Mùa xuân gieo hạt từ bi

Hoàng Công Danh |

Những ngày đầu năm 2024, không khí xuân ấm áp đã lan tỏa khắp nơi với nhiều hoạt động thiện nguyện của các tổ chức. Một năm mới khởi đầu bằng sự tử tế, hay nói như tinh thần của nhà Phật là mùa xuân gieo hạt từ bi. Điều ấy cũng không nằm ngoài ý nghĩa sẻ chia mỗi dịp xuân về Tết đến trong truyền thống nhân văn của dân tộc Việt.


Bánh chưng... không có thịt!

Dù mới bước sang tháng chạp năm Quý Mão, còn cả tháng trời nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng trong khuôn viên tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang (thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong) đã nổi lửa nấu bánh chưng.

Hơn một trăm phật tử trong huyện và vùng lân cận đã có mặt từ sớm để chuẩn bị cho chương trình Nồi bánh chưng - Xuân từ bi. Như không muốn náo động chốn thiền môn, mọi người tự phân công nhau thành một dây chuyền gói bánh. Một nhóm đãi đậu vo nếp, nhóm khác ninh đậu xào nhân. Bên thềm hiên, hàng chục người là các bà, các cô, các chị cùng lau lá, gói bánh, buộc lạt. Ngoài vườn, các huynh trưởng đoàn sinh mặc áo lam đang xếp bánh, kê nồi, nhen lửa nấu. Ai nấy đều nhiệt thành hào hứng, đúng thật đến chùa thấy việc thì làm.

Chị Phan Thị Mãi (57 tuổi), ở làng Đạo Đầu, xã Triệu Trung, cho hay khi biết được thông tin về việc gói bánh chưng cho trẻ em vùng cao, chị đã lên chùa tổ đình tham gia suốt ngày. Với chị, bất cứ việc gì có ích cho cộng đồng thì chị cũng như anh chị em áo lam sinh hoạt trong gia đình Phật tử luôn sẵn sàng. Mỗi lần tham gia thiện nguyện, chị đều cảm thấy hạnh phúc, phấn khởi, mọi mệt mỏi tiêu tan, bởi chị quan niệm “cho đi tức là còn đó”. Chị Mãi cũng chia sẻ thêm, bình thường, ngành nữ Phật tử Triệu Phong mỗi tháng đều nấu hai bữa cơm chay phát ở bệnh viện huyện, riêng việc tập trung gói bánh chưng ở chùa thì đây là lần đầu tiên.

Chương trình Xuân từ bi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Triệu Phong tổ chức tại Trường TH&THCS A Túc ngày 12/1/2024 - Ảnh: H.C.D
Chương trình Xuân từ bi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Triệu Phong tổ chức tại Trường TH&THCS A Túc ngày 12/1/2024 - Ảnh: H.C.D

Từ sáng sớm đến chiều, với 6 tạ nếp, 60 cân đậu, các phật tử đã gói xong 1.200 cặp bánh chưng, xếp vào 25 nồi bánh và nấu cho đến đêm khuya. Những chiếc bánh được người dân quê khéo tay gói nhanh, đều tăm tắp, vuông vắn. “Dù là bánh quà tặng chứ không phải để cúng nhưng vẫn được gói chỉn chu, vì mình phải đặt cái tâm vào đấy”, mọi người dặn nhau và còn nói vui rằng, “bánh chưng này không có thịt đâu, mà được gói bằng nhân từ bi”.

Đại đức Thích Nguyên Mãn, người khởi xướng chương trình này cho biết ý nguyện của thầy và Giáo hội là thông qua việc gói bánh chưng để mọi người cùng lan tỏa giá trị yêu thương của Tết Việt, cũng như chia sẻ tinh thần từ bi của đạo Bụt. Những chiếc bánh gói từ nếp, đậu, lá chuối là những thứ sẵn có của người quê, bằng tấm lòng yêu thương của người phật tử, sẽ được mang đến trao tặng học sinh miền núi còn khó khăn.

Mang quà xuân lên vùng cao

Sớm ngày 12/1/2024, từ Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, đoàn xe vượt hơn trăm cây số chở bánh chưng cùng các phần quà lên miền núi trao tặng cho các em học sinh đồng bào Pa Kô, Vân Kiều.

Điểm dừng chân đầu tiên là Trường TH&THCS xã A Túc, huyện Hướng Hóa. Tại đây, đoàn thiện nguyện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Triệu Phong đã trao 500 phần quà cho học sinh hai xã A Túc, A Xing. Mỗi phần quà gồm áo ấm, chăn, bánh kẹo, sữa, tập vở và cặp bánh chưng, ước tính trị giá mỗi suất 300 nghìn đồng. Ngoài quà cho học sinh, đoàn thiện nguyện cũng trao lì xì mừng tuổi sớm cho các thầy cô giáo đang giảng dạy tại đây.

“Bởi năng lượng từ bi có tính lan tỏa, mỗi hạt giống từ tâm gieo xuống sẻ nở ra nhiều bông hoa yêu thương. Cứ người này giúp người kia, người kia lại giúp người khác, dần dần thành một cộng đồng nhân ái”. Đại đức Thích Nguyên Mãn, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Triệu Phong

Thầy Trần Xuân Linh, Hiệu trưởng Trường TH&THCS A Túc cho biết ở địa bàn vùng cao thời tiết mùa này thường khắc nghiệt, có ngày nhiệt độ chỉ 12 độ C, các em rất lạnh nên đôi khi ảnh hưởng đến việc tới trường. Vì thế phần quà có chăn và áo ấm của đoàn trao tặng là rất thiết thực, giúp các em học sinh yên tâm đến trường. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên các học sinh được nhận phần quà có bánh chưng, mà lại là bánh chưng do chính các bà con phật tử dưới đồng bằng gói, thật cảm động và trân quý.

Không khí xuân ấm áp với 25 nồi bánh chưng tại Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang - Ảnh: H.C.D
Không khí xuân ấm áp với 25 nồi bánh chưng tại Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang - Ảnh: H.C.D

Theo tuyến đường Lìa, đoàn thiện nguyện tiếp tục di chuyển vào các vùng sâu vùng xa của huyện Hướng Hóa. Dọc đường, thi thoảng xe dừng, các sư thầy sư cô lại phát quà, trao bánh chưng cho trẻ em và bà con ở các thôn bản.

Phiên chợ Tết... 0 đồng

Dồn dập ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh, những năm gần đây đời sống chung của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những hộ khó khăn càng khó khăn hơn. Đặc biệt lúc cuối năm, để có một cái Tết “đủ lễ lược” thôi cũng đã là quá sức với nhiều gia đình. Hiểu được những trăn trở của người quê, Giáo hội Phật giáo Triệu Phong đã tổ chức 5 “phiên chợ 0 đồng” vào những ngày áp Tết Nhâm Dần - 2022 và Quý Mão 2023 tại các xã: Triệu Sơn, Triệu Thuận, Triệu Độ, Triệu Đại, Triệu Phước.

Phiên chợ có khoảng 30 gian hàng gồm đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết cho ngày Tết. Mỗi ngôi chùa trong huyện tham gia một gian hàng, từ nếp, miến, măng, gia vị cho đến bánh kẹo, mứt gừng, bánh chưng, hoa tươi, nhang thắp và cả... cát trắng để thay bát nhang. Thậm chí phiên chợ còn có cả hải sản khô cao cấp của những nhà hảo tâm gửi từ miền Nam ra, mà nói vui như quý sư thầy là “cả đời tui cũng... chưa được ăn”.

Giáo hội phối hợp với chính quyền địa phương phát phiếu đi chợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, không phân biệt trong hay ngoài đạo. Mọi người đều phấn khởi vì được “mua” tất cả mặt hàng trong chợ với giá... 0 đồng và yên tâm khâu chuẩn bị đón Tết. Không chỉ là vật chất, phiên chợ còn là nơi động viên tinh thần, tạo không gian chợ xuân thân quen: một bếp lửa than chiên bánh để chiêu đãi người đi chợ, nồi nước chè xanh uống cho ấm người, ca hát tập thể, ngoài ra mọi người còn nhận được phong bao tiền lì xì mừng tuổi. Ước tính trị giá 5 phiên chợ xuân từ bi trong hai dịp Tết vừa qua khoảng 2 tỉ đồng.

Dự kiến dịp Tết Giáp Thìn - 2024 sắp tới, vào ngày 22 tháng chạp, Giáo hội Triệu Phong tiếp tục tổ chức 2 phiên chợ từ bi tại các xã Triệu Lăng - Triệu Vân, Triệu Tài - Triệu Trung. Sẽ có 1.000 phiếu đi chợ dành cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất gồm nhu yếu phẩm đón Tết và tiền lì xì, trị giá 500 nghìn đồng/suất. Hiện tại đã có nhiều nhà hảo tâm, nhiều chùa trong huyện xin đóng góp gian hàng, sẵn sàng cho phiên chợ 0 đồng xuân Giáp Thìn 2024. Các phật tử cũng sẽ tập trung về chùa Sắc Tứ Tịnh Quang để gói 1.000 cặp bánh chưng góp vào phiên chợ.

Được biết, phiên chợ 0 đồng - xuân từ bi sẽ trở thành chương trình thường niên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Triệu Phong, lần lượt được tổ chức luân phiên ở nhiều nơi trong huyện. Bên cạnh đó, phiên chợ sẽ kết hợp thêm những trò chơi dân gian để tái hiện một không gian Tết xưa truyền thống. Mục đích của Giáo hội không gì hơn ngoài mang đến lợi lạc cho cộng động, chia sẻ từ bi đến mọi người.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Gìn giữ kỷ vật của Mùa Xuân Đại thắng

PV |

Nhiều năm qua, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (thuộc Bảo tàng Quân khu 7, TP Hồ Chí Minh) là địa chỉ tin cậy của những người yêu lịch sử.

5 địa danh tuyệt đẹp ở Việt Nam vào mùa xuân: Hãy xách balo lên và đi để không bỏ lỡ!

Thanh Hương |

Mùa xuân được cho là lúc những địa danh này vừa có vẻ đẹp hoàn mỹ nhất lại được thời tiết ủng hộ.

Mùa xuân cho con

Minh Đức |

Đã qua tháng Giêng rồi mà quê Sơn gió lạnh buổi sớm vẫn ùa về trên con ngõ nhỏ. Sương mù giăng khắp lối phủ kín con dốc heo hút bóng người. Tôi dừng xe trước căn nhà hai tầng khang trang, lợp ngói mới kiên cố. Hai đứa con Sơn nhận ra tôi hớn hở chạy ra chào. Sinh ra, lớn lên ở miền núi, lại được chăm lo đủ đầy nên nom đứa nào cũng khỏe mạnh, rắn rỏi và nhiều niềm vui ánh lên trong mắt.

Thầy cô là mùa xuân

Tây Long |

Mẹ mất sớm khiến nụ cười trên môi ba chị em: Phạm Nguyễn Trâm Anh, Phạm Nguyễn Nam Anh và Phạm Nguyễn Quốc Anh dường như không còn tươi vui như trước. Trong những ngày buồn nhất, sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (gọi tắt là iSchool Quảng Trị) đã sưởi ấm trái tim, mở ra cho các em nhiều điều tốt đẹp.