Tình trạng mạng yếu, nghẽn, học sinh không vào được phòng học, đang học bị “out”, khiến cho giáo viên, học sinh vô cùng “chật vật” để hoàn thành được tiết học.
Ngày 6/9, hơn 2 triệu học sinh tại Hà Nội chính thức bước vào học kỳ 1 năm học 2021-2022, nhưng buổi học đầu tiên diễn ra không hề suôn sẻ. Tình trạng mạng yếu, nghẽn, nhiều học sinh không vào được phòng học trực tuyến hoặc đang học bị “out” diễn ra liên tục, khiến cho giáo viên, học sinh vô cùng “chật vật” để có thể hoàn thành được nội dung buổi học.
Cô Nguyễn Thu Thảo chia sẻ: “Sáng nay có vẻ nhiều người học quá nên mạng rất tệ, mình cũng bị out ra vài ba lần trong thời gian diễn ra tiết học. Khi quay trở lại được phòng học lại phải ổn định lớp do các con không nhìn thấy được màn hình chia sẻ của cô và đồng loạt “cô ơi con không nhìn thấy gì”, “Cô ơi, con không nghe được”...
Chị Huyền (Hai Bà Trưng) – phụ huynh học sinh than thở: mạng “lag” lắm, màn hình nhà chị nhiều khi “đơ” luôn, tiếng cô giảng thì nghe “bập bõm” không rõ, lâu lâu lại bị thoát ra, lại phải nhắn cô giáo xin vào lớp lại. Bé không kịp chép bài, vừa học vừa ngáp.
Chị Vân lên mạng xã hội tìm mua sim 4G để cải thiện đường truyền internet mong giải quyết tình trạng nghẽn mạng
Trong group phụ huynh, hầu hết nhà nào cũng “than trời” vì sự cố quá tải khiến “con nó cứ cáu” trong suốt thời gian học. Nếu cứ kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng dạy và học của các con.
"Nhà em có 2 đứa cùng học zoom, trước thì lo máy tính, ipad cho con học, giờ thì lại lo con không vào được phòng học. Cứ lâu lâu đứa này kêu “mẹ ơi, máy con bị làm sao ấy”, đứa kia kêu “con lại bị out rồi”. Cả buổi sáng cứ quanh quẩn vào – ra, ra-vào phòng học cho hai con mà nản. Zoom thế này thì không biết có đảm bảo chất lượng dạy và học không nữa!".
Để học sinh có thể nắm được nội dung bài học, nhiều giáo viên chủ động gửi thêm đường link bài giảng điện tử hoặc dặn dò thêm cha mẹ học sinh kèm con ôn tập và chuẩn bị trước một số nội dung cho bài học ngày mai. Đồng thời đưa ra giải pháp "ưu tiên mạng cho thiết bị học, những thiết bị khác không cần sử dụng sẽ tắt mạng để cố gắng cải thiện tình hình". Tuy nhiên đó chỉ là "giải pháp tạm thời", hy vọng các bậc phụ huynh thông cảm và cùng nhà trường khắc phục dần dần.
Năm học 2020 – 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc ứng dụng dạy và học trực tuyến được xem như là giải pháp tình thế để không làm gián đoạn chương trình học. Tùy vào yêu cầu của mỗi trường, học sinh sẽ tham gia các tiết học trên các ứng dụng Zoom, Google Meet hay Microsoft Teams… dù đôi khi cũng xảy ra sự cố, nhưng giáo viên, học sinh đều cố gắng khắc phục.
Tới nay, việc dạy và học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế mà đã trở thành phương hướng lâu dài, do đó để cải thiện chất lượng dạy và học cần có những giải pháp đồng bộ hơn để giải quyết tình trạng này.
(Nguồn: Phụ nữ mới)