Ra đi cũng để quay về

Hồ Sĩ Bình |

Trong khoảng 6, 7 năm đầu sau ngày thống nhất, hồi ấy đi lại khó khăn, lương giáo viên miền núi ba cọc, ba đồng nên chuyện về quê nhiều không dễ dàng. Những chiều cuối năm ở miền núi buồn lắm, mọi người đi hết, học trò không đến lớp, ai cũng lo việc gia đình, bỏ lại tôi một mình trong phòng. Một mình, lại cuối năm ngồi vẩn vơ và nhớ quê đến thắt ruột.


Tôi hay chạy ra ngoài bến xe của huyện. Gọi là bến xe mà chẳng có bến nào cả, chỉ là nơi ngã ba có những chuyến xe đường dài trên Quốc lộ 14 chạy ngang qua huyện dừng lại để đón khách. Người ta gồng gánh lỉnh kỉnh đứng ngồi chờ đón xe.

Nếu là người làm Nhà nước cũng dành dụm chắt chiu cả năm những món hàng công nghệ phẩm phân phối theo tiêu chuẩn, một ít trà, kẹo, mì chính, thuốc lá hoặc cái lốp xe, sên, líp… còn người dân thì dăm bao nông sản như đậu xanh, đậu phụng, bắp, chuối khô… làm quà Tết về quê.

Người dân sửa soạn đón Tết-Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Người dân sửa soạn đón Tết-Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Cuối năm nên xe đò chạy liên tục nhưng kín khách, “năm thì mười họa” mới có một xe dừng lại vớt khách. Từ 3, 4 giờ sáng cho đến khuya, người đứng đợi không ngớt. Ai ai cũng tất tả, vội vàng tranh thủ bằng mọi giá, thậm chí phải bu bám lên xe cho kịp, nhanh được phút nào hay phút ấy, thời gian để đoàn tụ gia đình sẽ sớm hơn, dài hơn.

Hồi ấy, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện Tây Nguyên rất nhiều, dân từ mấy tỉnh miền Trung dưới xuôi đi kinh tế mới rất đông, cuối năm là dịp mọi người tranh nhau mà về. Nơi tôi sống chỉ là một huyện thị đìu hiu, quanh năm vắng bóng người. Chỉ những ngày cuối năm người đi, kẻ ở mới chộn rộn nơi ngã ba hơn bao giờ hết.

Mấy năm liền như vậy. Hầu như sáng, chiều, tôi đều ra ngồi nhìn người ta đi về. Hình như nỗi nhớ quê cứ buộc mình phải ra ngồi nhìn người đi trong nôn nao rạo rực, vừa nhớ, vừa thương cho mình. Sau này, tôi đọc được một người có tâm trạng như mình: “Ta quê hương thiếu một quê nhà/Chiều cuối năm nhìn những chiếc xe qua/Mấy mươi năm vẫn một chiều rất cũ/Vắng tự trong lòng vắng thổi ra”.

Đúng là “ta quê hương thiếu một quê nhà”. Tôi xa quê đã lâu, từ trước khi chiến tranh kết thúc. Anh em tôi đều xiêu tán, mỗi người một phương. Ngoài làng, cha mẹ, chú bác, anh em ruột đều không còn ai, chỉ có những anh em cùng một cố thôi, không lẽ Tết nhứt mình về làng lại ở trong nhà bà con. Thời đấy, bao cấp đi đâu phải mang theo gạo chứ đâu như bây giờ.

Phải đến hơn 10 năm sau khi về sống với gia đình ở Đà Nẵng mới chấm dứt cái cảnh “chiều cuối năm nhìn những chiếc xe qua”. Cho đến khi cha tôi mất, tôi mới quyết định một mình trở lại làng cũ. Cha tôi là một người yêu thương hết lòng ngôi làng của mình. Những ngày sắp mất, ông vẫn tha thiết dặn lại các con: Hãy đưa cha về làng, thương cha thì nhớ lấy mà làm… Khổ nổi, đường sá xa xôi, ở làng đâu có ai nên đành phải chôn cất tại TP. Hồ Chí Minh. Tình yêu đối với làng nước của ông luôn in đậm trong tâm hồn tôi.

Sắc xuân -Ảnh: TRÀ THIẾT
Sắc xuân -Ảnh: TRÀ THIẾT

Những năm còn nhỏ, cha hay chở tôi từ thị xã Quảng Trị về quê trên một chiếc mô tô, ông thường chỉ và gọi tên những ngôi làng hai bên đường bắt con trẻ phải nhớ lấy. Ngày ấy, ông chỉ có một mong ước lớn lao nhất là con cái học hành thành đạt, không phải để thoát nghèo như nhiều gia đình khác, mà là sự khát khao cháy bỏng đến quyết liệt nơi ông về con đường học hành con cái chỉ để làm rạng danh cho làng, cho dòng họ.

Hình như đối với làng, ngoài những ước vọng với dòng họ, ông không hề có một ước vọng nào khác. Những đứa con của ông đã không làm được điều mà đấng sinh thành mình ấp ủ hy vọng suốt cả đời người, nó như một nỗi ám ảnh vừa yêu thương cháy bỏng, vừa hy vọng khát khao. Tôi từng viết về nỗi khát khao ấy: “Giấc mơ đèn sách khép lại bên trời/Để lại sự thất bại trong căn nhà ám khói/Trên một miền quê đầy bão giông lấm láp những cánh đồng khô hạn”…

Vâng, đó là ngôi nhà cổ có cái chái bếp lửa ngày đông âm u, khói bay ra không hết. Trong nỗi nhớ về làng cũ của tôi luôn gắn với hình ảnh của cha. Tôi nhớ khu vườn của nội, nhớ cội mai rực rỡ hoa vàng từ thời ông nội. Cha ngồi uống trà ngày Tết với chú bác trong họ, người nào cũng khăn đóng áo dài trông rất trang trọng.

Những đêm gió lạnh về, ba ôm tôi vào lòng ngủ cho đỡ lạnh, nhớ mưa bụi lắc rắc như sương trên đường làng rộn ràng tiếng cười nói của mấy chị em gánh gạo ra chợ. Cả những bữa cơm quê chiều cuối năm mẹ nấu mà nhiều năm sau vẫn còn tê buốt, bần thần cả vị giác trên đầu lưỡi.

Lần trở lại làng sau gần 15 năm xa cách, cũng là một chiều mưa cuối năm. Ngày ấy, tôi xuống ga Đông Hà, đi bộ xuống bến đò ở ngã ba sông Hiếu rồi mới đi đò dọc xuôi về bến ở làng Trà Liên mới lọ mọ hỏi đường về làng.

Thật khó quên buổi chiều mưa ấy. Ngày xưa hơn ngàn năm trước, Thôi Hiệu từng bày tỏ nỗi lòng trở lại cố hương “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/Yên ba giang thượng sử nhân sầu…(Trời chiều, cổng làng không biết nơi đâu/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai). Hồi đó, từ Đông Hà qua khúc sông này chưa có cầu, lần đầu tiên trong đời quy cố hương theo ngã sông Thạch Hãn, đúng là buổi chiều mò mẫm tìm đường vào làng. Khói sóng trên dòng sông, cái tâm tưởng của thời xa vắng dậy lên một nỗi vừa nao nức, vừa u hoài.

Làng tôi hồi ấy vẫn còn xơ xác lắm, cảnh vật đã hoàn toàn thay đổi vì chiến sự hồi năm 1972, bom Mỹ dội tan tành, cả làng không còn một ngôi nhà, dấu tích làng cũ đã mất hết. Tôi vừa đi, vừa hỏi đường về. Nhớ lời cha dặn mấy năm trước khi mất: Con cứ về hỏi nhà bác Toàn mà ghé ở lại…

Tôi không hiểu vì sao cả làng mà chỉ hỏi nhà bác ấy. “Cố nội con ngày trước có 6 ông, riêng ông nội con và ông nội bác ấy mất sớm, gia cảnh hai nhà gặp khó, hồi nhỏ cha và bác ấy lớn lên trong nghèo đói, vất vả, anh em lại mặc cảm nên gần gũi, nương tựa và bao bọc lấy nhau, thương nhau như anh em ruột”… Rồi tôi cũng đến được cái nơi cần đến.

Bác Toàn ôm tôi, líu ríu, run run: Con út chú Thông (là cha tôi) đây mà… Tôi thật xúc động không cầm được nước mắt. Càng bất ngờ hơn, sau đó được tin, các bác, các anh từ quanh xóm kéo vào. Các bác cũng thế hệ với cha tôi thì không nói, các anh chị có người vừa lạ, người thấy quen quen nhưng chưa kịp nhớ tên đều niềm nở và gần gũi đến lạ lùng.

Lưu lạc xa quê đã lâu, tôi không được sống trong một không khí ấm áp tình nghĩa bà con máu thịt ở làng quê như thế này. Đêm đã khuya, đã hết mưa dù trời lạnh, các anh chị còn ngồi ngoài hiên nhà trò chuyện và uống rượu gạo. Ở quê vẫn giữ thói quen chia thịt để ăn Tết. Thường 5, 7 nhà trong một xóm, nhà nào có nuôi heo, cuối năm mổ lợn để cả xóm chia thịt nên dịp này cũng mời tôi thử lại mấy món ăn quê kiểng.

Ấn tượng nhất là nước mắm tự chưng cất của người làng, gần 20 năm mới nếm lại, một mùi vị không nơi nào có. Chao ôi! Cả một nỗi niềm ký ức chừng như bật dậy bằng một âm hưởng ngọt ngào xa ngái. Cứ ngồi mà mơ màng, mông lung với cảm giác như gặp lại một cái gì tưởng đã rơi rụng, bỏ quên trên đường đời phiêu bạt.

Hương đêm, ngọn gió từ cánh đồng mênh mông chao lại, tiếng ễnh ương, mùi thơm của gạo mới, cả âm thanh xào xạc vườn chuối sau vườn, tất cả lắng đọng và chơi vơi đầy lòng trắc ẩn của nhớ - quên trong lần trở lại.

Xuống đồng -Ảnh: TRÀ THIẾT
Xuống đồng -Ảnh: TRÀ THIẾT

Đêm đó, tôi không hề ngủ được, cứ miên man nghĩ về cha. Rõ ràng, đời của cha đã sống hết mình với bà con. Dù đêm nay không có người ở đây nhưng trong các câu chuyện nghe được từ chú bác trong làng, cha được nhắc đến bằng sự trân trọng đầy yêu quý. Tôi rất tự hào về người và thầm tiếc cha đã không còn.

Cuộc gặp mặt trong lần trở lại làng hết sức ngọt ngào. Với người biền biệt lâu ngày trở về, quê hương luôn mở lòng bao dung đón nhận. Nhà văn Gamzatov (Dagestan) nói rất đúng, rằng: Quê hương không bao giờ ruồng bỏ, chỉ có con người mới chối bỏ quê hương.

Mấy năm sau, bác Toàn mất nhưng tôi vẫn trở về thăm làng, vẫn ở lại trong ngôi nhà của bác. Lứa tuổi các bác rồi lần lượt ra đi nhưng anh chị cùng thế hệ với tôi đều trải lòng thân thiết, tình cảm tràn đầy, thật không có gì hạnh phúc bằng.

Tôi về nhiều hơn, có năm về đến mấy lần, kể cả ngày Tết. Tôi thích nhất là buổi sáng sớm mồng 1 Tết, cùng mọi người vào dâng hương ở nhà thờ phái, cũng là dịp gặp mặt chúc phúc đầu năm. Sau đó, kéo nhau đi thăm đầu năm các gia đình trong họ… Năm tháng dẫu có phôi pha nhưng quê hương vẫn là niềm hạnh ngộ, nơi ra đi cũng để quay về.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đặc sắc những lễ hội khai xuân trên mọi miền đất nước

PV |

Cứ mỗi độ xuân về, người dân lại nô nức đi lễ hội: đình, đền, chùa, để thể hiện lòng thành, cầu mong một năm bình an, may mắn. Đồng thời, cũng là dịp để được hòa mình vào những nghi lễ đậm đà bản sắc văn hóa của mỗi vùng quê, đất nước...

La Lay nơi mùa xuân đến sớm

Phan Sáu |

Dẫu còn đó những vất vả khó khăn nhưng cuộc sống của bà con nơi đây đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, đấy chính là lời của những người dân Vân Kiều, Pa Kô mà tôi đã gặp trên các nẻo đường vào thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông. Theo con đường dốc gập ghềnh bên triền núi, tôi như đang đi giữa mùa xuân và ngắm nhìn những vườn đồi, vườn nhà đang xanh tươi trở lại sau trận lũ, làm nên sự bất tận của núi non...

Cửa Việt - Paris, một mùa xuân đặc biệt

Nguyễn Khắc Phê |

Trong cuộc xoay vần của tạo hóa và nhân sinh, mỗi khi có sự “gặp gỡ” ngẫu nhiên, bất ngờ, người ta thường nói: Thì ra quả đất hình tròn thật! Nói vậy, vì cái hình tròn luôn tượng trưng cho sự viên mãn, cái gì đáng đến đã phải đến! Mùa xuân 1973, tròn nửa thế kỷ trước, hai địa danh Cửa Việt (Quảng Trị) và Paris ở hai châu lục xa cách, lại chưa từng có mối quan hệ như Hà Nội - Paris hay Điện Biên Phủ - Paris, bỗng đồng thời trở thành tâm điểm được hàng triệu cặp mắt trên khắp thế giới hướng về.

Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước

PV |

Sau khi Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bà Võ Thị Ánh Xuân được Bộ Chính trị phân công giữ quyền Chủ tịch nước.