Nhân cuối năm nhà có giỗ, chén rượu, miếng trầu phấn chấn, mọi người góp vui kể lại tết thời bao cấp. Những cái Tết dù đã đi qua vài thập kỷ nhưng mỗi khi nhớ lại không khỏi bùi ngùi xúc động về ký ức một thời gian khó và bi tráng mà ta đã đi qua.
Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác dù ăn bo bo chan nước ruốc nhưng mỗi khi Tết đến, xuân về vẫn cứ rộn ràng, háo hức với bao kỷ niệm. Chừng hai tháng cuối năm, mọi người xôn xao chờ quyết định của Nhà nước cho mức tết thế nào, có khá hơn năm trước không? Vẫn chai rượu Nàng hương, hộp trà Bến Hải, gói thuốc Điện Biên, dăm ba gói kẹo, vài bao diêm… được phân theo tem phiếu, tôi mua thêm mấy chai rượu ngũ gia bì ở cửa hàng dược (loại này bán tự do), rồi ra quầy công nghệ phẩm xếp hàng mua vài mét vải may quần áo Tết cho các con. Thiếu thốn, cực khổ nhưng Tết đến cứ phải ăn Tết.
Ai đã trải qua thời kỳ tem phiếu hẳn sẽ không thể quên được những buổi xếp hàng mua gạo, thịt. Viên gạch hay hòn đá xù xì đều có thể tranh chỗ xếp hàng thay cho người. Người ta vẫn ngồi đâu đó, thỉnh thoảng mắt nhìn cái vật vô tri thay mình có ai chen ngang không, đàn ông mang theo quyển truyện hoặc tờ báo, chị em nối nhau bắt chấy chán chê rồi nhổ tóc sâu, tóc bạc… Mãi gần trưa vẫn chưa nghe gọi đến tên mình, ở nhà các con lấm lem chạy quanh vườn bắt chuồn chuồn, châu chấu chờ mẹ về trật bóng xế chiều, nghĩ lại thấy thương quá!
Chiều 29, 30 tháng Chạp ở cửa hàng thực phẩm cứ như binh, như hội, xếp hàng nhưng rất nhốn nháo. Để mua dăm bảy lạng thịt đâu đơn giản, cứ phải oằn người qua mặt bàn ươn ướt đầy mùi thịt, to nhỏ với cô bán hàng để có miếng thịt mỡ nhiều hơn nạc rán ăn dần. Những ngày giáp Tết, tranh thủ lên kho chế biến lương thực mua vài bao trấu đun, máy xay xát vẫn hoạt động, trấu bay mù mịt không ai dám ngẩng đầu, sợ đầu thóc bay vào mắt.
Thời bao cấp rảnh rang lắm: “cơm vua ngày trời” chả mấy ai quản lý gắt gao. Cứ xong việc của mình có thể chạy ù đây đó, việc riêng việc chung lẫn lộn, về quê nhổ ít cải muối dưa, kiếm mấy cái bắp chuối trộn rau sống và không quên đem về cho ngoại một ít giấy pơ luya để vấn thuốc xắt. Nhà tôi có cái ti vi đen trắng cũ, thỉnh thoảng sự cố mất hình phải vỗ vài cái hình lại hiện lên, trời rét căm căm mà cửa chính, cửa sổ mở toang để mọi người cùng xem phim tết. Ai đến trước có chỗ ngồi, ai đến sau đành đứng ngoài sân dưới giàn bí, có hôm giàn sập đánh rầm vì đông người níu, gắng xem xong phim rồi hì hục dọn dẹp.
Trong thiếu thốn đủ bề nhưng tinh thần ai cũng lạc quan, tình cảm con người xích lại gần gũi biết bao. Tôi công tác tại đài truyền thanh huyện, công việc cũng nhàn nhã, nhưng tổ phóng viên vất vả lắm. Mỗi chương trình làm ra chỉ phát được 2 lần trong ngày, việc đi cơ sở của các anh cứ như thoi đưa, song tinh thần lại thật tuyệt vời, cứ xã này thôn nọ, ra tận ruộng cùng bà con, vào tận phân xưởng cùng công nhân… Gói cơm vợ treo lủng lẳng trên ghi đông xe đạp, đến bữa gặp đâu ăn đó, chiều về viết bài như múa, truyền lửa cho người nông dân một nắng hai sương, cho xưởng máy, công trường rộn ràng thi đua thực hiện hoàn thành kế hoạch. Anh Lê Hữu Xử là tổng biên tập nội dung, nhà đông con, vợ ốm đau luôn, hành trang của anh là cái xe đạp cũ kỹ, chiếc xắc cốt (vật bất ly thân) và phía sau phóc ba ga buộc thêm một cái cuốc và con rựa thật sắc, trên đường về tranh thủ ghé xáo xới mấy sào đất trồng màu cạnh đường cái. Bữa cơm trưa mang theo (tiếng là cơm nhưng hầu như toàn sắn lát, thi thoảng có ít hạt cơm như trang trí) có lần mấy anh trộm mở cho tôi xem: 3 con rạm (nhỏ hơn con cua đồng) được rang với muối và ớt mặn chát, cay xé miệng, được vợ đặt gọn gàng giữa gói cơm sắn, chúng tôi gói lại cẩn thận, không quên nhét vào mấy câu thơ. Thành lệ hôm nào gói cơm cũng có thêm “gia vị” thơ, thơ đi cùng món dưa muối trường, ruốc sả, lạc vừng, mắm thính…thế mà chương trình anh ấy biên tập, chọn lọc kỹ càng, nhất là phát trong dịp Tết phải nói là “đẳng cấp” so với một đài truyền thanh cấp huyện. Tôi đọc mà cảm giác ấm áp, xúc động thực sự khi Tết đến, xuân về. Vẫn là chuyện thơ, mấy hôm giáp tết chị cấp dưỡng luôn bận bịu đi cửa hàng mua thứ này, thứ nọ nên bữa cơm tập thể không được chu tất, gạo thời bao cấp hay có sạn, anh em ăn có khi “chết điếng” vì nhai phải sạn, chỉ sau bữa cơm vài phút thơ được dán lên bảng tin: “Sắm dần sắm sàng mà không mần không mạn/Để cơm sỏi sạn khổ lắm o ơi/Mỗi ngày hai bữa cơm thôi/Anh em bên ni cũng như gia đình bên nớ, o thời tính sao?”.
Sau buổi họp cuối năm về việc phân công trực Tết, chị cấp dưỡng xin có ý kiến: Tôi làm hết lòng hết sức, nhưng làm sao tránh hết sạn sỏi, “đái” không được các anh cũng làm thơ, tôi chịu. Thế là cười với nhau và thơ vẫn cứ thơ, cơm thi thoảng vẫn còn sạn…
Rồi ai nấy vội vã người đi chọn cành cây khô, tìm mua giấy vàng cắt hoa mai dán lên chưng vào cái chai, người cố tìm cành đào nho nhỏ, mấy bông thược dược… Ai cũng mua bộ tranh Tết giống nhau có hai câu đối, ở giữa nhất định phải có ảnh Bác Hồ, phía dưới là câu chúc mừng năm mới thật đẹp, rồi tìm lá dong gói bánh chưng. Nhà tôi, bà nội chồng có truyền thống gói bánh tét bằng lá chuối. Tôi tất tưởi ra chợ mua nải chuối, quả bưởi và một bó hoa thọ để đặt trên bàn thờ.
Vui Tết, nhưng không quên nhiệm vụ, tổ phóng viên phân công anh em tham dự một số loại hình văn hóa như lễ hội đua thuyền đầu năm, lễ cầu ngư của bà con cửa biển, hát bài chòi, đêm văn nghệ đón chào năm mới… để tuyên truyền kịp thời trong dịp Tết.
Tết bao cấp làng quê luôn yên bình, phố xá êm đềm, không khí và hương vị Tết thanh tao đầm ấm. Lòng tôi bỗng rưng rưng thương nhớ về một thời được trải nghiệm cuộc sống của mình, của ông bà, bố mẹ, của các con và của bao người - những kỷ niệm không bao giờ phai khi nhớ về cái tết thời bao cấp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)