Những năm gần đây, công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều nỗ lực trong việc đàm phán, thương lượng với chủ doanh nghiệp để ký kết thỏa ước lao động tập thể. Việc làm này giúp người lao động (NLĐ) yên tâm công tác, gắn bó với doanh nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Theo số liệu của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh 91% doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên đã thành lập tổ chức công đoàn và thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Các cấp công đoàn chú trọng hướng dẫn công đoàn cơ sở triển khai thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp bằng những cách làm cụ thể như: đồng loạt triển khai “Ngày ký kết thỏa ước lao động tập thể” trong Tháng Công nhân hàng năm; tổ chức diễn đàn trao đổi kinh nghiệm “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể”; tập huấn quy trình đối thoại, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể cho cán bộ công đoàn cơ sở các doanh nghiệp; xây dựng thư viện thỏa ước lao động tập thể trên website LĐLĐ tỉnh để cung cấp mẫu thỏa ước lao động tập thể tiêu biểu cho công đoàn cơ sở tham khảo...
Nhờ vậy, các bản thỏa ước lao động tập thể hiện nay đều có từ 3 đến 10 điểm có lợi hơn cho đoàn viên, nâng cao quyền lợi cho NLĐ về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, bảo đảm việc làm, tiền lương, thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ đối với lao động nữ, ăn ca, tổ chức tham quan, chế độ khi ốm đau, trợ cấp khi khó khăn đột xuất, hiếu hỉ...
Công ty TNHH Chaichareon Việt Thái, huyện Hướng Hóa, được thành lập năm 2001, có 100% vốn đầu tư nước ngoài với 120 NLĐ. Xác định tầm quan trọng của việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, những năm qua, ban chấp hành công đoàn cơ sở công ty đã phát huy tốt vai trò đại diện tập thể lao động đàm phán, thương lượng, thống nhất với lãnh đạo công ty những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp với NLĐ. Đến nay, thỏa ước lao động tập thể của công ty đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung với nhiều điều khoản có lợi hơn cho đoàn viên, người lao động.
Cụ thể như hiện nay công ty có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, tiền điện, nước, điện thoại cho NLĐ với mức 600-800 ngàn đồng/người/năm; tiền ăn ca 730 ngàn đồng/người/tháng; phụ cấp 1-2 triệu đồng/người/tháng ở một số chuyền lao động nặng nhọc; hỗ trợ tiền giữ trẻ nuôi con nhỏ 500 ngàn đồng/con/tháng; tiền may đồng phục 2-3 triệu đồng/người/năm.
Ngoài ra, công ty còn có chính sách tặng quà cưới, quà cho lao động nữ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 20/10; tổ chức cho NLĐ đi tham quan, du lịch trong nước hoặc nước ngoài...
Theo ông Trần Tấn Huy, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Chaichareon Việt Thái, để có thể ký kết thành công thỏa ước lao động tập thể như hiện nay, ban chấp hành công đoàn công ty đã nỗ lực đàm phán, thương lượng trong suốt thời gian dài.
“Chúng tôi nghiên cứu để nắm vững các quy định của pháp luật lao động, phân công thành viên ban chấp hành tham gia quá trình, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; thống nhất các mục tiêu cần đạt được của thỏa ước thông qua hội nghị NLĐ để tổ chức ký kết; công bố công khai thỏa ước cho toàn thể NLĐ ở công ty. Để đảm bảo thỏa ước lao động tập thể được thực hiện, công đoàn cơ sở công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát chặt chẽ hằng năm”, ông Huy chia sẻ.
Tại Công ty TNHH Dệt may VTJ Toms, huyện Hải Lăng, công đoàn đã phát huy vai trò trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể mang lại nhiều phúc lợi cho NLĐ như: lương tháng 13, thưởng sáng kiến, thưởng chuyên cần, hỗ trợ kinh phí học tập nâng cao trình độ, tay nghề, chế độ ăn ca, trợ cấp khó khăn, chính sách riêng với lao động nữ, lao động nuôi con nhỏ, các điều kiện bảo đảm cho tổ chức công đoàn hoạt động...
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Dệt may VTJ Toms Nguyễn Thị Hoàng Hoa cho biết, ban chấp hành công đoàn công ty luôn kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của NLĐ và căn cứ trên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, điều kiện thực tế của công ty để khi thương lượng đưa ra những điều khoản đảm bảo hài hòa lợi ích giữa 2 bên. “Điều chúng tôi hài lòng là môi trường làm việc dân chủ, NLĐ và chủ doanh nghiệp luôn tương tác, đối thoại, chia sẻ để tạo sự gắn kết hơn trong quan hệ lao động”, bà Hoa chia sẻ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp vẫn còn tồn tại hạn chế như: số lượng công đoàn cơ sở có tổ chức ký kết thỏa ước tập thể khu vực ngoài nhà nước còn thấp; vẫn còn những thỏa ước tập thể mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Hoài Lê, việc nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước nhằm đạt được mục tiêu trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” được Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh lựa chọn là 1 trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ tới.
Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và NLĐ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp.
Công đoàn cấp trên cơ sở chủ động phối hợp với ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)