Người dân bức xúc vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm do khai thác rừng

Công Điền |

Đất đá trôi xuống đập Tà Noòng, chảy tràn về hệ thống nước sinh hoạt của người dân, làm nguồn nước đục ngầu, không thể sử dụng được.

Khai thác rừng gây ô nhiễm nguồn nước

Thời gian qua, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Hướng Hoá – Đakrông (Quảng Trị) tiến hành khai thác rừng sản xuất tại tiểu khu NTK28 thuộc địa phận bản Bù (xã Tân Lập, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). Trong quá trình khai thác rừng đơn vị này làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân bản Bù nên người dân đã phản ánh Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Một lượng lớn đất đá, cành cây do khai thác rừng gây ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn của người dân bản Bù. Ảnh: CĐ.
Một lượng lớn đất đá, cành cây do khai thác rừng gây ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn của người dân bản Bù. Ảnh: CĐ.

Ông Hồ Văn Tùng, Trưởng bản Bù, đại diện cho cộng đồng gần 100 hộ dân bản Bù thông tin, trước đây thực hiện chủ trương giao đất cho Nhà nước để làm rừng phòng hộ với mục đích giữ nước đầu nguồn nhằm cân bằng hệ sinh thái, giảm nguy cơ lũ lụt, xói mòn đất đai. Đồng thời, rừng phòng hộ cũng góp phần đảm bảo nguồn nước tự nhiên cho bà con phục vụ sản xuất, cũng như cung cấp nguồn nước sinh hoạt (nguồn nước tự chảy) cho gần 100 hộ dân bản Bù.

Do đó, mặc dù thiếu đất sản xuất nhưng vì lợi ích chung, người dân bản Bù vẫn đồng thuận giao đất cho Nhà nước đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tháng nay, đơn vị chủ rừng là BQLRPH Hướng Hoá – Đakrông tiến hành khai thác khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc địa phận bản Bù, nơi có các khe suối chảy xuống đập Tà Noòng, là nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho người dân bản Bù.

Quá trình khai thác, xe vận chuyển ra vào khu vực khai thác và san ủi đất, bốc tách lớp thực bì làm một lượng lớn đất đá trôi xuống đập Tà Noòng, chảy tràn về hệ thống nước sinh hoạt của người dân, làm nguồn nước đục ngầu, không thể sử dụng được.

Mặt khác, quá trình khai thác một lượng lớn lá, cành cây đổ xuống khe suối, lâu dần lá cây thối rửa làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân bản Bù. “Nước từ đập Tà Noòng là nguồn sinh hoạt chính của gần 100 hộ dân bản Bù nhưng từ khi đơn vị vào khai thác rừng không đảm bảo gây ô nhiễm nguồn nước dẫn đến không thể sử khiến người dân rất bức xúc”, ông Tùng cho hay.

Huyện chỉ đạo tạm dừng khai thác

Sau phản ánh của người dân bản Bù, mới đây, Huyện uỷ Hướng Hoá đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại bản Bù. Tại buổi kiểm tra, ông Lê Minh Tuấn, Bí thư Huỷ Hướng Hoá đã yêu cầu BQLRPH Hướng Hoá – Đakrông tạm dừng việc khai thác rừng và có giải pháp để khắc phục việc ảnh hưởng đến nguồn nước của người dân

Chiếc cống được đơn vị chủ rừng lắp đặt sau khi người dân phán ánh vụ việc. Ảnh: CĐ.
Chiếc cống được đơn vị chủ rừng lắp đặt sau khi người dân phán ánh vụ việc. Ảnh: CĐ.

Về phía chính quyền địa phương, ông Hoàng Dũng Chinh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Tân Lập, huyện Hướng Hoá cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân bản Bù, Đảng uỷ, UBND xã đã thành lập Tổ kiểm tra cùng với Kiểm lâm viên địa bàn, Trưởng bản và các trưởng, ban, ngành đoàn thể bản Bù tiến hành kiểm tra thực tế khu vực khai thác rừng trồng sản xuất.

Trước những ý kiến chính đáng của người dân bản Bù, xã Tân Lập đề nghị BQLRPH Hướng Hoá – Đakrông, là đơn vị chủ rừng cần có biện pháp khắc phục tạm thời như đặt cống tại các điểm xe vận chuyển gỗ ra vào khu vực khai thác rừng sản xuất. Đồng thời tạm dừng khai thác và tiến hành thu gom cành cây, không để tình trạng đất cát trôi xuống khe suối đầu nguồn dẫn vào hệ thống nước sinh hoạt tự chảy của người dân, tiến hành trồng mới diện tích rừng khai thác để đảm bảo độ che phủ theo quy định.

Đại diện chính quyền xã Tân Lập cũng đề nghị không tiếp tục khai thác rừng để đảm bảo nguồn nước không cạn kiệt, ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến 93 hộ dân bản Bù.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá – Đakrông thừa nhận việc việc khai thác rừng trồng sản xuất tại bản Bù của đơn vị đã ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước sinh hoạt của người dân bản Bù và sẽ có báo cáo gửi Sở NN-PTNT để xin ý kiến chỉ đạo.  

Theo ông Tuấn, việc khai thác rừng trồng tại tiểu khu NTK28 thuộc xã Tâp Lập là theo chủ trương của UBND tỉnh Quảng Trị, được Sở NN-PTNT và Sở Tài chính phê duyệt. “Ngay khi nhận được phản ánh của nguời dân khai thác rừng gây ô nhiễm và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện uỷ Hướng Hoá, đơn vị đã tạm dừng khai thác theo kế hoạch, kịp thời kiểm tra, tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường, thông tắc cống rãnh và đã khắc phục lại nguồn nước sạch cho người dân”.

Nguồn nước sinh hoạt của người dân bản Bù bị ô nhiễm không thể sử dụng. Ảnh: CĐ.
Nguồn nước sinh hoạt của người dân bản Bù bị ô nhiễm không thể sử dụng. Ảnh: CĐ.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân bản Bù, đến nay BQLRPH Hướng Hoá – Đakrông chỉ mới lắp đặt 2 chiếc cống một cách sơ sài ở các tuyến đường vận chuyển. Còn việc nạo vét các cành cây, bùn đất đã đổ xuống suối trong quá trình khai thác rừng đơn vị này vẫn chưa được thực hiện.

Do đó, người dân bản Bù đề nghị BQLRPHHướng Hoá – Đakrông sớm có phương án khắc phục lại nguồn nước cho người dân để đảm bảo cuộc sống.

Hàng loạt xe ben phục vụ điện gió cày nát đường dân sinh, gây ô nhiễm môi trường

Trường Sơn |

Nhiều ngày qua, hàng trăm lượt xe ben “trọng tải nặng” vận chuyển vật liệu phục vụ dự án điện gió lưu thông trên Tỉnh lộ 587 đi qua địa bàn xã Húc (Hướng Hóa, Quảng Trị) làm tuyến đường này bị băm nát, xuống cấp và gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.

Người dân chặn xe chở hàng gây ô nhiễm vào Cảng Cửa Việt

An Phong |

Khoảng 15 giờ ngày 9/6/2021, nhiều người dân Khu phố 6, thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) bức xúc trước việc Công ty Cổ phần Cảng Cửa Việt không thực hiện cam kết chấm dứt việc đưa mặt hàng titan xuống tàu, nên đã chặn không cho xe chở hàng vào Cảng Cửa Việt. Đồng thời, yêu cầu công ty này phải di chuyển số titan tồn đọng trong kho cảng ra khỏi khu vực Cảng Cửa Việt như cam kết thì mới dừng việc chặn xe.

Đường xuống cấp gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Tuấn Việt |

Thời gian gần đây, Cụm Công nghiệp Đông Ái Tử, huyện Triệu Phong được  UBND tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng tuyến đường RD-03 và RD- 36. Tuyến đường này do Công ty TNHH MTV An Thịnh và Công ty TNHH Xây dựng Trường Phúc thi công. Đường có chiều rộng 23 m, trong đó lòng đường 11 m, đường cấp 4 với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỉ đồng.

Quảng Trị chỉ đạo xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước gần KCN Quán Ngang

Tiến Nhất |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có công văn gửi các ngành chức năng, địa phương liên quan về hiện tượng cá chết diễn ra tại thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh.