Vào mỗi tháng Chạp âm lịch hàng năm, khi những cơn mưa dầm cuối Đông và những đợt rét đậm rồi rét ngọt kéo dài phả hơi lạnh khắp quê nhà Quảng Trị, hầu hết các gia đình lại chuẩn bị làm mứt Tết. Và, đó là khoảng thời gian thật kỳ diệu của đời sống gia đình nói riêng, đời sống cộng đồng nói chung trước ngưỡng cửa mùa Xuân và Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Khi có cơn nắng hiếm hoi của tháng Chạp, Ba tôi dọn giàn sắn dây ngoài vườn để nhổ lên những củ sắn dây to, dài hứa hẹn vị ngọt bùi. Cũng chính lúc đó, Mạ tôi mua gừng, dừa, cà rốt về chuẩn bị làm mứt Tết. Rồi mấy chị em xúm xít giúp Mạ rửa sạch, gọt vỏ từng củ gừng sau đó chen nhau đứng ngồi nhìn Mạ thái từng lát gừng không dày mà cũng không quá mỏng. Việc thái gừng thường được người dân quê tôi gọi là “xắt” gừng. Khi những công đoạn khác như ngâm gừng đã xắt vào âu nước giếng pha chanh với muối, rửa nhiều lần bằng nước sạch, luộc gừng,… được làm xong, Mạ cho gừng và đường cát trắng tinh vào chảo gang trộn đều. Đường tan chảy rất nhanh, ngập hơn nửa chảo gừng. Sau 15 phút, chảo gừng ngập nước đường được đặt lên bếp lửa. Khi chảo gừng đang sôi, Mạ dùng đũa đẩy gừng ra quanh chảo để giữa lòng chảo hình thành vòng tròn nước đường rỗng rồi dùng chiếc vá múc nước đường rưới đều lên gừng. Đến lúc nước đường trong chảo đã cạn và các lát gừng dần khô, Mạ duy trì hơi nóng trong bếp chỉ bằng than rồi nhanh tay xóc đều gừng trong chảo. Khi ấy, mùi hương của mứt gừng bắt đầu lan khắp nhà, ngỡ như Tết Nguyên đán đã về và được ấp iu trong gia đình…
Làm mứt sắn dây, Mạ tôi chọn củ sắn thật tròn, thật thẳng rồi lột vỏ, rửa sạch, xắt thành từng lát dày khoảng 2 milimet, luộc chín. Khi các lát sắn dây đã nguội thì Mạ cho vào chảo cùng đường cát trắng và bắt đầu rim trên lửa cho tới khi thành món mứt sắn dây có vị bùi, vị ngọt và mùi thơm thanh mát,... Năm nào có nhiều thời gian rỗi hơn và đặc biệt là tiền lo Tết khá hơn là Mạ tôi làm thêm mứt bí đỏ, mứt cà rốt, mứt bí đao, mứt dừa. Mỗi chảo mứt gừng, mứt sắn dây hoặc mứt bí đỏ, mứt cà rốt, mứt bí đao, mứt dừa vừa rời bếp than, bao giờ Mạ cũng cho những lát mứt vừa được lớp đường bao bọc mà Mạ quen gọi là “áo” vào khay cạn, rải đều cho ráo, cho nguội rồi mang phơi nhanh trong nắng nhẹ và gió thưa bên hiên nhà. Trong làn nắng mỏng và từng sợi gió nhẹ, từng phút một, mỗi một lát mứt uốn cong, cứng cáp, trở nên trắng tinh khôi, thơm ngát như bông hoa huệ vừa nở, như nụ cười thơ ngây của con trẻ đang háo hức đợi Tết cổ truyền của dân tộc mình…
Theo Mạ làm mứt đón Tết, con trẻ chúng tôi quây quần bên bếp lửa hồng mà nhìn mà ngắm và học tập sự khéo léo, tỉ mỉ của Mạ, hít hà mùi thơm, vị ngọt mỗi lúc mỗi nhiều trong không gian rồi nói với nhau biết bao câu chuyện đã đến với mỗi người, những câu chuyện học hành trong năm cũ sắp hết cùng những dự định, ý muốn trong năm mới. Nghe chuyện của các con, thỉnh thoảng trên gương mặt của Mạ tôi ngời lên niềm vui khó tả…
Cứ thế, trong mỗi lần chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền về sau, bao giờ chúng tôi cũng nhớ và mong được cùng Mạ làm món mứt gừng thơm ngon rất tốt với sức khỏe trong những ngày Tết vẫn còn hơi lạnh cuối Đông, món mứt sắn dây ngọt bùi ẩn chứa một vị thuốc dân gian, mứt dừa ngọt lịm cùng bao món mứt khác thật ngon, thật đẹp để cúng Tổ tiên, ông bà và đãi khách, góp phần làm nên tâm hồn của mỗi người con trên quê nhà Quảng Trị.