Ngăn ngừa nỗi đau đuối nước

Tây Long |

Mặc dù các cấp, ngành, đơn vị liên quan đã nỗ lực vào cuộc nhưng thời gian qua, tình trạng đuối nước vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh, để lại nỗi đau không bao giờ nguôi. Mùa hè đến, hồi chuông về đuối nước một lần nữa lại vang lên, nhắc nhở tất cả mọi người cần quan tâm, chú ý.

Nỗi lo thành... nỗi đau

Những ngày nắng nóng, đập ngăn mặn sông Hiếu, TP. Đông Hà (Quảng Trị) trở thành điểm “giải nhiệt” ưng ý đối với nhiều người, trong đó phần lớn là trẻ em. Không chú ý đến tấm biển cảnh báo, có ngày, hàng chục trẻ em thỏa sức ngụp lặn dưới dòng nước. Phần lớn các em không có áo phao. Một số trường hợp mang theo áo phao nhưng lại không mặc. Có em liều lĩnh bơi tít ra các trụ, cọc của công trình nằm giữa dòng sông bất chấp nguy hiểm rình rập. Qua chuyện trò, phần lớn các em được hỏi đều khẳng định mình không biết bơi hoặc chỉ “biết bơi sơ sơ”. Anh Anh Phương, một người dân TP. Đông Hà cho biết: “Cứ chiều chiều, một số trẻ ra đây bơi mà không có người lớn đi cùng. Tôi thấy điều này rất nguy hiểm. Qua theo dõi báo, đài, tôi biết gần đây, nhiều vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra trên địa bàn”.

Chỉ trong tầm 10 ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2023, trên địa bàn tỉnh liên tục ghi nhận các ca đuối nước thương tâm. Ngày 1/5/2023, trong lúc tắm biển Cửa Việt, có 4 học sinh bị sóng lớn cuốn ra xa. Nhờ lực lượng chức năng và người dân ứng cứu, 3 em được đưa vào bờ. Riêng em L.V.H. (sinh năm 2007), trú tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa không may mắn như các bạn.

Trước đó, ngày 22/4/2023, tại bãi biển Mỹ Thủy, một vụ đuối nước thương tâm khác xảy ra khiến em V.Đ.A.K. (sinh năm 2010), trú tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng tử vong. Chỉ 3 ngày trước khi vụ việc đau lòng của em K. xảy ra, người dân không khỏi xót xa khi biết tin về vụ đuối nước khiến em D.T.N., học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh tử vong.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), từ năm 2015 đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có 116 trẻ tử vong do đuối nước. Tính riêng năm 2022, tai nạn đuối nước đã cướp đi sinh mạng của 20 em.

Điệp khúc đau lòng do đuối nước lại tiếp tục vang lên trong những tháng đầu năm 2023. Vì thế, câu hỏi: “Làm sao bảo vệ trẻ trước nguy cơ đuối nước?” được rất nhiều người, đặc biệt là các phụ huynh quan tâm. Để nỗi lo ấy không kéo dài, bằng những cách khác nhau, các phụ huynh đã vào cuộc với nhiều việc làm cụ thể.

Tuy nhiên, đối với một số người, nỗi lo ấy lại bị lãng quên hoặc khỏa lấp giữa những vất vả, lo toan khác của cuộc sống. Hệ quả là nỗi lo không may lại chuyển thành nỗi đau đối với một số gia đình.

Học sinh ở huyện Hải Lăng được dạy bơi miễn phí trên dòng kênh - Ảnh: T.L
Học sinh ở huyện Hải Lăng được dạy bơi miễn phí trên dòng kênh - Ảnh: T.L
Trách nhiệm không của riêng ai

Quảng Trị có nhiều ao hồ, sông suối, đường bờ biển của tỉnh trải dài qua nhiều địa phương. Đây cũng là dải đất thường xuyên xảy ra lũ lụt. Vì vậy, nguy cơ đuối nước đối với người dân, đặc biệt là trẻ em khá cao. Qua ghi nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do các em nhỏ thiếu kiến thức, kỹ năng bơi lội, thiếu sự giám sát, hỗ trợ, bảo vệ của người lớn. Tại các bãi biển, cơ sở tổ chức hoạt động bơi lội, lực lượng cứu hộ vẫn còn ít, chưa được trang bị tốt để hỗ trợ người gặp sự cố.

Nhắc đến nguyên nhân gây ra đuối nước ở trẻ em, cô giáo Võ Thị Hồng, Tổ phó chuyên môn Trường THPT Đông Hà thể hiện rõ sự trăn trở.

Cô Hồng là một giáo viên, cũng là một huấn luyện viên bơi lội giỏi. Để vơi đi nỗi lo về đuối nước, nhiều phụ huynh đã tìm đến, gửi gắm cô Hồng dạy kỹ năng bơi lội cho con em mình. Cô Võ Thị Hồng cho biết, nguyên nhân dẫn đến đuối nước ở trẻ em bắt đầu từ đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi.

“Ở nhóm dưới 5 tuổi, trẻ chưa chủ động, chưa nhận thức được sự an toàn khi vui chơi dưới môi trường nước. Khi thiếu sự giám sát của người lớn hoặc người giám sát chưa đủ năng lực, các em rất dễ bị đuối nước. Ở nhóm trên 6 tuổi, trẻ hiếu động, hiếu kỳ, thích vận động nên nguy cơ đuối nước thường rất cao”, cô Hồng cho biết.

Khẳng định tình trạng đuối nước ở trẻ em trên địa bàn là “đáng báo động”, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nguyễn Thế Hậu chia sẻ, số lượng trẻ em trên địa bàn đông nhưng số bể bơi lại ít. Một số trường có bể bơi riêng nhưng chỉ có 1 - 2 giáo viên thể chất. Trong khi đó, một bộ phận phụ huynh vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc học bơi của con em mình.

“Để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và chính quyền cần phối hợp hơn nữa trong việc tổ chức tuyên truyền, chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ quan tâm, giám sát con em mình, giáo dục trẻ về những nguy cơ tai nạn đuối nước; tổ chức các lớp phổ cập bơi an toàn cho trẻ; cung cấp thông tin kịp thời, cảnh báo những địa điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước…”, ông Hậu nói.

Để ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em, thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực vào cuộc. Hằng năm, đặc biệt là vào dịp hè, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện tăng cường các giải pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Mới đây nhất, vào tháng 3/2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030.

Trong kế hoạch này, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu: 100% các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em, triển khai mô hình trẻ em toàn xã, phường, thị trấn biết bơi, học sinh toàn trường biết bơi; đảm bảo 100% cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước có huấn luyện viên, hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn và đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị, vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật…

Theo yêu cầu của UBND tỉnh, hằng năm, 100% các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn phải tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trên địa bàn. Mục tiêu được đưa ra là giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030 so với năm 2020.

Nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đuối nước, cần sự vào cuộc cần mạnh mẽ hơn nữa.

Trong đó, việc thu hút các chương trình, dự án trang bị cho trẻ kỹ năng bơi lội là hết sức cần thiết. Mỗi người dân phải hiểu sâu sắc rằng, phòng, chống đuối nước cho trẻ em không phải là việc của riêng ai mà thuộc về tất cả chúng ta.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hướng dẫn sơ cứu đúng cách khi trẻ bị đuối nước

PV |

Vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước, việc sơ cứu không đúng sẽ gây chậm trễ khoảng thời gian cấp cứu này, thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ.

Vĩnh Linh: Một học sinh lớp 2 đuối nước tử vong

Hương Lài |

Ngày 18/4, nguồn tin từ lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ đuối nước khiến 1 học sinh tử vong.

Triệu Lăng: Khen thưởng đột xuất 6 cá nhân dũng cảm cứu người đuối nước

Thanh Hằng |

Ngày 3/4, UBND xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) tổ chức khen thưởng đột xuất 6 người dân trên địa bàn xã vì đã dũng cảm cứu người đuối nước tại bãi tắm Nhật Tân.

Sôi nổi hội thi phòng, chống đuối nước cho trẻ em tỉnh Quảng Trị

Trúc Phương |

Ngày 28/3, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa – Thể dục và Du lịch, Dự án Bơi an toàn (Swim for Life) tổ chức lễ phát động và hội thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống đuối nước cho trẻ em tỉnh Quảng Trị năm 2023.