Những ai đã từng đến tham quan Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, hay chỉ đơn giản ghé vào quán cà phê nhỏ nơi góc sân để uống vội ly cà phê buổi sáng, hẳn ít nhiều có ấn tượng với Nguyễn Đức Chiến. Một gã đàn ông đầu cạo trọc, ánh mắt như có lửa, bước chân không chạm đất, trông giống dân chơi hơn là người nửa đời gắn bó với cây cảnh. Một thú chơi đầy trầm tư và chiêm nghiệm. Nhưng đừng vội “trông mặt mà bắt hình dong”, trong giới chơi cây cảnh khắp 3 miền, “Chiến bảo tàng” cũng là cái tên được nhiều người biết đến nhờ những kỹ năng thượng thừa và sự chân thành trong thú chơi này. Nói chân thành vì dù để chơi hay để bán, Chiến luôn dành cho cây cối sự trân quý đáng ngưỡng mộ.
Chuyện của người biết “nghe” cây
Khuôn viên Bảo tàng tỉnh những ngày giáp Tết rực rỡ sắc vàng của mai. Ngoài cây của anh em trong Hội mai vàng Quảng Trị mang đến giao lưu, trưng bày, còn lại là cây do hai anh em Chiến tự tay đào hoặc mua về, chăm sóc và tạo tác nên đủ hình thù kỳ thú. Trong đó có cả những chậu mai “cành vàng lá ngọc” nổi danh Quảng Trị đã được Chiến cấy ghép thành công. Tôi đã dành nhiều ngày cắm quán cà phê nơi góc sân Bảo tàng tỉnh lặng lẽ quan sát cách Chiến chơi cây để kiểm nghiệm thực hư những lời đồn đại.
Rồi nói với Chiến: “Khi mua cây về chăm sóc, tạo tác rồi đem bán, tôi thấy anh như một con buôn lành nghề; khi đào cây, trồng cây cho người ta, anh là một nông dân có kỹ năng; khi chăm sóc, uốn nắn, tạo dáng để cho ra những tác phẩm không theo quy chuẩn nào nhưng ai nhìn vào cũng thích, anh thực sự là một nghệ nhân”.
Chiến cười: “Tôi không học hành gì nhiều nên không hiểu những triết lý cao siêu, chỉ là đứng trước cây, tôi luôn có cảm giác như đứng trước một người bạn thân thiết mà tôi có thể thấu hiểu được. Vì vậy cầm kéo cắt một mẩu rễ hay một chiếc lá, tôi luôn làm với tất cả sự nâng niu để không làm đau cây. Người ta nói vạn vật đều có linh hồn. Vạn vật thì tôi không biết nhưng với tôi cỏ cây nhất định có linh hồn. Nếu anh thực sự yêu nó, anh sẽ “nghe” được nó”.
Sinh ra và lớn lên ở một làng quê thuộc vùng ven TP. Đông Hà, tuổi thơ Chiến là những tháng ngày chăn trâu cắt cỏ. Anh kể, đi chăn trâu, trong khi bạn bè mải mê mò cua bắt ốc thì anh đặc biệt thích lùng sục trong các bụi rậm, nương vườn bỏ hoang để tìm tòi khám phá.
Gặp những cây có hình thù khác lạ, thích mắt là Chiến cặm cụi đào cho kỳ được, bất kể trưa hay tối. Phần lớn trong số đó khi đem về trồng đều không sống nổi, hoặc có thì cũng báo hại Chiến năm lần bảy lượt bị bố đánh vì tội mang những thứ cây dại về trồng “chỉ tổ làm chật vườn”. “Nhưng đó có lẽ là “duyên tiền định”, nên lớn lên, loay hoay đủ nghề rồi cũng quay về với cỏ cây hoa lá”, Chiến tâm sự.
Học hết lớp 7 thì Chiến bỏ học, gia đình cũng chuyển lên phố sinh sống. Như bao đứa trẻ nhà nghèo nghỉ học sớm, Chiến loay hoay đủ nghề tìm kế sinh nhai, phụ hồ, lơ xe, cho đến nhặt phế liệu để bán.
Năm 1992, Chiến bỏ tất cả để bắt đầu với nghề cây cảnh. Lang thang nay đây mai đó, nghe đâu có hoa đẹp hay cây lạ thì đến lân la mua về ươm trồng, tỉa tót lại, ai trả được giá thì bán. “Hồi đó, thú chơi cây cảnh chưa được thịnh hành và cầu kỳ như bây giờ, chủ yếu là dòng sanh, si, bồ đề rễ nhiều, dễ uốn, dễ sống nên công việc cũng được chăng hay chớ, thu nhập bữa có bữa không, có khi cây trồng đầy vườn mà chẳng thấy ai hỏi tới”, Chiến kể.
Của để dành cho đời sau
Trong khu vườn của Chiến còn có rất nhiều chậu mai mới chừng gang tay, đã được tạo thế, đặt ngay ngắn dưới tán những cây lớn, nương tựa nhau mà lớn lên. Hỏi ra mới biết, đây là những giống mai quý, Chiến mang hạt về ươm trồng. “Nhìn vậy chứ chừng 5 năm nữa, mỗi cây này không dưới 2 triệu đồng. Đây là phần để lại cho con, nếu sau này các cháu không thích, có thể đem tặng cho người khác, miễn sao làm đẹp cho đời”, Chiến nói.
Rồi một ngày Chiến nhận ra rằng, nếu chỉ tìm cây có hình thù lạ mắt rồi mua về, tỉa tót, uốn nắn, chờ ai trả được giá rồi bán như mớ rau con cá thì không ổn. Đó chỉ là hạng buôn cây. Chơi cây cảnh thực sự là phải biết nhìn thấy cái đẹp tiềm ẩn trong những gốc cây bình thường không ai ngó ngàng đến, rồi mua về cắt ghép, chăm bẵm để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đảm bảo độc, lạ và đẹp.
Cái đẹp ở đây vốn chẳng có cân lượng gì, miễn sao người khác nhìn thấy sẵn sàng móc ví bỏ ra cả gia tài để mua bằng được cái cây mà trước đó có khi mình chỉ mua với giá gần như cho không. “Nói đơn giản vậy chứ để định hình được một phong cách trong thế giới cây cảnh không phải chỉ thích là được, phải có năng khiếu và đam mê. Và mồ hôi nước mắt nữa.
Những năm 1996, 1997, tôi đã từng dành ra 2 năm trời ra Bắc vào Nam, đến những vùng có thú chơi cây cảnh phát triển để tìm hiểu phong cách chơi từng vùng, sưu tầm những thế cây độc, lạ rồi về nghiền ngẫm, chắt lọc để định hình phong cách chơi của riêng mình.
Cũng phải mất hàng chục năm, sau rất nhiều lần thất bại”, Chiến tâm sự. “Vậy phong cách chơi cây của Chiến bảo tàng là gì?”, tôi hỏi. Chiến nói ngay không cần suy nghĩ: “Thuận theo tự nhiên. Chơi cây cảnh mà nói thuận theo tự nhiên nghe có vẻ lạ, không uốn nắn, cắt ghép sao ra cây cảnh.
Tự nhiên ở đây là thuận theo thế cây, phần nào cần cắt thì cắt, phần nào có thể giữ lại thì nhất định phải giữ rồi lựa theo đó mà tạo tác, chứ đục hốc tạo sẹo lên cây nhiều, nhìn đau lắm”. Cái cách Chiến nhấn mạnh chữ “đau” khiến tôi hiểu ra anh yêu cây đến nhường nào.
Nhìn cây đoán mệnh
Chiến dẫn tôi ra gốc duối tầm 3 người ôm đang trong thời gian tạo hình. Gốc duối này anh mua tận Phú Yên 2 năm trước. Người ta đào trên núi đá nên phải cắt phần lớn rễ, cành lá cũng cắt trụi. Chiến bỏ 50 triệu đồng mua về, chưa kể tiền vận chuyển.
“Nói thật khi xe chở về đổ xuống sân nhìn không khác gì khúc củi khô, không ai tin là nó có thể sống được. Vậy mà tôi tin. Hàng tháng trời tôi một mình vào chậu, tạo thế, bón phân, châm nước, chăm cây còn hơn chăm con dại. Nói không ai tin, mỗi ngày tôi đều dành hàng giờ quan sát màu sắc của vỏ cây, thậm chí áp má nghe “thân nhiệt” của cây để có chế độ chăm sóc phù hợp. Nhiều bữa “nghe” sức khỏe cây có dấu hiệu không được tốt, tôi phải truyền cho nó 2 bịch dinh dưỡng, như kiểu bác sĩ truyền nước cho người bệnh vậy. Khoảng 3 tháng trời như vậy thì khúc củi khô nhú mầm”, Chiến kể.
Với những gốc cây to, vài tháng sau bật mầm cũng chưa khẳng định được gì bởi có thể do phần nhựa còn trong thân chứ bộ rễ đã chết từ lâu. Nhưng cây duối này thì khác. Ba tháng trời chăm bẵm, nhìn màu sắc vỏ cây và cái cách cây nảy mầm, Chiến nói chắc nịch: Khoảng 3 năm nữa đây sẽ là một gia tài.
“Sao lại là 3 năm?”, tôi hỏi. Chiến cười bí hiểm: “Thì tôi chăm nó từ một khúc củi, tạo thế cho nó, nhìn cách nó sống được và từng vị trí nảy mầm, cộng với kinh nghiệm mấy chục năm chơi cây, tôi có thể hình dung nó sẽ như thế nào trong từng tháng, từng năm tới. Tôi đã nói, chỉ cần mình yêu cây, mình có thể nghe được nó mà”.
Nói vậy chứ mới 2 năm sau khi cây duối bật mầm, giờ đã có người lân la trả giá 300 triệu đồng. Chiến nói, 1 năm nữa, khi quá trình tạo thế, tạo tán hoàn chỉnh, giá có thể từ 500 - 700 triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng. “Nhưng có khi tôi sẽ giữ lại. Cây cối cũng như con người, càng có nhiều kỷ niệm với nhau càng khó chia lìa”. Tôi thú thực mình là người ngoại đạo, hoa kiểng với tôi chỉ là vật trang trí không hơn, nhưng nhìn cách Chiến chăm cây và nói về cây, tôi tin anh nói thật…
Có một câu chuyện về mai mà Chiến vẫn giữ mãi trong lòng. Đó cây mai cổ của ông bác người cùng làng, mỗi dịp Tết về vẫn nở hoa rực cả góc vườn, ai cũng xuýt xoa khen. Năm ấy, có người về trả giá 30 triệu đồng, một số tiền rất lớn.
Ông bác hỏi ý kiến Chiến. Bằng con mắt nhà nghề, anh phát hiện một bên thân, đoạn sát gốc hơi hõm vào, màu sắc không được sáng, chứng tỏ một phần rễ đã bắt đầu hỏng, để thêm vài năm nữa cây nhất định sẽ chết. Nói hay không nói? Nếu nói ra, giá cây mai sẽ còn không quá 3 triệu đồng, dù sao cũng bà con trong làng. Còn không nói, người mua sẽ thiệt vì mua một cây bị lỗi, thậm chí nếu không biết cách trồng thì năm bữa nửa tháng cây sẽ chết. Và Chiến quyết định im lặng.
Tuy nhiên sau đó anh vẫn âm thầm giúp chủ mới cấy rễ, ghép đế và tạo dáng hoàn chỉnh cho cây với đủ đế, thân, cành, không phải cao thủ trong nghề không nhìn ra được. Bây giờ cứ dịp Tết nếu đi trên đường Lê Duẩn đoạn qua TP. Đông Hà, người ta sẽ thấy nhiều chậu mai nở hoa rất đẹp đặt bên đường, trong đó có cây mai năm ấy. Cả người bán, người mua và người “miễn cưỡng im lặng” đều hoan hỉ.
Chiến nói, nếu yêu cây và tinh ý, chỉ cần quan sát cành lá, màu sắc vỏ cây là có thể đánh giá sức khỏe và giá trị của cây, tức là đoán mệnh cây. Riêng mai, rất hiếm cây có tuổi thọ hơn 100 năm. Muốn vượt qua ngưỡng đó thì phải “tái sinh” cho cây, đại khái phải đào lên, cắt rễ, cấy rễ…, rồi trồng lại. Khi đó cây sẽ bắt đầu một vòng đời mới. Nói nghe đơn giản nhưng công đoạn đào cây, xén rễ tưởng những lão nông ở làng cũng làm được hóa ra chỉ một vài người có thể làm và được phép làm, nhất là những cây độc, lạ và có giá trị cao.
Trong nhóm học trò của Chiến có một đội được đào tạo kỹ lưỡng chuyên đi đào cây về trồng nhưng chỉ một người được giao những công đoạn quan trọng là lấy đế và xén rễ, thậm chí có trường hợp phải đích thân anh ra tay mới được. Nói dễ hình dung, giá trị một cây mai được tính là “nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ giống”. Đế tức là bộ rễ. Cây giá trị 300 triệu đồng, lỡ tay làm hỏng một rễ hoặc cắt không cẩn thận có khi 30 triệu đồng cũng không ai mua.
“Mình xuất thân là nông dân, hơn nửa đời người rồi cũng quẩn quanh với cỏ cây hoa lá, cắt rễ tỉa cành. Ai gọi mình là nghệ nhân thì kệ, mình vẫn thích người ta gọi mình là nông dân, một nông dân có kỹ năng”, Chiến cười, một nụ cười thật hiền.
***
Chiến bỏ dở câu chuyện để đi trồng cây cho một đại gia ở Đông Hà. Cây mai quý gần 500 triệu đồng, trên đường đưa về không may bị vỡ bầu. Chủ nhà không chịu ai trồng, một hai mời bằng được Chiến mới yên tâm, tiền công không thành vấn đề. Nể tình, Chiến mang đồ nghề lên đường.
“Cây quý như thế, phải tin tưởng lắm người ta mới cậy đến mình. Mình làm cũng vì cảm cái tình của người chơi và quý cây chứ không phải vì tiền. Làm nghề này đôi khi cũng cần một chữ duyên là vậy”, Chiến tâm sự.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)