Mùa xuân cho con

Minh Đức |

Đã qua tháng Giêng rồi mà quê Sơn gió lạnh buổi sớm vẫn ùa về trên con ngõ nhỏ. Sương mù giăng khắp lối phủ kín con dốc heo hút bóng người. Tôi dừng xe trước căn nhà hai tầng khang trang, lợp ngói mới kiên cố. Hai đứa con Sơn nhận ra tôi hớn hở chạy ra chào. Sinh ra, lớn lên ở miền núi, lại được chăm lo đủ đầy nên nom đứa nào cũng khỏe mạnh, rắn rỏi và nhiều niềm vui ánh lên trong mắt.


Tôi vào nhà chào bố mẹ Sơn, mừng tuổi cho cả nhà rồi thăm hỏi vài ba câu chuyện. Nhìn quanh một lượt, tôi đoán nhà năm nay đón Tết lớn. Cây đào rực rỡ trang trí bắt mắt đặt ngay trước thềm, lại thêm hai chậu cúc lớn dù đã ra Giêng vẫn còn rực rỡ, vàng ươm.

Trên bàn, trong tủ kính còn ê hề bánh kẹo, sữa ngoại nhập mà các con Sơn vẫn ăn từ trước Tết. Bố mẹ Sơn phấn khởi kể nhà vừa mua bộ bàn ghế gỗ chừng hơn 20 triệu. Thấy hai cháu xúng xính quần áo đẹp, bà bảo, “cũng nhờ trời, bố mẹ chúng nó năm nay làm ăn được lắm, cô chú cũng nghỉ hẳn việc làm ruộng, buôn bán rồi, giờ chỉ tập trung lo cho hai cục vàng này thôi”.

Con là mùa xuân của mẹ -Ảnh: M.Đ
Con là mùa xuân của mẹ -Ảnh: M.Đ

Tôi thoáng nghĩ, bố mẹ Sơn sinh con sớm, giờ mới ngoài 50 sao lại nghỉ hẳn công việc, rồi khi tụi nhỏ tới trường, hai người ở nhà không buồn sao? Được một lát, có 3 ông cũng trạc tuổi bố Sơn đến, ông xin phép tiếp mấy người bạn.

4 người kéo nhau vào nhà sau, tôi đoán sẽ soạn một sòng bài. Khi tôi hỏi cô có hay gọi điện hỏi thăm vợ chồng Sơn không, mẹ Sơn nói do máy hỏng nên không gọi video được rồi giục tôi lấy máy gọi Sơn. Tôi chần chừ: “Ngày nào con và nó cũng chuyện trò, trêu nhau biết bao điều rồi cô ạ...”.

Tôi ra về, lái xe trên đường mà lòng ngổn ngang bao nhiêu nghĩ suy. Bấm máy gọi cho Sơn lúc cũng quá 12 giờ trưa, nói được vài câu thì giọng nó gấp gáp: “Tao còn tăng ca chưa nói chuyện lâu được, tối gọi nhé, tao ổn rồi mày yên tâm!”. Sơn và tôi là bạn học cấp 3. Sơn ở miền núi nhưng hồi đó nhà gửi về thành phố vừa phụ việc cho nhà bà con, vừa đi học. Sơn là đứa siêng năng, chất phác, chẳng nề hà việc khó khăn, nặng nhọc bao giờ.

Nó học khá nhưng không thi đại học mà học nghề rồi đi làm sau khi tốt nghiệp phổ thông. Sơn cưới vợ sinh con sớm hơn so với tôi.

Khi nó có 2 nhóc tì xinh xắn, lớp tôi ai cũng mừng và thầm chúc phúc. Rồi biến cố đến khi đúng ngày 30 Tết năm ấy nhà Sơn bị xiết nợ. Món nợ khổng lồ trên trời rơi xuống vì máu đỏ đen của bố Sơn.

Vợ chồng Sơn không còn cách nào khác đành ngậm ngùi gửi con lại cho nội ngoại hai bên chăm sóc để đi xuất khẩu lao động. Tôi chơi thân với Sơn, khi ấy, nó điện thoại chỉ nói ngắn gọn rằng: “Đời tao chỉ mong những ngày bình thường yên lặng, nhưng hai đứa con tao không thể mãi không có mùa xuân, mày ạ. Xa xứ, xa bạn bè chắc chắn cũng không có niềm vui đâu. Nhưng tao phải cố gắng vì tương lai các con và gia đình nhỏ này”.

Ngày nối ngày trôi qua, đến nay đã là năm thứ 6 hai vợ chồng Sơn sang xứ người. Những năm gần đây, tôi và nó liên lạc qua mạng xã hội thường xuyên. Sơn già đi trông thấy, ánh mắt lúc nào cũng hiện lên vẻ mỏi mệt, thiếu ngủ. Vợ Sơn kém chúng tôi 5 tuổi, mới xuân thì đó mà nay nhìn kém sắc hẳn đi. Sơn kể công việc ở xưởng chuyên làm cơ khí, sửa chữa vận hành máy móc nên rất tốn sức.

Tăng ca thường xuyên, có khi mỗi ngày Sơn chỉ ngủ tầm 4 tiếng. Cứ một năm trôi qua, khi hai thằng gọi điện chúc nhau năm mới, nó luôn nở nụ cười.

Sơn hỏi tôi: “Mày thấy ông bà và hai đứa nhà tao giờ thoải mái không? Tao qua đây cực nhọc mấy cũng chịu được, gọi điện về thấy con cái không thua kém bạn bè, trong nhà đầy đủ tiện nghi là hạnh phúc”.

Tôi hỏi Sơn tính chừng nào về quê, nó bảo còn trẻ, gắng thêm vài năm nữa kiếm chút vốn liếng rồi về. Mới đây, Sơn bị tai nạn lao động, dặn tôi không được kể với ai.

Tôi Tết nào cũng lên thăm nhà Sơn, nhìn lũ trẻ ngày một lớn và cơ ngơi ngày càng khang trang, trong nhà luôn rổn rảng tiếng nói cười mà mừng cho bạn.

Và lúc nào cũng vậy, tôi luôn thầm mong ước rằng vợ chồng Sơn luôn khỏe mạnh, kiếm được chút vốn liếng để trở về quê hương làm ăn, chăm sóc con cái. Vợ chồng Sơn hy sinh nhiều thứ để đổi lại những mùa xuân êm ấm, yên bình cho con cái.

Nhưng dù sao, những đứa trẻ đang ngày một lớn, chúng cần biết bao sự che chở và dạy dỗ của ba mẹ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Trên bãi non mùa xuân

Diệu Thông |

Khi nắng ấm vừa lên, gió xuân từ bờ sông hây hẩy tràn đến, tôi thường để chân trần đi bộ ra bãi non sau nhà. Cha tôi bảo đó là bãi non vì những con nước mang phù sa về bồi tụ mà thành chưa lâu. Đất ở bãi non thuộc dạng phù sa pha cát, mát rượi, xốp mềm. Bước đến đâu có thể in lại dấu chân ngay đến đó.

Tết quê trăm nhớ ngàn thương

Tú Linh |

Cũng như các thành phố lớn khác, những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, phố phường TP. Đông Hà (Quảng Trị) thưa vắng hẳn xe cộ. Đa số người dân về quê sum họp, dành thời gian nghỉ Tết để được quây quần bên gia đình, người thân.

Rằng cỏ cây cũng có linh hồn

Nguyễn Thế Chung |

Những ai đã từng đến tham quan Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, hay chỉ đơn giản ghé vào quán cà phê nhỏ nơi góc sân để uống vội ly cà phê buổi sáng, hẳn ít nhiều có ấn tượng với Nguyễn Đức Chiến. Một gã đàn ông đầu cạo trọc, ánh mắt như có lửa, bước chân không chạm đất, trông giống dân chơi hơn là người nửa đời gắn bó với cây cảnh. Một thú chơi đầy trầm tư và chiêm nghiệm. Nhưng đừng vội “trông mặt mà bắt hình dong”, trong giới chơi cây cảnh khắp 3 miền, “Chiến bảo tàng” cũng là cái tên được nhiều người biết đến nhờ những kỹ năng thượng thừa và sự chân thành trong thú chơi này. Nói chân thành vì dù để chơi hay để bán, Chiến luôn dành cho cây cối sự trân quý đáng ngưỡng mộ.

Ra đi cũng để quay về

Hồ Sĩ Bình |

Trong khoảng 6, 7 năm đầu sau ngày thống nhất, hồi ấy đi lại khó khăn, lương giáo viên miền núi ba cọc, ba đồng nên chuyện về quê nhiều không dễ dàng. Những chiều cuối năm ở miền núi buồn lắm, mọi người đi hết, học trò không đến lớp, ai cũng lo việc gia đình, bỏ lại tôi một mình trong phòng. Một mình, lại cuối năm ngồi vẩn vơ và nhớ quê đến thắt ruột.