Khi nắng ấm vừa lên, gió xuân từ bờ sông hây hẩy tràn đến, tôi thường để chân trần đi bộ ra bãi non sau nhà. Cha tôi bảo đó là bãi non vì những con nước mang phù sa về bồi tụ mà thành chưa lâu. Đất ở bãi non thuộc dạng phù sa pha cát, mát rượi, xốp mềm. Bước đến đâu có thể in lại dấu chân ngay đến đó.
So với cánh đồng ở mạn Tây ngôi làng, bãi non có diện tích không rộng lắm nhưng vì gần nguồn nước nên thôn dân thường tận dụng để trồng lên đó những loại rau, cây hoa màu ngắn ngày, có giá trị nhất. Nào xà lách, ngò, củ nén, cà chua bi, cà tím, rồi ngô, lạc…
Đất màu mỡ nên chẳng cần phân bón, khâu canh tác cũng vô cùng nhanh gọn, thô sơ. Người nông dân chỉ cần lấy cuốc cào cỏ, rạch đất, gieo giống rồi chờ đợi , chẳng mấy chốc, non xanh sẽ thảm kín cả khoảng đất vàng.
Vùi chân trần trong lớp cát mịn màu vàng mơ, tôi nhớ lại ngày nội khai canh mở đất. Lúc đó còn rất bé, tôi lúc thúc chạy theo sau bóng lưng phủ màu áo hoa tim tím. Theo con đường nhỏ dẫn xuống mé sông, nội dùng liềm bứt đi những bụi lau lách, rồi dùng cuốc, rựa phạt từng bụi dây leo bám kĩu kịt vào những gốc tre già.
Trước đây, những gộc tre này được cắm bừa xuống mép nước để giữ đất. Theo năm tháng, tre nhảy chồi, mọc thêm cây mới, tua tủa kết thành bờ bụi xanh rì. Ngày đêm, những con nước cũng gánh chở phù sa bồi tụ thêm vào khiến mảnh biền sát mép sông mỗi ngày càng phình to thêm. Ngày ấy, nội cũng rạch đất, gieo giống, cơi nới dần dần để rồi thế hệ sau chỉ cần bước vài bước chân về phía sau lưng nhà là đã có ngay một biền cà, biền đậu ngút mắt.
Những bãi non thường được tận dụng để trồng trọt nhưng cũng có những vị trí nó được để trống làm bến mới cho những chiếc đò nhỏ cập bờ. Những buổi chiều bé thơ, tôi và vài đứa trẻ trong xóm hay rủ nhau ra bến vẽ vời, có khi nhặt đá, hái hoa hay gom thêm nhiều vật liệu khác để thiết kế lâu đài.
Những lâu đài cát chúng tôi xây không đơn giản như cách thường thấy là vùi xuống cát một bàn chân rồi sau đó rút lên. Chúng tôi đứa nào đứa nấy ra sức xây ngôi nhà chính, sau đó kỳ công thiết kế thêm nhà bếp, ống khói, khuôn viên, tường rào bao quanh. Có đứa tạo thêm hồ bơi, cắm thêm mấy nhánh hoa hoặc cỏ dại làm khu tiểu cảnh trước cổng vào. Trong tâm thức, những đứa trẻ thôn quê ngày đó luôn ước mơ mình được trở thành công chúa, hoàng tử sinh sống trong những lâu đài bề thế, kín cổng cao tường, nguy nga của cải và đồ đạc.
Đang say sưa xây dựng, cả bọn giật mình bởi tiếng gáy của một chú trống choai. Trên sông, xa xa, một chiếc đò đang lừ lừ tiến đến. Càng đến gần, chúng tôi càng nghe rõ tiếng trẻ con. “Ngôi nhà” ấy ấm áp, đang chùng chình trôi đi trên mặt nước mùa xuân.
Cũng có khi đò ghé lại, cắm chặt cây sào xuống lớp đất non. Người phụ nữ từ trong đò lui cui bước xuống, cắp theo một chiếc rổ con bên nách. Chị mang tôm cá vừa chài được lên làng đổi lấy muối, gạo. Sau Tết, không nhiều thì ít, nhà nào cũng còn sót lại một ít bánh kẹo, đồ khô sẵn sàng mời mọc nhau hoặc làm hàng quà biếu tặng. Chiếc rổ cắp về của chị ấy nhờ vậy mà luôn phập phồng, đầy thêm những vật phẩm để khoe với lũ con đang mong ngóng mẹ về. Tôi còn nhớ, ngoài mứt gừng, mứt dừa, bánh tét, bánh thuẫn, nội vẫn hay dẫn chị vạn đò ra vườn để hái thêm vài trái ổi, bưởi, rồi bảo chị đặt vào chiếc rổ con còn vương lại chút mùi tanh nồng tôm cá. Chị mỉm cười, rối rít cảm ơn nội rồi thoải theo con dốc nhỏ trở về nhà…
Cuối chiều, cuộc chơi của tụi nhỏ sắp sửa kết thúc, bỗng từ đâu một con nắng xuân phớt hồng sáng bừng lên, gió từ bờ sông mát rượi tràn vào khiến cả khúc sông cùng lịm đi trong êm ả.
Người mẹ ấy đã trở về rồi, chị nổi lửa nấu cơm. Chiếc đò bắt đầu nhổ neo, từ từ trôi đi tỏa ra la đà làn khói bếp.
Lúc đó, tôi chợt hiểu ra, những ngôi nhà thật sự không cần phải là những lâu đài tráng lệ, nguy nga. Dù to dù nhỏ, nhà là nơi mọi người cùng quây quần, mong chờ và trở về đoàn tụ bên nhau.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)