Lê Thị Mây, những mùa xuân hoa trái quê nhà

Phạm Phú Phong |

Là nhà thơ xuất hiện vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lê Thị Mây đã sớm tạo nên ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc về cả số lượng và chất lượng: 16 tập thơ và trường ca, 12 tập văn xuôi, trong đó có 2 tập văn xuôi, 3 tập thơ và trường ca đạt giải thưởng và chị cũng là tác giả đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2017) dành cho các tác phẩm Lê Thị Mây tuyển tập thơ (2013), Lửa mùa hong áo (trường ca, 2003), Tự khúc ánh sáng (2006).


Sinh ra ở Đồng Hới, Quảng Bình, nhưng quê gốc của Lê Thị Mây ở Triệu Phong, Quảng Trị nên giọng điệu tâm hồn trong thơ chị thể hiện đậm đặc hồn cốt của thổ ngơi quê cha đất tổ, lồng trong cảm thức của một người từng đi qua chiến tranh. Cũng phải thôi, trên đất nước ta có nơi nào chiến tranh dai dẵng và ác liệt bằng miền quê giới tuyến của chị.

Bản thân chị, sau khi học xong chương trình phổ thông, cũng theo tiếng gọi của quê hương tham gia lực lượng Thanh niên xung phong, đem cược cả tuổi thanh xuân của mình vào vùng bom rơi đạn nổ.

Làng quê yên bình - Ảnh: VÕ MINH HOÀN
Làng quê yên bình - Ảnh: VÕ MINH HOÀN

Do vậy khi đến với văn chương, chị được cử đi học lớp viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam (1973-1974), rồi học khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du (1979-1982), cho đến khi trở về lại quê hương làm Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt, chị có nhiều thơ viết về quê nhà. Có lẽ, trong nền thơ ca hiện đại, thơ viết về Quảng Trị, không ai viết nhiều bằng chị.

Quê nhà, đối với thi nhân là những gì thiết thân, máu thịt, đã tạo cho nên vóc nên hình và có cuộc sống ở đời. Đó không chỉ là tên đất, tên làng, nhiều sông, lắm núi, mà nơi đó còn có những người thân gần gũi trong dòng tộc, họ hàng, những đấng sinh thành, dưỡng dục và anh chị em trong gia đình, hàng xóm láng giềng, bạn bè thân hữu.

Đọc tuyển tập thơ mới nhất của chị Lê Thị Mây, tác phẩm chọn lọc (2020), trong số hơn 800 bài thơ và trường ca trích in vào đây, có đến ngót cả trăm bài chị nhắc đến quê nhà: Mẹ, Nhớ mẹ, Nhớ búi tóc mẹ, Mẹ cười, Mẹ mắng, Mẹ ra cánh đồng, Chiều ra thăm mộ cha, Bên mộ cha, Em Hường, Quê ngoại,... đến các địa danh quê hương ruột thịt và đằm sâu trong nỗi nhớ khôn nguôi: Bích La Đông, Nhớ Ba Lòng, Thưa mẹ Ba Lòng, Đò lên Trấm, Dốc Miếu, Chợ Sãi, Chợ Tết Quảng Trị, rồi đến Đồng làng, Cát làng tôi...

Thơ là tiếng lòng, là nơi lắng lại của lòng người, là tiếng nói của tình cảm, trong đó, thơ lục bát là giọng điệu thân thương từ trong truyền thống lâu đời của văn hóa Việt, gắn liền với làng quê văn hiến và hồn cốt của mỗi người.

Viết về làng quê, trong đó có những người ruột thịt, chị chủ yếu đem tình cảm nặng đầy của mình “phổ” vào câu thơ lục bát, trĩu nặng nhiều nỗi thiết tha: “Viếng cha hương khói tự lòng/Gộc trầm mưa nắng đục trong bên đời/Suối xa vàng dưới chân đồi/Mặt trời hoe đỏ một đời khóc cha” (Chiều bên mộ cha).

Trong thơ Lê Thị Mây, xoay quanh trong vùng sinh quyển của không gian tâm tưởng hướng về quê nhà, luôn quyện chặt với cảm thức về thời gian với những tiếc nuối, hụt hẫng và tỏ ra bất lực trước những gì chóng vánh vụt qua.

Chị hay nói nhiều về chuyện trầu cau, chuyện lẻ bóng trong lứa đôi, trong đó có cả nỗi đợi chờ người ra đi “vào nơi gió cát” (Nguyễn Gia Thiều-Cung oán ngâm khúc) thuở chiến tranh. Tâm trạng chờ đợi trong không gian lặng thầm, đơn chiếc, còn thời gian thì luôn chuyển động theo mùa: bốn mùa của đất trời, rồi đến mùa trăng, mùa gió, mùa cưới, mùa yêu...

Xuất hiện dày đặc trong thơ chị là sự tràn ngập sắc xuân không thể nói cạn lời: Ngày xuân, Cành xuân, Gió xuân, Mưa xuân, Cỏ xuân, Chợ xuân, Cánh đồng xuân, Hương xuân, rồi đến Ngày lập xuân, Cảm tác xuân, Ba sáu xuân, Hội xuân hát gió...

Hình tượng mùa xuân đa sắc lung linh, quẫy đạp, chuyển động trong đất trời, cây cỏ nặng đầy tâm trạng, nhưng chỉ gợi mở chứ không biểu cảm trực tiếp, không hiện ra một cách cụ thể trong từng chi tiết: “Cỏ thì thầm ẩn lời khe khẽ/Chạm tròn căng bầu sữa vầng trăng/Dấu lặng ngân lời ru và mẹ/Ru ngọt ngào, ru ẵm tiết Lập Xuân” (Ngày lập xuân).

Người ta nói rằng hình tượng của thơ không nói bằng ngôn từ mà hiện ra một cách mơ hồ chồng chất giữa các hàng chữ thênh thang. Điều này có lẽ khá chính xác đối với trường hợp thơ Lê Thị Mây.

Thật dễ nhận ra những mùa xuân trong thơ Lê Thị Mây luôn gắn bó với hình bóng quê nhà. Nắng, gió, cỏ, cây, hoa, lá... các sinh hoạt đời sống như chợ búa, cày cấy, gieo trồng và cả trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, đều thể hiện sắc thái của làng quê, ổn định từ trong trạng thái cảm xúc, như những giọt lửa của tình yêu được ủ trong âm ấm tro than, chỉ cần có ngọn gió hiu hiu thổi tới cũng sẽ bùng cháy lên; thậm chí, trong cảm thức vô tận giữa quê hương đất trời bản quán, chị còn đồ rằng, những câu chữ trong thơ cũng có linh hồn, có thể gieo trồng vun xới cho cây trái mùa màng trong nắng ấm xuân sang: “Môi thơm hồn chữ vừa xuân/Mực nhòe hết áo nảy mầm đời cây...” (Lục bát xuân).

Đó chính là khát vọng của thi nhân, trong sự bất lực đôi khi đến mức phù phiếm của nghề văn chương chữ nghĩa, luôn muốn làm đẹp cho đời sống, tô thắm thêm sức sống tràn trề của mùa xuân ươm cây trái nảy mầm.

Bên cạnh mùa xuân, độc đáo trong thơ Lê Thị Mây còn có những mùa trăng. Không phải trường phái siêu thực mới nói nhiều đến trăng, mới phát hiện ra giá trị tinh thần của ánh trăng, mà trước hết, trăng là tài sản của các nhà hiện thực. Bởi lẽ, trăng là có thực, là một thực thể mà người sống ở đời không ai là không biết.

Với Lê Thị Mây, một trong những đối tượng trữ tình đã sớm làm nên danh phận của chị, từ những năm đầu chị đến với thơ, đó chính là Những mùa trăng mong chờ: “Anh khoác ba lô về/Đất trời dồn chật lại/Em tái nhợt niềm vui/Như trăng mọc ban ngày/Gặp nhau tròn mùa trăng/ Em trẻ như bầu trời/Vòng tay anh đằm thắm/Giấu lời ru trên môi/Mai lại tiễn xa nhau/Vầng trăng cong chẽn lúa/Đêm đêm chín ngàn sao/Rỏ vào tim giọt lửa”.

Những câu thơ dung dị, mộc mạc, rải đều, mỗi khổ bốn câu như những thước phim quay chậm, rọi sâu vào tâm trạng mong chờ, khiến cho “tái nhợt niềm vui” khi nhận ra vầng “trăng mọc ban ngày”. Hình tượng mùa trăng mong chờ gắn liền với tên tuổi Lê Thị Mây. Có thể nói, đây là bài thơ hay nhất của chị và là một trong những bài thơ hay nhất viết về nỗi mong chờ của người phụ nữ trong chiến tranh của nền thơ ca hiện đại nước ta.

Một số tác phẩm của nhà thơ Lê Thị Mây -Ảnh: T.N
Một số tác phẩm của nhà thơ Lê Thị Mây -Ảnh: T.N

Lê Thị Mây không chỉ có một mùa trăng mong chờ, mà sau này chị còn có Trăng tròn, Trăng suông, Giếng trăng, Dưới trăng, Trông trăng, Hiên trăng, Trăng mười bảy, Trăng non đầu ngõ, Đò trăng bóng phố, Con cười ru trăng, Trăng lá trầu, Trăng vẫy bút, Trăng cây rơm, Trăng nhà nông, Gặt chiều liềm trăng... là những mùa trăng trong hương lúa, sắn khoai và đất đai làm nên môi trường sinh thái quê nhà.

Lê Thị Mây còn là cây bút văn xuôi sung sức, chị có 12 tập văn xuôi nhiều thể loại như truyện dài, truyện ngắn, bút ký, trong có hai tác phẩm từng được tặng thưởng như Huyết ngọc (tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, 1998), Bìa cây gió thắm (tặng thưởng của Bộ Quốc phòng, 1998), nhưng thành công chủ yếu của chị là thơ.

Trần Mạnh Thường có lý khi cho rằng: “Thơ Lê Thị Mây là tiếng lòng sâu lắng, trữ tình, đằm thắm, không khách sáo ồn ào, là niềm vui ngọt ngào được chắt lọc qua cuộc đời của chị và được thoát ra từ trái tim nhân hậu” [Các tác gia văn chương Việt Nam, Nxb VHTT 2008, tr.968].

Đọc lại thơ chị trong những ngày xuân, càng dễ hình dung sức xuân căng tràn nhựa sống, trên mảnh đất một thời đạn bom thắm máu bao người, cây trái đang đâm chồi nảy lộc báo hiệu xuân sang.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tản văn: Về nhà đi thôi!

Hoàng Nhung |

"Tết đâu chỉ là bánh chưng, cành đào, cây quất, là thời điểm khép lại năm cũ và đón chờ những điều may mắn của năm mới sắp sang. Tết còn là người thân, là sự đoàn tụ sau một năm xa cách. Tết là sự trông mong của bố mẹ già đối với những người con trở về sau những ngày tháng làm ăn xa nhà…”.

Mứt Tết của Mạ

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Vào mỗi tháng Chạp âm lịch hàng năm, khi những cơn mưa dầm cuối Đông và những đợt rét đậm rồi rét ngọt kéo dài phả hơi lạnh khắp quê nhà Quảng Trị, hầu hết các gia đình lại chuẩn bị làm mứt Tết. Và, đó là khoảng thời gian thật kỳ diệu của đời sống gia đình nói riêng, đời sống cộng đồng nói chung trước ngưỡng cửa mùa Xuân và Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Tết nhân văn, Tết sẻ chia

PV |

Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của Việt Nam, cũng là ngày lễ lâu đời nhất, quan trọng nhất và mang đậm bản sắc dân tộc. Là ngày lễ đầu tiên trong năm, Tết Nguyên đán bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với niềm tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất. Tết cũng là dịp để nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới và sum họp gia đình với nhiều phong tục, nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam, mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Tết thời bao cấp

Lê Thị Mỹ Tình |

Nhân cuối năm nhà có giỗ, chén rượu, miếng trầu phấn chấn, mọi người góp vui kể lại tết thời bao cấp. Những cái Tết dù đã đi qua vài thập kỷ nhưng mỗi khi nhớ lại không khỏi bùi ngùi xúc động về ký ức một thời gian khó và bi tráng mà ta đã đi qua.