Người lao động ngành du lịch kỳ vọng từ gói hỗ trợ COVID-19

Lâm Thanh |

Gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng mà Chính phủ mới ban hành được kỳ vọng sẽ giúp nhiều người lao động và người sử dụng lao động vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, trong đó có người lao động phục vụ ngành du lịch. Trước thông tin này, đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi và mong chờ. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn có nhiều vấn đề phát sinh cần được ngành chức năng tháo gỡ.

Hướng dẫn viên du lịch vừa mừng, vừa lo

Du lịch là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Qua 4 lần bùng phát dịch bệnh, đến nay hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh lĩnh vực này đều đóng cửa, người lao động làm việc cầm chừng, tạm dừng việc hoặc thôi việc.

Sau khi UBND tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định 23/QĐ-TTg, ngày 7/7/2021của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã có công văn hướng dẫn về hồ sơ thủ tục đề nghị hỗ trợ HDV du lịch gặp khó khăn đến các đơn vị, cá nhân liên quan. Qua rà soát, tổng hợp danh sách đợt 1 có 46 hồ sơ HDV du lịch đủ điều kiện đề nghị UBND tỉnh xem xét, chi trả tiền hỗ trợ theo chính sách trên của Chính phủ.

Hướng dẫn viên Ban quản lý Di tích Địa đạo Vịnh Mốc phải luân phiên nghỉ việc không lương từ đầu năm 2020 đến nay - Ảnh: L.T
Hướng dẫn viên Ban quản lý Di tích Địa đạo Vịnh Mốc phải luân phiên nghỉ việc không lương từ đầu năm 2020 đến nay - Ảnh: L.T

Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Thịnh, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Quảng Trị, từ đầu năm 2020 đến nay hầu hết HDV du lịch đều thất nghiệp vì COVID - 19. Để trang trải cuộc sống, họ làm đủ các nghề để kiếm sống từ môi giới bất động sản, bán hàng đến giao hàng…rất vất vả. Bởi vậy, mọi người rất vui khi nghe tin HDV du lịch là một trong những đối tượng được xem xét, hỗ trợ trong gói 26.000 tỉ đồng của Chính phủ lần này. Tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng rà soát, tổng hợp sớm đối tượng cần hỗ trợ trong đợt 1.

  "Do ảnh hưởng bởi COVID-19, lượng khách du lịch đến các điểm di tích trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu vé để trả lương cho nhân viên ở các điểm di tích nên phải bố trí làm việc xen kẽ, luân phiên cho người lao động. Cụ thể năm 2020, trung tâm tạm hoãn hợp đồng với 30 lượt lao động; đầu tháng 7/2021 đến nay, tạm hoãn hợp đồng với 25 lượt lao động. Trong thời gian tạm hoãn hợp đồng, người lao động không được nhận bất kỳ khoản hỗ trợ nào, kể cả việc đóng nộp các loại bảo hiểm nên rất thiệt thòi. Cứ 2 tháng một lần, đơn vị lại họp bàn, rà soát để luân phiên tạm hoãn hợp đồng cho người lao động sao cho cân đối, đỡ ảnh hưởng đến quyền lợi của cán bộ, nhân viên nhất nhưng thực sự rất khó" Ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh

Tuy nhiên, những người hội tụ đủ các điều kiện theo quy định của Quyết định 23/QĐ-TTg đều nằm trong danh sách đợt 1, những HDV du lịch còn lại sẽ khó để đáp ứng tiêu chuẩn nhận tiền hỗ trợ hơn. Bởi điều kiện để xem xét hỗ trợ, ngoài có thẻ HDV du lịch theo quy định của Luật Du lịch, còn phải đáp ứng được một trong những điều kiện bắt buộc là: “HDV phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với HDV du lịch tại điểm”.

Đây là điều kiện khó đối với đội ngũ HDV du lịch hiện nay vì đa phần họ đều ký hợp đồng với doanh nghiệp theo tour, trong khi từ đầu năm 2020 đến giờ các tour, tuyến du lịch đều bị hoãn, hủy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã đóng cửa, phá sản thì HDV lấy đâu ra hợp đồng lao động?

Nếu xét theo điều kiện thay thế “Hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa” thì thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 46 hội viên thuộc Hội Hướng dẫn viên du lịch tỉnh, so với con số HDV du lịch được cấp thẻ của cơ quan quản lý nhà nước là 157 người, thì có đến 111 người không đáp ứng được điều kiện này. Trên thực tế, lâu nay việc tham gia vào các hiệp hội, hội nghề nghiệp là tự nguyện nên nhiều HDV không tham gia. Bây giờ muốn có tấm thẻ hội viên để có thể nhận tiền hỗ trợ như quy định trên thì cần phải có thời gian làm thủ tục hồ sơ theo đúng quy trình nên cũng mất công đi lại.

“Mục đích của gói 26.000 tỉ đồng lần này là hỗ trợ kịp thời người lao động, trong đó có HDV du lịch gặp khó khăn do dịch bệnh. Quan điểm của Chính phủ là cắt giảm tối đa thủ tục, làm sao cho đồng tiền hỗ trợ này nhanh chóng tới tay người lao động đang gặp nhiều khó khăn. HDV du lịch muốn hành nghề đều phải có thẻ HDV du lịch do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp thì chỉ cần thẻ đó cũng đủ điều kiện nhận hỗ trợ của Nhà nước rồi, nên bỏ các điều kiện ràng buộc về hợp đồng lao động hay thẻ hội viên hội nghề nghiệp, vì trong lúc khó khăn này những thủ tục đó suy cho cùng cũng chỉ mang tính hình thức”, ông Thịnh đề xuất.

Nhân viên tại các điểm di tích có được hỗ trợ?

Cũng lâm vào tình cảnh điêu đứng không khác gì HDV du lịch ở các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hay dịch vụ lữ hành, nhưng nhân viên phục vụ hoạt động du lịch tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh lại không biết mình có thuộc diện được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19 lần này hay không?

Chị Phan Thị Mai Phương, HDV Ban quản lý Di tích Địa đạo Vịnh Mốc đã có 14 năm trong nghề nhưng chưa bao giờ chị và đồng nghiệp của mình lại lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay. Năm 2020, chị Phương bị tạm ngừng việc 5 tháng. Đến năm 2021, mới đi làm lại được 2 tháng (5 - 6/2021) thì đầu tháng 7 tiếp tục bị tạm dừng hợp đồng.

Tuy vậy, chị Phương vẫn cho rằng mình may mắn hơn các đồng nghiệp vì trong thời gian tạm ngừng việc ở Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc, chị xin được công việc làm nhân viên bán hàng ở một cửa hàng sơn gần nhà tại thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng (vào thời điểm mùa hè, sơn bán chạy), còn mùa mưa thì thu nhập thấp hơn.

Khách du lịch quốc tế giảm mạnh do COVID-19 khiến hướng dẫn viên du lịch quốc tế gặp nhiều khó khăn - Ảnh: L.T
Khách du lịch quốc tế giảm mạnh do COVID-19 khiến hướng dẫn viên du lịch quốc tế gặp nhiều khó khăn - Ảnh: L.T

Có công việc làm gần nhà nên chị có thêm thời gian chăm sóc, hướng dẫn 2 con học hành khi chồng công tác ở Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đi làm ở lại đơn vị cuối tuần mới về. “Ảnh hưởng của dịch bệnh nên để tìm một công việc bây giờ rất khó. Ban quản lý Di tích Địa đạo Vịnh Mốc có 9 cán bộ, nhân viên thì thời điểm này tạm dừng hợp đồng 6 người nhưng đa phần đồng nghiệp nữ đều chưa kiếm được công việc làm thêm, còn đồng nghiệp nam thì đi làm phụ hồ thợ nề, rất khổ. Bị ảnh hưởng công việc, đời sống như vậy nhưng hình như chúng tôi không đủ điều kiện nhận hỗ trợ như đối tượng là HDV du lịch vì về hình thức chúng tôi là cán bộ văn hóa thuyết minh tại các điểm di tích. Có thể chúng tôi thuộc đối tượng hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương được quy định tại Chương 4, Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy có hướng dẫn cụ thể nào đối với đối tượng trên nên tôi cảm thấy rất hoang mang, lo lắng”, chị Phương chia sẻ.

Do dịch bệnh kéo dài, có khoảng 80 - 90% người lao động phục vụ ngành du lịch ngừng việc, nghỉ việc, tìm kiếm việc làm mới, với tình trạng như hiện nay, đến khi dịch bệnh được kiểm soát và ngành du lịch khôi phục trở lại thì doanh nghiệp du lịch sẽ khó có đủ nguồn nhân lực, nhất là lao động có tay nghề như quản lý hoặc các HDV du lịch lâu năm để phục vụ thị trường.

Vì thế, cần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong ngành du lịch sớm nhận được gói hỗ trợ để giải quyết khó khăn trước mắt, đồng thời tiếp thêm động lực, niềm tin để họ gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng cần được tỉnh rà soát, đề xuất khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay và tạo điều kiện tiếp cận sớm gói cho vay ưu đãi lãi suất 0% ở Ngân hàng Chính sách xã hội để có nguồn vốn cầm cự, giải quyết khó khăn, chờ cơ hội phục hồi hoạt động trở lại.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Làm du lịch theo cách riêng

Quang Hiệp |

Trần Tiến (sinh năm 1992), trú tại Khu phố 6, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho rằng, nếu mỗi người dân trở thành một “đại sứ du lịch” thì Quảng Trị sẽ trở thành điểm đến của khách thập phương. Suy nghĩ như vậy, cộng với niềm đam mê và tình yêu dành cho quê hương, Tiến đã tạo ra những chuyên phượt mới mẻ, đầy thú vị.

Đình chỉ công tác Giám đốc Sở Du lịch Bình Định chơi golf khi tỉnh giãn cách xã hội

PV |

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã họp và thống nhất trước hết là tạm đình chỉ công tác của Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Dũng trong thời hạn 30 ngày.

Tiếp xúc với F0 khi đi đánh golf, GĐ Sở Du lịch Bình Định bị đưa đi cách ly

N.C |

Dù UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định về việc tạm dừng các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí để tập trung phòng chống dịch nhưng Giám đốc Sở Du lịch vẫn đi đánh golf rồi tiếp xúc với F0 nên đã bị đưa đi cách ly cùng 3 người khác.

Bảo tồn và phát huy lễ hội dân tộc Vân Kiều, Pa Cô phục vụ phát triển du lịch

Hồ Phương |

Lễ hội của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô miền Tây Quảng Trị, cho đến nay hầu hết vẫn giữ được những nét truyền thống đặc sắc. Chính điều đó đã tạo nên một sức hút lớn đối với du khách.