và muộn quá nên nhà Lữ không chuẩn bị kịp.
Chao ôi, tôi đâu thèm những thứ cao sang, tôi chỉ muốn ăn cơm của mạ bạn nấu thôi mà, ăn cơm với muối trắng cũng được…
(Nguồn: Thanh Niên)